Hết sợ H5N1?

(Dân trí) - 30 sinh viên Học viện Quân y vừa chính thức tiến hành giai đoạn đầu tiên trong quá trình thử nghiệm loại vắc xin phòng cúm A/H5N1. Nếu thành công, Việt Nam sẽ có loại vắc xin phòng loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Đây là đợt tiêm thử nghiệm đầu tiên trong nhóm cộng đồng đối với loại vắc xin này. Trước đó, đã có 10 tình nguyện viên là cán bộ, nhân viên của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư (VSDTTƯ) tiêm thử nghiệm vắc xin này và thu được kết quả tốt.

Dưới đây là nội dung trao đổi giữa phóng viên Dân trí với PGS.TS Nguyễn Thu Vân (ảnh), Tổng Giám đốc Công ty sản xuất vắc xin và sinh phẩm số 1 - Viện VSDTTƯ - nơi nghiên cứu và sản xuất loại vắc xin này. 

Nhanh nhất là cuối năm 2009

Được biết để có được “vũ khí” mới giúp con người chống lại vi rút H5N1, nhóm nghiên cứu đã trải qua một hành trình khá dài (bắt đầu từ năm 2004). GS có thể kể về chặng đường đã qua?

Năm 2004, khi vi rút H5N1 bắt đầu tấn công người thì cũng là lúc nhóm nghiên cứu chúng tôi (10 người) bắt đầu nuôi cấy vi rus trên tế bào thận khỉ. Việc nghiên cứu được tiến hành trên khỉ sẽ cho năng suất cao và sạch hơn bởi không lẫn tạp chất như trên trứng gà có phôi (vẫn thường dùng để nuôi cấy vi rút). Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã thu được rất nhiều kháng nguyên H5 và N1...

Đến 2/2005, kết quả thử nghiệm vắc xin H5N1 trên chuột và gà lần đầu đã cho kết quả tốt. Cả hai đều đã xuất hiện kháng thể. Điều này, chứng tỏ có phản ứng miễn dịch.

Sau 3 tuần tiêm thử nghiệm vắc xin trên khỉ, tất cả vẫn sống khỏe mạnh chứng tỏ một điều, nó có thể đáp ứng khả năng miễn dịch và vắc xin an toàn.

Trong 3 đối tượng thử nghiệm là gà, chuột và khỉ thì khỉ là con vật được quan tâm hơn cả bởi đây loài linh trưởng có những đặc điểm sinh học gần giống với người nhất.

Sau nhiều lần thí nghiệm trên khỉ, một lần nữa nhằm đảm bảo độ an toàn, chính nhóm nghiên cứu cũng là những người tình nguyện đầu tiên thử loại vắc xin mới này. Kết quả rất tốt. Sau thành công này, chúng tôi đã gửi hồ sơ lên Bộ Y tế xin phép thử rộng rãi trên người và đã được Bộ Y tế chấp thuận vào cuối tháng 3 vừa qua.

Được biết, ngày 19/4 vừa qua, 30 sinh viên học viện Quân Y đã tham gia đợt thử nghiệm giai đoạn thứ nhất. Vậy chương trình thử nghiệm này sẽ có bao nhiêu giai đoạn và tiến hành trong thời gian bao lâu , thưa TS?

Đợt thử nghiệm thứ nhất dự kiến sẽ chia làm hai giai đoạn.

Ngày 19/4 vừa qua, 30 sinh viên học viện Quân Y đã tham gia đợt thử nghiệm giai đoạn thứ nhất, bao gồm 2 mũi tiêm cách nhau 28 ngày. Nếu không có phản ứng khác lạ xảy ra trong thời gian quy định, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, trên số lượng người tham gia rộng hơn, khoảng 300 người.

Những người tình nguyện sẽ được theo dõi trong vòng 8 tháng về vấn đề hiệu quả miễn dịch và mức độ an toàn đối với người, từ đó xác định có thể dùng cho người hay không và liều dùng phù hợp là bao nhiêu.

Giữa các đợt thử nghiệm, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành lấy máu để xem hiệu quả độ an toàn của vắc xin này.
 
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là kết quả trên lâm sàng, cần phải tiến hành nhiều hồ sơ thủ tục cần thiết nữa. Khoảng cuối năm 2009, công ty mới có thể bắt đầu chính thức sản xuất và đưa vào sử dụng rộng rãi loại vắc xin mới này.

Phản ứng có thể gặp khi tiêm vắc xin là gì, thưa TS?

Cũng như mọi loại vắc xin khác, phản ứng khi tiêm có thể gặplà mẩn ngứa, sốt, đi ngoài, sưng ở vết tiêm. Nặng thì có thể bị sốc phản vệ. Tất cả những phản ứng có thể xảy ra sẽ được chúng tôi theo dõi chặt chẽ.

Bản thân TS có tiêm thử loại vắc xin mới này không?

Có, tôi là một trong số 10 tình nguyện viên trong nhóm nghiên cứu tiêm thử vắc xin. Nói thật là trước khi tiêm cũng thấy hồi hộp lắm (cười). Dù biết là rất an toàn nhưng nó cũng là một sinh phẩm mà cơ thể thì luôn có những phản ứng khác nhau. Thực tế là kết quả đem lại rất khả quan!
 
Vẫn phải nhập khẩu nếu xảy ra đại dịch

Nếu đưa ra sử dụng phổ biến, giá thành của loại vắc xin này là bao nhiêu, nó có tác dụng bảo hộ trong bao lâu?

Giá dự kiến của vắc xin phòng vi rút cúm H5N1 là 30.000đồng/liều. Thời gian bảo hộ đối với người tiêm phòng là 1 năm.

Nghĩa là trong tương lai gần, người dân Việt Nam sẽ không còn sợ hãi “bóng ma” H5N1, bởi Viện VSDTTƯ sẽ đảm bảo cung cấp đủ vắc xin tiêm phòng cho mọi người?

Quả thực, nếu công ty có bắt tay vào sản xuất hết công suất cũng chỉ cung ứng được 4 - 5 triệu liều/năm. Số lượng đó chỉ đủ đáp ứng nhu cầu phòng bệnh cho người dân ở vùng có dịch. Nếu đại dịch xảy ra thì phải có nhiều biện pháp khác.

Nhưng ngoài sản phẩm của Viện VSDTTƯ, hiện nước ta cũng có một loại vắc xin phòng H5N1 khác đang được Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang nghiên cứu sản xuất từ phôi trứng gà sạch. Chế phẩm này cũng đang hoàn thành những thủ tục cuối cùng để xin phép thử nghiệm trên người.

Kể từ khi dịch cúm H5N1 xuất hiện, nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Australia, Hungary, Mỹ... cũng bắt tay nghiên cứu bào chế vắc xin. Đầu năm 2008, sản phẩm của hãng Sanofi Pasteur (Mỹ) đã xuất hiện trên thị trường. Nếu cần thiết, chúng ta có thể nhập khẩu. Tuy nhiên, giá thành sẽ đội lên khá cao, gần 200.000 đồng/liều.

Cảm ơn TS!

P. Thanh (thực hiện)