1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Giám đốc BV Phụ sản Trung ương: Tôi là thầy, nhưng cả đời là học trò

Hồng Hải

(Dân trí) - Là một trong 400 nhân vật được vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2022, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương chia sẻ, việc trở thành thầy giáo là một cơ duyên giúp ông đào tạo nhiều thế hệ ngành y.

Chiều 18/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ và tặng bằng khen cho 400 nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Trưởng Bộ môn Phụ sản, Trường Đại học Y Hà Nội là một trong số ít thầy thuốc, thầy giáo ngành y được trao danh hiệu này.

Giám đốc BV Phụ sản Trung ương: Tôi là thầy, nhưng cả đời là học trò - 1

PGS.TS Trần Danh Cường, Chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản, trường Đại học Y Hà Nội.

Với nghề y, thầy thuốc cả đời là học sinh

Được nhận bằng khen là một trong 400 nhà giáo tiêu biểu, PGS Cường xúc động chia sẻ: "Tôi chọn làm thầy thuốc, nhưng cơ duyên cũng trở thành thầy giáo. Tôi được nhà trường, thầy cô dạy để mình có một cái nghề. Rồi tôi lại thay các thầy, các cô truyền thụ lại kiến thức cho các thế hệ sau, không nghĩ đến một lúc nào đó mình lại được vinh danh là một trong những giáo viên được coi là tiêu biểu của ngành y.

Với tôi, đây là vinh dự lớn, niềm tự hào cho chính tôi khi đại diện cho rất nhiều cán bộ giảng viên của rất nhiều trường đại học y tham gia đào tạo nguồn nhân lực y tế cho đất nước. Nhưng cái quan trọng hơn, với các thầy cô dạy dỗ tôi, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin tặng lại các thầy, các cô đã dìu dắt, dạy dỗ tôi nên người, đã cho tôi kiến thức, truyền thụ cho tôi cảm hứng để dạy học trò".

Giám đốc BV Phụ sản Trung ương: Tôi là thầy, nhưng cả đời là học trò - 2

PGS Cường được nhận bằng khen là một trong 400 giáo viên tiêu biểu năm 2022.

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản chia sẻ, ông luôn trân trọng hai chữ "thầy Cường", tự hào, hạnh phúc vì vai khoác hai áo thầy, là thầy thuốc, thầy giáo. 

Ông nói, khi đứng trên bục giảng, nhất là giảng dạy một ngành đặc thù là ngành y, điều đầu tiên ông làm là truyền cảm hứng cho các em để hứng thú với nghề, với sự học hành.

"Tôi luôn nói với các em, khi đã vào ngành y làm thầy thuốc phải xác định đây là một nghề cực kỳ khó khăn. Nghề liên quan đến con người, chữa bệnh để cứu người không có gì là dễ, kể cả trong điều kiện thuận lợi, được trang bị điều kiện làm việc tốt nhất.

Bệnh tật của con người, diễn biến bệnh tật của con người không thể lường trước được. Vì thế, với nghề y, bản thân thầy thuốc cũng chính là một học sinh, phải học tập liên tục, ngày nào cũng học, giờ nào cũng học, tháng nào, năm nào cũng học, học cho đến tận lúc không hành nghề vẫn phải học", PGS Cường nói.

Ông chia sẻ, chỉ có trong ngành y mới đặc thù như thế, đầu hai thứ tóc vẫn luôn là học trò, vẫn phải luôn miệt mài học.

Đã chọn nghề y - hãy chọn sứ mệnh cứu người là mục tiêu

Theo PGS Trần Danh Cường, thời gian qua, ngành y trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Với thế hệ các bác sĩ trẻ, nhiều người cũng đang phải chật vật đối mặt với những khó khăn đó. "Nhưng khi đã theo nghề, làm nghề, hãy luôn lấy sứ mệnh chữa bệnh cứu người là tôn chỉ mục tiêu, đừng vì những cái khác", PGS Cường gửi gắm thế hệ trẻ.

Ông chia sẻ câu chuyện suốt 8 năm làm công tác giảng dạy không biên chế, chỉ nhận được tiền phụ cấp ít ỏi. "Năm 1991, khi vừa tốt nghiệp nội trú, tôi được nhận về làm giảng viên bộ môn. Thời điểm đó, vất vả lắm, tất cả mọi chi tiêu vỏn vẹn trong tiền lương. Nghèo đến mức sợ Tết vì Tết không có đồng nào biếu gia đình. Nhưng dù vất vả là thế, tôi vẫn lắc đầu trước lời mời gọi của rất nhiều công ty tư nhân để gắn bó là giảng viên của bộ môn", PGS Cường chia sẻ.

"Trên thế giới này, chưa một người nào nói nghề bác sĩ không vất vả. Vì vậy, phải cố gắng để vượt qua vất vả đó. Mọi kiến thức ta học được, thực hành hàng ngày đều rất quan trọng để chữa bệnh, cứu người", PGS Cường nói tiếp.

Trong những ngày mới vào nghề hết sức gian khó đó, PGS Cường vẫn giữ vững một lập trường mà đến thời điểm hiện tại, ông tin rằng, đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời làm nghề y của mình.

PGS Cường chia sẻ: "Tôi không bao giờ nhận phong bì của bệnh nhân, kể cả khi tôi nghèo đến mức trong túi không có một đồng nào. Mổ xong, khám bệnh xong là đi; nhiều hôm làm siêu âm ở phòng khám, nhiều bệnh nhân đến cảm ơn nhưng tôi không nhận".

Không nhận quà "cảm ơn" của người bệnh, thời điểm đó, nhiều người bảo ông "dại", nhưng ông luôn khẳng định suy nghĩ của mình đúng và tin vào luật nhân quả.

PGS Cường bộc bạch: "Tôi ít khi tiêu gì cho mình. Có tiền tôi lại lo cho gia đình, anh em, hỗ trợ cho đồng nghiệp, học trò nghèo. Còn bệnh nhân nghèo tôi giúp đỡ nhiều lắm. Những người đó họ rất khổ, đều ở vùng sâu vùng xa, mình giúp đỡ được chừng nào hay chừng đấy".

Nói thêm về việc học, PGS Cường chia sẻ: "Tôi luôn nói với học sinh, ước một ngày có 48 giờ để làm việc, để khám bệnh, để dạy học, để làm công tác quản lý. Tất cả kiến thức tôi dạy học đều được đúc kết lại từ chính quá trình hành nghề của mình. Tôi chỉ mong mình truyền được nhiều cảm hứng học hành, nhiều kiến thức hữu ích để góp phần phát triển nhân lực ngành y trong lĩnh vực sản khoa ngày càng phát triển".