1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Dịch hạch có thể xâm nhập Việt Nam qua đường biển

(Dân trí) - Bộ Y tế lo ngại khả năng dịch hạch có thể xâm nhập vào Việt Nam qua đường biển, khi mà nước sát biên giới Việt Nam là Trung Quốc vẫn tồn tại ổ dịch hạch trên động vật hoang dã.

 Nguy cơ cao xâm nhập

Chiều 2/12, trước diễn biến nóng của dịch hạch trên thế giới, nhất là tại nước láng giềng Trung Quốc có chung đường biên giới dài với Việt Nam, Bộ Y tế đã họp ban chỉ đạo phòng chống dịch hạch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá dịch hạch trên thế giới trong thời gian qua là rất đáng quan ngại. Dù tại Việt Nam 12 năm qua chưa ghi nhận ca bệnh, nhưng nguy cơ xâm nhập rất lớn, nhất là qua đường biển bởi ở các nước vẫn tồn tại ổ dịch hạch hoang dã. Trên thế giới, các nhà khoa học đều đặt câu hỏi, vì sao sau một thời gian dài vắng bóng dịch bệnh lại quay trở lại?

Cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ dịch hạch xâm nhập Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, tại Việt Nam, điều kiện sinh cảnh, môi trường, vật chủ tại nước ta rất thuận lợi cho bùng phát và lan truyền bệnh dịch hạch.

“Việt Nam là một trong những quốc gia từng lưu hành dịch hạch tương đối nặng, từ những năm đầu thế kỷ 19 đến năm 2002 mới không có bệnh nhân. Đến nay, Việt Nam mới bảo vệ được thành quả 12 năm không ghi nhận ca bệnh mới. Tuy nhiên, có quá nhiều đe dọa, khi mà Việt Nam có chung hơn 1.300km đường biên giới với Trung Quốc. Hiện Trung Quốc nước ta vẫn tồn tại các ổ dịch hạch trên các loài động vật hoang dã. Tỉnh Vân Nam sát biên giới phía Bắc và có giao lưu rộng rãi về hàng hóa với nhiều tỉnh thành trên cả nước,  từng ghi nhận ca bệnh vào các năm 1990-1999. Gần đây nhất, ngày 7/7 tỉnh Cam Túc cũng xuất hiện một ca bệnh dịch hạch thể phổi trên người”, ông Phu nói.

Theo Thứ trưởng Long, ca dịch hạch lần đầu tiên ở nước ta vào năm 1898 ở Nha Trang do mầm bệnh theo tàu biển, thuyền từ Hong Kong xâm nhập vào. Đến nay sau 12 năm không phát hiện ca bệnh trên người cũng như mầm bệnh trên chuột và bọ chét. Tuy nhiên, do cơ mẫu giám sát trên động vật còn hạn chế, chưa thể cho phép kết luận dịch hạch trên các quần thể động vật là hoàn toàn chấm dứt.

Theo đó, trong năm 2014 Việt Nam đã lấy 600 mẫu chuột, bọ chét kí sinh trên chuột, người bệnh viêm hạch ở vùng nguy cơ cao để xét nghiệm nhưng đều không phát hiện vi khuẩn dịch hạch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tổng kết cuộc họp về phòng chống dịch hạch
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tổng kết cuộc họp về phòng chống dịch hạch

“Lãng quên” điều trị!

Theo Bộ Y tế, dịch hạch là bệnh có đáp ứng tốt với kháng sinh. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là phát hiện bệnh như thế nào, khi mà 12 năm qua không gặp ca bệnh nào nên ngay các bác sĩ nhiều khi kiến thức về chuyên môn, xét nghiệm, điều trị không hẳn nhớ hết.

BS Đoàn Văn Chung, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thẳng thắn nhìn nhận, là bệnh viện chuyên về truyền nhiễm, nhưng với bệnh lý không còn gặp trong lâm sàng, hầu như các bác sĩ đều quên về biểu hiện bệnh. “Ngay bản thân chúng tôi là bác sĩ kinh nghiệm, đã từng điều trị, chống dịch hạch nhưng giờ đọc lại tài liệu như mới. Vì thế, dù các bác sĩ có được học về bệnh dịch hạch nhưng cũng chỉ là lý thuyết, không có ca lâm sàng thì rất khó nhớ”, BS Chung nói.

Thứ trưởng Long đề nghị Việt Nam phải hết sức cảnh giác với nguy cơ dịch hạch xâm nhập vào nước ta. Bộ Y tế đề nghị hệ thống giám sát tập trung quyết liệt, đặc biệt là các tỉnh thành có nguy cơ xâm nhập, có cảng biển như Đà Nẵng, Hải Phòng… Trên các chuyến tàu, trung bình 30% số tàu có chuột, đây là con số rất lớn và sẽ là nguồn lây nguy cơ cao nếu không giám sát chặt.

Vì thế, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông thộng vận tải phối hợp với đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế có hướng dẫn chi tiết về việc xông hơi diệt chuột tại cảng biến, bến tàu; hướng dẫn diệt chuột trước khi nhập cảng nhất là các tàu đi từ và đi qua vùng đang có dịch.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh thành, các đơn vị tăng cường giám sát dịch hạch trên chuột, bọt chét, người; tập trung vào khu vực Tây Nguyên- ổ dịch hạch cuối cùng. Nếu có hiện tượng chuột tự nhiên chết nhiều thì cần phải giám sát ngay xem chết vì nguyên nhân gì.

Thứ trưởng cũng yêu cầu tiến hành đào tạo, tập huấn lại cho nhân viên y tế về giám sát, xét nghiệm, cũng như phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh; rà soát lại trang thiết bị, thuốc men.

“Chúng ta cho rằng cần nêu cao cảnh giác với dịch hạch, đừng nghĩ dịch bùng phát ở Madagascar thì khó xâm nhập vào. Nếu dịch xâm nhập vào thì với quần thể cảm nhiễm lớn như nước ta là điều rất nguy hiểm”, thứ trưởng Long nói

Hồng Hải