Đến bao giờ hết lo về thực phẩm?

(Dân trí) - Ngành Y tế đặt ra nhiều mục tiêu hướng tới ATVSTP trên toàn quốc. Thế nhưng, ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày càng nhiều hơn. Bệnh tật do ăn uống cũng gia tăng đến mức đáng sợ.

Vi phạm ATVSTP đã vượt quá tầm kiểm soát

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 1 năm qua, Sở Y tế đã thành lập 653 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, kiểm tra 43.547 cơ sở, trong đó số cơ sở không đạt yêu cầu vẫn còn 16%. Có tới gần 5.000 cơ sở vi phạm...

Theo thông tin từ Sở Công Thương TPHCM, trong năm 2008 đã xử lý 137 vụ vi phạm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP (chủ yếu mặt hàng bánh kẹo, sữa, bia, rượu); 2.474 vụ vi phạm liên quan đến gia súc gia cầm. Kiểm tra 3.044 cơ sở, lực lượng kiểm tra phát hiện, xử lý 1.470 trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường, không giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không tập huấn VSATTP cho nhân viên, dùng hóa chất công nghiệp để chế biến thực phẩm…

Dù vậy, đây vẫn chỉ là những con số quá khiêm tốn so với thực tế. Bởi những vi phạm trong chế biến thực phẩm ở các cơ sở kinh doanh và sản xuất thực phẩm vẫn xuất hiện khắp nơi. Tình trạng tái vi phạm vẫn diễn ra ở những cơ sở không đảm bảo ATVSTP đã bị phạt trước đó.

Bộ Công thương cho rằng tình trạng thực phẩm giả, không đảm bảo chất lượng, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong chăn nuôi... đã vượt quá tầm kiểm soát của một Bộ. Cần có sự vào cuộc của cả ngành Y tế, Nông nghiệp.

TS Nguyễn Bá Đức, Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, cho biết: Mỗi năm Việt Nam có thêm 150 ngàn người mắc bệnh ung thư. Trong đó, khoảng 50 ngàn người mắc bệnh ung thư do thói quen ăn uống sinh hoạt và dùng thực phẩm bị ô nhiễm.

 

8 triệu người ngộ độc thực phẩm mỗi năm - đây là công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tình hình ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam. Tuy nhiên con số này được phát hiện là do báo cáo từ các bệnh viện, và các vụ ngộ độc tập thể được biết đến. Và chỉ  bằng 1% số người ngộ độc thực phẩm trên thực tế.
Nhiều kế hoạch nhưng không hiệu quả 

Cố gắng khắc phục thực trạng đáng lo ngại hiện nay, Thành phố Hà Nội đã có rất nhiều chủ trương, kế hoạch để lập lại trật tự về VSATTP nhưng trên thực tế không khả thi. Điển hình là dự án cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho hàng rong đã "chết yểu" từ khi còn trên giấy. Hàng trăm triệu đồng được đầu tư để xây dựng Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm (Cty Cổ phần Phúc Thịnh (Đông Anh, Hà Nội) - doanh nghiệp đầu tiên tại miền Bắc mạnh dạn đầu tư 700 triệu đồng lắp đặt dây chuyền giết mổ gia cầm từ năm 2005) nhưng cũng không đạt hiệu quả.

Vùng rau an toàn được đầu tư khá tốn kém (ở các huyện Đông Anh, Mê Linh, Chương Mỹ, Thanh Oai...) nhưng cũng không cải thiện được tình trạng nhập nhằng giữa giữa rau sạch và rau bẩn. Người tiêu dùng không có cách nào để phân biệt và lựa chọn...

Theo phân tích của các chuyên gia, những phương án này đều không thể đem lại hiệu quả do thiếu một khâu rất quan trọng, đó là quản lý, kiểm tra về chất lượng ATVSTP từ gốc.

Sau nhiều năm loay hoay tìm cách tháo gỡ, mới đây Cục ATVSTP - Bộ Y tế đã đưa ra hướng giải quyết mới, đó là tăng cường khâu hậu kiểm (từ nguyên liệu, cơ chế, vai trò quản lý đến các văn bản pháp lý...)

Thế nhưng, năng lực quản lý về VSATTP cũng đang là một thách thức lớn. Cục ATVSTP báo cáo một thực tế đáng buồn: chuyên trách tất cả các mảng liên quan đến thực phẩm của cả nước chỉ có gần 70 người. Mỗi tỉnh hiện chỉ có... 1/2 cán bộ kiêm nhiệm. Trong khi chính quyền địa phương hầu như khoán trắng công tác VSATTP cho số cán bộ chuyên trách này.

Tuy vậy, từ nay đến cuối năm, Ban chỉ đạo VSATTP Thành phố Hà Nội đề ra rất nhiều chỉ tiêu: 80% cơ sở kinh doanh, chế biến, 85% cơ sở sản xuất thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu về VSATTP, 100% cơ sở thức ăn đường phố ký cam kết đảm bảo VSATTP, 70% cơ sở dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP...?!

P. Thanh