Để “bụng ngủ yên” trong ngày Tết

Năm hết tết đến, không thể thiếu được các buổi tiệc liên hoan hoặc tổ chức vui chơi “thâu đêm suốt sáng“. Chính vì thế, sẽ có những thay đổi hoặc bất thường về cách ăn uống và sinh hoạt hàng ngày có thể dẫn đến những rối loạn tiêu hóa trong những ngày tết.

  

Để “bụng ngủ yên” trong ngày Tết - 1

Đầy bụng, "tào tháo đuổi" là 2 chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp trong dịp lễ tết (Ảnh: SGTT)

Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp

 

Đặc biệt trong những ngày tết, chúng ta thường hay có cảm giác đầy bụng khó tiêu, nhất là sau khi ăn. Bụng có cảm giác căng tức gây khó chịu, rất mau no, mới ăn được 5-10 phút hay không tới nửa chén cơm là cảm thấy no anh ách, dù có muốn ăn thêm cũng không được, thật là tiếc! Có người thì bị buồn nôn hoặc nôn sau bữa ăn, ợ hơi, ợ chua. Một số trường hợp khác có thể bị đau ở vùng thượng vị, cảm giác nóng rát ở phần giữa ngực.

 

Tất cả các triệu chứng nêu trên được gọi chung là chứng “khó tiêu“. Ngoài ra, một số trường hợp lại có biểu hiện rối loạn đường tiêu hóa dưới như bị tiêu chảy, đau quặn bụng hoặc cảm giác bụng bị “sôi sùng sục“.

 

Nguyên nhân

 

Trước tiên là do sự thay đổi đột ngột về chế độ ăn uống và các thói quen sinh hoạt, gây hiện tượng quá tải cho bộ máy tiêu hóa và gây xáo trộn “đồng hồ sinh học“ của cơ thể. Ngay cả ở những người bình thường khỏe mạnh cũng có thể bị khó tiêu và xuất hiện các triệu chứng nêu trên. Còn ở những bệnh nhân đã bị viêm loét dạ dày - tá tràng hoặc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản hay bị hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng mạn... thì có thể sẽ khởi phát lại các triệu chứng và còn gia tăng thêm, làm cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu. Lúc đó, đón xuân với “bụng dạ không ngủ yên” thì vui làm sao được.

 

Nguyên nhân của các rối loạn tiêu hóa có thể liên quan đến các vấn đề sau đây:

 

- Do cách ăn uống: các bữa tiệc liên hoan cuối năm chắc chắn sẽ “hoành tráng“ và rất “đạm bạc“ (nhiều chất đạm và tốn nhiều bạc – tiền). Thức ăn phong phú đủ loại nhưng thường rất khó tiêu vì có nhiều dầu mỡ, thịt cá và được chế biến với nhiều gia vị chua cay. Thêm vào đó, sự quá tải càng gia tăng khi trong một ngày hoặc liên tiếp nhiều ngày, phải đi dự hai, ba bữa tiệc cùng lúc nên bộ máy tiêu hóa của chúng ta không thể nào đáp ứng nổi. Mặt khác, giờ giấc ăn uống cũng không ổn định, ăn uống “mọi lúc, mọi nơi”... 

 

- Do sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá: các chất này làm tăng tiết acid dịch vị, tăng co thắt đường tiêu hóa, có thể gây đau bụng, tăng cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị và ợ chua.

 

- Do ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm trùng tiêu hóa: trong những ngày tết, chúng ta thường dự trữ thức ăn để dùng lâu, thời tiết nóng bức... nên nếu bảo quản không tốt, thức ăn có thể bị ôi thiu và dễ bị nhiễm khuẩn. 

 

Cách phòng ngừa và xử trí tạm thời

 

Để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa nêu trên, chúng ta phải điều chỉnh lại cách ăn uống, và không có cách gì khác là phải biết tự giới hạn cho mình, đừng quá bị “cám dỗ“ bởi việc ăn uống.

 

Rượu bia cũng nên uống một cách chừng mực. Nhiều người đi tìm cách này hay cách nọ để uống rượu lâu say nhưng cũng chẳng có kết quả gì hơn, mà chỉ làm hại thêm cho sức khỏe.

 

Thận trọng khi ăn uống ở ngoài vì rất dễ bị ngộ độc và nhiễm trùng tiêu hóa. Các thức ăn không nên dự trữ quá lâu, phải bảo quản cẩn thận và hâm nóng trước khi ăn.

 

Trong những ngày tết, chúng ta nên chuẩn bị sẵn một ít thuốc thông thường để phòng hờ khi có rối loạn tiêu hóa. Chẳng hạn Motilium-M uống trước khi ăn khoảng 15-30 phút để giúp dạ dày co bóp tốt hơn; Kremil-S giúp trung hòa acid khi có triệu chứng đau thượng vị, ợ chua; gói Smecta uống sau ăn 1 giờ khi bị tiêu chảy. Ngoài ra, ở trong nhà nên có sẵn một ít quế và gừng có thể sử dụng khi cảm thấy đầy bụng và khó tiêu...

 

Theo TS.BS Bùi Hữu Hoàng

Sức khỏe & Đời sống