1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Gần 50% cơ sở kinh doanh thực phẩm bị đình chỉ

(Dân trí) - Sau 5 ngày kiểm tra 98 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở Hà Nội và Hà Tây thì đình chỉ hoạt động tới 48 cơ sở.

Tình trạng ATVSTP tại 2 địa phương này đang ở mức báo động đỏ. Vì hầu như đến bất cứ cơ sở nào, đoàn kiểm tra cũng đều bắt gặp những sai phạm. Với 98 cơ sở kinh doanh thực phẩm thì đã có gần nửa trong số đó phải đình chỉ hoạt động ngay lập tức vì thiếu quá nhiều điều kiện để đảm bảo ATVSTP.

 

Trong khi đó, Hà Nội và Hà Tây là hai địa phương có số bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm cao nhất cả nước. Mỗi ngày, tại hai địa phương này vẫn tiếp tục có các ca tiêu chảy rải rác nhập viện.

 

Như tại thôn Dương Xá, xã Dương Nội, Hà Tây, nơi cung cấp lượng thịt chó lớn cho thị trường Hà Nội, chiều 21/4, đoàn đã tới kiểm tra rồi đình chỉ tới 23 cơ sở buôn bán, chế biến thịt chó.

 

Các cán bộ trong đoàn rất bất ngờ và bức xúc vì tình trạng chế biến thịt chó vô cùng mất vệ sinh tại thôn Dương Xá. Nơi giết mổ, chế biến thịt chó thì bẩn thỉu, làm thịt ngay trên nền gạch, nền xi măng ướt nhẹp nước. Nguồn nước sử dụng thì được lấy từ giếng khoan không qua xử lý. Nguy hiểm hơn, nước thải, lông, phân chó không hề được xử lý mà xả thẳng ra cánh đồng khiến tình trạng ô nhiễm nơi đây rất trầm trọng.

 

PGS.TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục VSATTP, Bộ Y tế - Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: “100% số chó dùng chế biến thực phẩm tại đây không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y, mặc dù chó được nhập về từ nhiều tỉnh, thành, kể cả qua biên giới. Hơn nữa, điều kiện chế biến mất vệ sinh nên không thể có được sản phẩm chó sạch. Trong khi đó, mỗi ngày, nguồn thịt chó từ đây cung cấp cho Hà Nội và Hà Tây là khoảng 2 - 3 tấn thịt chó. Như thế, không biết có bao nhiêu người có nguy cơ ăn phải nguồn thịt chó nhiễm bẩn, rất dễ bị tiêu chảy cấp nguy hiểm.

 

Không chỉ thiếu về điều kiện vệ sinh mà tất cả người chế biến thịt chó đều chưa được tập huấn kiến thức về VSATTP, các cơ sở đều chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

 

Như vậy, sau 6 ngày thanh tra 98 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở Hà Nội và Hà Tây, 5 đoàn kiểm tra lưu động đã đình chỉ hoạt động 48 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, chiếm gần 50% số cơ sở được kiểm tra. Ông Đáng khẳng định: “Các cơ sở này sẽ bị đình chỉ đến khi nào đạt yêu cầu mới được mở lại. Tuy nhiên, việc giám sát, quản lý để các cửa hàng này không được kinh doanh lại khi chưa đủ điều kiện là vô cùng khó khăn”.

 

Ngay tại Hà Nội, đoàn kiểm tra cũng từng phát hiện cửa hàng 20 Hai Bà Trưng bị đình chỉ vì bán tiết canh và không đủ điều kiện vệ sinh nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh mặt hàng cơm bụi.

 

Theo các cán bộ trong đoàn, con số trên sẽ chưa dừng lại khi đoàn tiếp tục kiểm tra, mở rộng về các địa phương để thắt chặt hơn về quản lý VSATTP. Chắc chắn, con số cửa hàng bị đình chỉ kinh doanh không dừng lại ở đó trong điều kiện ở nước ta hiện nay, với việc không thể kiểm soát được trên 90% cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm.

 

Ngọc Linh