1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Giữ nguyên phác đồ điều trị cúm A/H1N1

(Dân trí) - Sau hơn 1 tháng áp dụng phác đồ điều trị cúm A/H1N1 cho hiệu quả tích cực với hầu hết bệnh nhân, các chuyên gia nhất trí giữ nguyên phác đồ này. Một số trường hợp hiệu quả chậm với Tamiflu sẽ được dùng kéo dài ngày và tăng liều.

Giữ nguyên phác đồ điều trị cúm A/H1N1 - 1
Khu vực cách ly bệnh nhân cúm A/h1N1 tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia (Ảnh: H.Hải)

Không nên quá lo lắng về dịch cúm A/H1N1

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm điều trị cúm A/H1N1 diễn ra sáng nay (14/7), ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, người dân không nên quá hoang mang trước một “rừng” thông tin về dịch cúm A/H1N1 vì đa phần các ca nhiễm cúm A/H1N1 đều nhẹ, hầu hết tự khỏi; tỉ lệ tử vong trên thế giới chỉ tương đương với cúm thường vì thế, việc lo lắng nhiều là không cần thiết.

Ông Hiển cho biết, tại Việt Nam, qua giám sát các ca bệnh thì 84% bệnh nhân có triệu chứng cúm; 97% có biểu hiện sốt; 27% ho, đau người; chỉ có 0,9% có biểu hiện khó thở. Hầu hết bệnh nhân sau 7 ngày điều trị là ra viện.

“Vì thế, việc quan trọng là giáo dục, tuyên truyền cho người dân, khi có biểu hiện cúm thì đến viện để được khám, tư vấn, điều trị sớm. Vì với bất cứ loại cúm nào, nếu không điều trị mà có biến chứng nặng lên thì đều có thể dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng”, PGS Hiển nhấn mạnh.

Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, cúm A/H1N1 gần như cúm mùa, thường là nhẹ, có thể được điều trị, cách ly tại nhà, nhiều trường hợp không cần uống thuốc. Với các trường hợp nhiễm cúm, các bác sĩ đều khuyên cần uống nhiều nước, nâng cao sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng tốt, nghỉ ngơi bệnh sẽ nhanh lui. Tất nhiên, khi có biểu hiện bệnh cũng nên tới viện để được thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh để được chỉ định dùng thuốc phù hợp.

Ông Hiển cho biết thêm, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nhiều nước đang có số bệnh nhân tăng lên từng ngày, không thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch cúm A/H1N1. Trong trường hợp này, nếu xét nghiệm tất cả các trường hợp sẽ là một gánh nặng. Trên thực tế, số ca phát hiện được chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với số thực tế. Như tại Mỹ, số ca mắc cúm A/H1N1 thực ước tính cao gấp 30 lần số được báo cáo.

Theo ông Hiển, nếu dịch đã lan rộng ra cộng đồng thì chỉ nên giám sát trọng điểm bằng cách xét nghiệm chọn mẫu, chọn lọc tại một số vùng trọng điểm, không thể xét nghiệm toàn bộ số ca mắc bệnh vì rất tốn kém, mất thời gian nếu số bệnh nhân xuất hiện ồ ạt. Kinh phí đó nên dành cho việc giám sát sự biến đổi, lưu hành, kháng thuốc của vi rút cúm A/H1N1. Điều này vô cùng quan trọng với một loại vi rút mới như vi rút cúm A/H1N1, chúng ta thực sự chưa biết được nó sẽ biến đổi tới đâu, độc lực sẽ tăng như thế nào, khả năng kết hợp với các loại vi rút cúm khác ra sao?...

Tamiflu vẫn rất nhạy cảm với cúm A/H1N1

Tại buổi hội thảo, ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: Đến nay có 3 nước thông báo có ca cúm A/H1N1 kháng thuốc Tamiflu. Theo nhận định đây là những ca tản phát, không phải đại diện cho cúm.
 
Về 2 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới, sau điều trị, kết quả kiểm tra cho thấy chỉ là chậm đáp ứng với Tamiflu, sau khi uống thêm 3 ngày thuốc Tamiflu, 2 bệnh nhân này đã khỏi bệnh hoàn toàn. 
 
Còn người nhà của hai bệnh nhân này bị lây nhiễm vi rút từ bệnh nhân nhưng bản thân họ điều trị chưa đến 7 ngày đã khỏi bệnh. Điều này cho thấy, thời gian tồn lưu vi rút ở những bệnh nhân này kéo dài là do yếu tố miễn dịch của chính họ, chứ chưa có bằng chứng về lâm sàng của tình trạng vi rút cúm kháng Tamiflu. Về lý thuyết, tỷ lệ kháng Tamiflu ở trẻ em là 4%, người lớn là 0,4%. Ở thời điểm này vẫn có thể khẳng định, Tamiflu vẫn rất hiệu quả trong điều trị cúm A/H1N1.
 
Còn tại Viện Nhiệt đới TPHCM hiện cũng có 2 trường hợp đáp ứng chậm với Tamiflu. Hai bệnh nhân này, sau 10 ngày điều trị, kết quả xét nghiệm lại vẫn dương tính với cúm A/H1N1. Hiện cả hai bệnh nhân này đang được tiếp tục điều trị bằng cách tăng gấp đôi liều Tamiflu.
 
Theo ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới quốc gia, kéo dài thời gian điều trị với những bệnh nhân đáp ứng chậm với Tamiflu là biện pháp đang được áp dụng hiện nay. Cụ thể, liều điều trị vẫn giữ nguyên nhưng kéo dài điều trị từ 7 ngày lên 10 ngày, thậm chí là 2 tuần. Nếu sau thời gian này mà vẫn không khỏi thì mới phối hợp thêm thuốc.
 
“Đánh giá việc điều trị cúm A/H1N1 tại Việt Nam cho thấy, các ca bệnh đều đáp ứng điều trị tốt, sau 2- 3 ngày hết sốt, giảm triệu chứng cúm và xét nghiệm đã âm tính; thường sau 5-7 ngày được xuất viện. Điều này cho thấy, phác đồ điều trị của chúng ta vẫn phát huy hiệu quả, vì thế, không cần thay đổi phác đồ điều trị cúm”, TS Lý Ngọc Kính nói.
 

Thêm 10 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1

Trong ngày 14/7, Việt Nam xác nhận thêm 10 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm cúm H1N1 trong cả nước lên 309 trường hợp. Các trường hợp nhiễm cúm mới ghi nhận trong ngày đều ở khu vực phía Nam. Trong đó gồm 8 người nước ngoài và 1 người Việt Nam về từ nước ngoài, 1 người Việt trong nước bị lây nhiễm khi tiếp xúc với bệnh nhân đi từ Thái Lan về Việt Nam.

Như vậy đến nay TPHCM đã có 20 người trong nước bị lây nhiễm cúm từ nguồn bệnh đến từ nước ngoài. Hiện các bệnh nhân này đang được điều trị và theo dõi tại BV Bệnh Nhiệt Đới, BV nhi Đồng 1,2 với tình trạng sức khỏe ổn định. Ngoài ra, hiện có 07 trường hợp đã xác định dương tính với cúm A/H1N1 lần 1 và đang chờ kết quả xác định xét nghiệm chính thức.

Trong ngày 14/7, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã chuyển 8 hành khách có thân nhiệt cao trên 38oC đến BV Phạm Ngọc Thạch để giám sát cách ly. Như vậy, đến hôm nay số bệnh nhân cúm A/H1N1 tại TP HCM đã tăng lên 239 ca và đã có 208 ca sau khi được tái xét nghiệm PCR âm tính, đã được xuất viện.

Đến nay, cả nước tđã có 258 bệnh nhân ra viện, 51 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng.

Về tình hình dịch trên thế giới, theo thông báo của Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Châu Âu (ECDC ), đến ngày 12/7/2009, toàn thế giới đã ghi nhận 114.569 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 tại 135 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có 572 trường hợp tử vong.

Tại khu vực Đông Nam Á: Philippine đã ghi nhận 1709 trường hợp, 01 tử vong; Singapore: 1217 trường hợp; Brunei: 255 trường hợp, 01 tử vong. Bộ Y tế Thái Lan thông báo nước này đã ghi nhận 3475 ca dương tính, 18 trường hợp đã tử vong do cúm A /H1N1.
 
Ngọc Thanh

Hồng Hải