Nghi án mẹ trẻ sát hại con 33 ngày tuổi: Dấu hiệu của loạn thần sau sinh?

(Dân trí) - Nói về trường hợp đau lòng người mẹ trẻ thả con 33 ngày tuổi vào chậu nước đến chết ngạt, BS Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe Tâm thần (BV Bạch Mai) cho rằng người mẹ khả năng loạn thần sau sinh. Vì thế họ bị hoang tưởng, ảo giác.

Theo cơ quan điều tra xác định, cuối năm 2016, Trinh kết hôn với anh Vũ Hoàng H. và sinh được cháu V.A.. Ngày 11/6/2017, khi cháu V.A. ngủ, Trinh đặt con nằm trên giường, bên trong cùng sát tường, còn Trinh nằm giữa, anh H. nằm ngoài. Khoảng 2h sáng ngày 12/6, Trinh tỉnh giấc vì nghe tiếng con khóc. Trinh cho con bú khoảng 5 phút thì cháu V.A. ngủ tiếp.

Dòng chữ người mẹ trẻ viết trên bậc cầu thang. Ảnh: Tiến Nguyên
Dòng chữ người mẹ trẻ viết trên bậc cầu thang. Ảnh: Tiến Nguyên

Trinh đặt con xuống giường rồi ngủ tiếp được một lúc thì tỉnh dậy. Người mẹ trẻ khai, khi tỉnh dậy, chị này thấy đau đầu, mất kiểm soát. Trinh bế cháu V.A. từ phòng ngủ ra gần cầu thang lối lên tầng 2 của gia đình. Thấy có chậu nước hàng ngày tắm cho cháu V.A. còn đầy nước, Trinh thả cháu vào chậu trong tư thế sấp mặt xuống đáy chậu rồi đi xuống nhà vệ sinh tầng 1, sau đó lên phòng ngủ ở tầng 2.

Trong lúc đi lên tầng 2, thấy cục than hoa, Trinh viết dòng chữ in hoa “TAO SẼ GIẾT CHÁU MÀY LĂNG” (Lăng là tên bố chồng Trình - PV). Sau đó, Trinh lên giường đi ngủ cho đến khi ông Lăng phát hiện vụ việc đau lòng.

Theo BS Dương Minh Tâm, ông chỉ đưa ra nhận định, không dám đưa ra chắc chắn chẩn đoán gì cho người mẹ trẻ này vì phải thăm khám trực tiếp, hay bằng theo dõi giám định pháp y mới kết luận chính xác được.

Tuy nhiên, ông không nghĩ đến bệnh trầm cảm sau sinh vì dấu hiệu điển hình của trầm cảm sau sinh là người bệnh thấy mệt mỏi, chán chường, buồn bã. Họ có gắng vượt qua cảm giác đó, nhưng nếu không vượt qua được mới tìm đến cái chết.

Người trầm cảm sau sinh thường không họ thường không chết ngay, họ thương con, thương chồng, suy nghĩ nếu mình mất đi rồi thì con mình bơ vơ, không ai chăm, chồng thiệt thòi, vì thế người bệnh không tự sát. Chỉ khi cố gắng mãi không vượt qua được, trước khi tự sát họ thường giết con, giết chồng, người thân. Trầm cảm sau sinh những năm gần đây xuất hiện nhiều, có xu thế tăng lên, có những thống kê các bà mẹ trầm cảm sau sinh có hiện tượng giết con, rồi mới tự sát.

“Tôi nghĩ nhiều đến khả năng loạn thần sau sinh. Vì thế họ bị hoang tưởng, ảo giác, nó liên quan đến người mà tên hận thù mà họ viết ra. Hoặc là phản ứng tâm lý nhất thời sau sinh, có tức tối, mâu thuẫn làm bệnh nhân bộc phát và có hành động dại dột”, BS Tâm nói.

Hãy để ý đến người phụ nữ sau sinh!

BS Tâm cho biết thêm, rối loạn tâm thần sau sinh là một mã bệnh gồm nhiều bệnh khác nhau, có ba nhóm bệnh chính: Rối loạn loạn thần sau sinh, trầm cảm sau sinh và một số phản ứng nhất thời sau sinh.

Mỗi một rối loạn có những dấu hiệu biểu hiện khác nhau. Rối loạn loạn thần có hoang tưởng, rối loạn ảo giác, rối loạn cảm xúc hành vi, nặng hơn có thể một số rối loạn liên quan tỉnh táo của ý thức.

Loạn thần sau sinh là bệnh lý liên quan trực tiếp đến quá trình thai sản. Quá trình thai sản có thể dẫn đến những tổn thương, thay đổi về mặt hormone, nhiễm độc… khiến ảnh hưởng đến chức năng não bộ, biểu hiện triệu chứng loạn thần. Hoặc trường hợp thứ 2 là bệnh nhân tiềm ẩn có triệu chứng loạn thần trước đó nhưng không biểu hiện, trong quá trình thai nghén, sinh đẻ làm biến đổi trong cơ thể người bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho một biểu hiện nào đó bộc lộ, bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng loạn thần. Trong đó, có các hành động do triệu chứng loạn thần chi phối.

Trong loạn thần sau sinh có nhiều mức độ biểu hiện khác nhau, phụ thuộc vào triệu chứng loạn thần mắc phải. Ví dụ, người bệnh có hoang tưởng là có ai đó rình rập theo dõi giết mình, thì người bệnh sẽ tìm người đó, tiêu diệt người đó trước, trước khi người đó ra tay, hoặc trốn tránh …

Một loại khác, người bệnh bị ảo giác, luôn nghe có nhiều tiếng nói, nội dung xui khiến mình làm gì đó: giết con, ăn cắp, đốt nhà… thì bệnh nhân lại làm theo nội dung bị xui khiến đó.

Loạn thần hay trầm cảm sau sinh đều rất nguy hiểm cho cả mẹ và trẻ. Vì thế, mọi người hãy để ý để có thể nhận biết dấu hiệu bất thường của người phụ nữ sau sinh.

Hãy so sánh trước đây – bây giờ về ăn ngủ, tính cách, phản ứng sinh hoạt, nếp sinh hoạt, sự phù hợp hài hòa như thế nào. Khi bệnh lý thì thay đổi như thế nào? Người bệnh thường họ sẽ ngủ ít hơn, có những hành động, thái độ, ngôn ngữ và cảm xúc thay đổi nhiều so với trước. Nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy được sự thay đổi của bệnh nhân so với trước khi sinh để kịp thời có những can thiệp phù hợp.

Tú Anh