Hội chứng “baby blues” ở phụ nữ sau sinh

(Dân trí) - Một đứa trẻ chào đời có thể mang tới cả sự phấn khích lẫn mệt nhoài. Nó có thể mang lại sự vui sướng nhưng cũng có thể tác động tới chúng ta theo những cách mà chưa bao giờ chúng ta mong đợi.

  

Hội chứng “baby blues” ở phụ nữ sau sinh - 1


Hội chứng “baby blues là gì? 

 

Chẳng bao lâu sau sinh, nhiều phụ nữ bất ngờ phải đối mặt với hội chứng có tên “baby blues” - trạng thái khóc lóc và ủ rũ.

 

Bình thường, các sản phụ sẽ không thể có bất kỳ trạng thái nào như vậy: “Tôi có mọi thứ mà tôi muốn, một đứa con xinh xắn, một người chồng tuyệt vời - nhưng tôi vẫn cứ khóc hoài mà chẳng có bất cứ lý do nào”, một sản phụ chia sẻ.

 

Hội chứng baby blues thường liên quan với hormone ở thời điểm 3-4 ngày sau sinh, khi mà hormone thai kỳ đang giảm xuống và chức năng tiết sữa bắt đầu, cùng với đó là sự suy giảm cả thể lực và tinh thần sau sinh. Thêm vào đó, việc từ bệnh viện về nhà cũng có thể làm tăng cảm giác không an toàn đối với một người mới làm mẹ.

 

Hội chứng “baby blues” ảnh hưởng trong 1 thời gian ngắn tới 60-80% sản phụ sau sinh và phần nhiều là cảm giác mệt lử, không thể ngủ hay cảm thấy mình vụng về hoặc lo lắng. Cảm giác thèm ăn cũng có thể thay đổi (có thể ăn nhiều hơn hoặc ít hơn) hoặc sản phụ cảm thấy rất dễ cáu, hay bồn chồn, lo lắng rằng mình làm mẹ chưa tốt…

 

Hội chứng “baby blues” kéo dài bao lâu?

 

Tất cả những cảm xúc này là bình thường trong 2 tuần đầu sau sinh bé. Tuy nhiên, một số sản phụ nhận thấy nỗi buồn ở lại với họ dai dẳng hơn

 

Hãy nhớ rằng cảm giác về trách nhiệm khi bé chào đời sẽ có thể khiến bạn cảm thấy mình bị ngợp và giai đoạn làm cha mẹ chỉ thực sự bắt đầu khi trở về nhà vào những ngày đầu 

 

Hội chứng “baby blues” không phải là bệnh và cũng không cần điều trị, chỉ cần sản phụ được nghỉ ngơi, có thời gian; nhận được sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè là đủ…

 

Hội chứng này dễ bị nhầm với trầm cảm sau sinh vì các biểu hiện của chúng khá giống nhau. Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử trầm cảm, hoặc lịch sử gia đình có người bị trầm cảm thì trầm cảm sau sinh là hoàn toàn có thể.

 

Nếu các biểu hiện có tính chất đặc thù như ý nghĩ tự tử hay không có khả năng chăm sóc bé hay bản thân thì cần được điều trị. Nếu tiếp tục có những biểu hiện tiêu cực về cảm xúc kéo dài trong 2-3 tuần sau sinh thì nên gọi điện cho bác sĩ và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia.

 

Người thân có thể giúp gì?

 

Cách tốt nhất mà những người thân thiết (bạn bè hay các thành viên trong gia đình) có thể làm là phải biết chắc chắn rằng những biểu hiện của sản phụ có phải là bình thường, phổ biến ở các sản phụ sau sinh không.

 

Hãy lắng nghe và quan sát. Cô ấy mệt mỏi, cô ấy lo âu, không tin tưởng vào bản thân và những hành vi chưa bao giờ xuất hiện ở cô ấy trước đó… Hãy khích lệ sản phụ khóc nếu cô ấy muốn. Nói với sản phụ rằng cô là một người mẹ tuyệt vời và rằng bạn tin cô ấy làm mọi việc rất tốt.

 

Giúp đỡ sản phụ việc nhà và hạn chế tối đa khách tới thăm.

 

Gửi tin nhắn cho sản phụ, nói với cô ấy rằng không cần phải gửi lại lời cảm ơn.

 

Nấu ăn cho sản phụ. Giúp sản phụ cùng vượt qua những phút đấu tranh với bản thân.

 

Hãy để sản phụ được nghỉ ngơi ở mức nhiều nhất có thể.

 

Trên tất cả, hãy để sản phụ biết rằng bạn luôn ở bên cạnh cô ấy và sẽ không thể có chuyện gì xảy ra. Giúp sản phụ cảm nhận rằng cô ấy thật tuyệt vời. Hướng dẫn cô ấy cách chăm sóc bản thân.

 

Hãy thật tự nhiên hơn cả sự tự nhiên là tất cả những gì người thân có thể làm 

 

Thu Trang

Theo BCI