1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Herblife có phải là "thần dược"?

Sản phẩm Herblife đang được bán theo hình thức kinh doanh đa cấp với giá 11-66 USD/lọ. Theo quảng cáo, nó có thể điều trị nhiều bệnh tật, thậm chí tăng khả năng tình dục; nhưng thực chất, nó chỉ là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng mà thôi.

Theo quảng cáo trên tài liệu “thông tin sản phẩm” Herblife, do tiến sĩ y khoa Nguyễn Viết Lượng dịch và biên soạn, thì “Herblife được sáng lập vào năm 1980, hằng ngày có khoảng 50 triệu người trên thế giới sử dụng. Năm 1985, công ty đã thắng thầu cung cấp thức ăn cho phi công vũ trụ NASA”.

Bộ thực phẩm dưỡng sinh cơ bản của Herblife gồm các sản phẩm từ F1 đến F5 và trà sinh nhiệt. Chúng có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý tuần hoàn, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, trí não, xương khớp, giúp tăng cường thải độc, giảm cân và thậm chí cả... hỗ trợ cải thiện sinh lý đàn ông và đàn bà. Chẳng hạn, sản phẩm Male Factor 1000 của Herblife được quảng cáo là hỗn hợp thảo dược đặc biệt, giúp tạo mô cơ rắn chắc, tăng tiết hoóc môn sinh dục nam, cải thiện khả năng sinh lý ở đàn ông. Trên trang web của Herblife, sản phẩm kem chống nhăn được quảng cáo giúp giảm 57% nếp nhăn sau 12 tuần sử dụng sản phẩm...

Nếu đúng như quảng cáo thì Herblife quả là thần dược. Nhưng người tiêu dùng lại không công nhận điều này.

Chị Thanh, người từng dùng Herblife trong hơn một tháng, cho biết: “Qua người quen đang làm nhà phân phối của Herblife, tôi mua hai sản phẩm giá 66 USD/lọ uống để giảm cân, nhưng kết quả chẳng giảm tí nào. Theo hướng dẫn, khi uống loại trà giảm cân này, tôi không được ăn bữa sáng và tối, kết hợp tập thể dục 1 giờ/ngày. Nếu làm được như vậy thì chẳng cần uống thuốc cũng giảm cân”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Đăng ký và cấp phép Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế, cho biết, Herblife có 24 sản phẩm được công bố chất lượng tại cục. Đây là các thực phẩm dinh dưỡng chứ không phải thuốc điều trị. Sản phẩm này được bán theo kiểu truyền miệng, hướng dẫn sử dụng bừa bãi.

Theo ông Dũng, các loại thực phẩm dinh dưỡng bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng năm 2001. Bộ Y tế đã có hai thông tư hướng dẫn quản lý sản phẩm này. Tuy nhiên, sau khi đã công bố chất lượng sản phẩm tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều nhà kinh doanh liền “lách luật” quảng cáo, in tờ rơi, mở lớp huấn luyện để giới thiệu sản phẩm như các “thần dược” trị bách bệnh rồi bán với giá trên trời.

Mới đây, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức hội nghị với các nhà khoa học, nhà kinh doanh thực phẩm - thuốc. Điều lạ là ngay tại hội nghị này, rất nhiều sản phẩm thực phẩm - thuốc kinh doanh theo hình thức đa cấp cũng được giới thiệu công khai một cách trịnh trọng.

Theo một thanh tra viên chính của Bộ Y tế, muốn ngăn chặn sự xuất hiện của những “thần dược” trên, chỉ còn cách nghiêm cấm hình thức kinh doanh đa cấp, và thanh tra Bộ Y tế đã nhiều lần đề nghị việc này. Song vì nhiều lý do, hình thức kinh doanh đa cấp đang được cân nhắc đưa vào dự thảo Luật thương mại. Theo nhiều chuyên gia y tế, với những sản phẩm “nhạy cảm” như thực phẩm - thuốc, lẽ ra phải có những yêu cầu khắt khe hơn cho nhà kinh doanh khi công bố chất lượng sản phẩm và đăng lý lưu hành, thay vì chỉ cần chứng nhận lưu hành tự do như hiện nay.


Theo Tuổi Trẻ