1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

BV Trung ương Huế

Cứu sống nhiều bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt bằng phương pháp mới

(Dân trí) - BS CK II Nguyễn Đình Vũ, Trưởng Khoa Thận nhân tạo BV Trung ương Huế vừa tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp lọc máu bán liên tục để cứu sống các bệnh nhân (BN) bị suy thận cấp do ong vò vẽ đốt.

Phương pháp mới hiệu quả, tiết kiệm

Một trong số phương pháp can thiệp hiện nay để điều trị bệnh nhân bị ong đốt tại các cơ sở điều trị là phương pháp siêu lọc máu liên tục và đã cứu được không ít bệnh nhân vượt qua thập tử nhất sinh. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thận học nước ngoài thì quá trình điều trị theo phương pháp siêu lọc máu liên tục sẽ có giá thành cao, người bệnh phải chịu chi trả khoản tiền rất lớn, nếu không thuộc đối tượng thanh toán bảo hiểm y tế.

Mặc khác, điều trị bằng phương pháp lọc máu liên tục trong chừng mực nào đó vẫn xảy ra những biến chứng không lường trước trong quá trình lọc máu. Vì vậy, để giảm thiểu chi phí điều trị cũng như tỷ lệ tử vong cho nhiều trường hợp bị ong vò vẽ đốt, vừa qua BS CK II Nguyễn Đình Vũ, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, BV Trung ương Huế sau một thời gian nỗ lực tìm tòi nghiên cứu và đã áp dụng thành công phương pháp siêu lọc máu bán liên tục (LMBLT) - một phương pháp có thể khẳng định đang mang lại nhiều hi vọng cứu sống bệnh nhân ong đốt.

Cụ thể, BS Vũ cùng khoa Thận nhân tạo lần đầu tiên áp dụng phương pháp này đã cứu sống một em bé Trần Thị Lý 13 tuổi ở tại Phú Lộc nhập viện ngày 5/7/2010 tại cấp cứu cứu Nhi với tình trạng bị suy đa phủ tạng do ong vò vẽ đốt. Bệnh nhân đã bị gây sưng phù toàn thân, nhập viện trong tình trạng hôn mê, tổn thương gan, suy thận…với khoảng 80 vết ong đốt trên người.

Mới đây, khoa Thận nhân tạo đã cứu sống thêm một trường hợp nữa bị ong vò vẽ đốt với khoảng gần 100 vết đốt khắp người, từ đầu, cổ, cho đến vai, lưng, tay... trong khi đi nhổ nấm. Đó là BN Võ Đại Kiệt (42 tuổi, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, TT-Huế). BN nhập viện trong tình trạng kiệt sức, vô niệu, chỉ đái ra máu... nhưng chỉ sau 2 tuần điều trị bằng phương pháp lọc máu bán liên tục BN đã đi tiểu được từ 3,5 -4 lít/ngày. BN đã ra viện và trở lại cuộc sống bình thường.

BS Vũ (phải) chụp ảnh cùng bệnh nhân Võ Đại Kiệt sau khi điều trị bằng phương pháp LMBLT thành công
BS Vũ (phải) chụp ảnh cùng bệnh nhân Võ Đại Kiệt sau khi điều trị bằng phương pháp LMBLT thành công

Được biết đợt điều trị chỉ với 8 lần lọc máu bán liên tục, và chi phí cho 1 lần lọc khoảng 2 triệu đồng hiện tại bệnh nhân khỏe mạnh gần xuất viện. Tuy nhiên, nếu ca điều trị trên sử dụng kỹ thuật lọc máu liên tục thì giá thành điều trị BN phải trả sẽ trên 10 triệu đồng cho 1 lần lọc máu.

Đây là 2 trong số những BN bị suy đa phủ tạng, mà trong đó có suy thận cấp, gây ra trong một số trường hợp, như nhiễm trùng máu, ong vò vẽ đốt, bị hội chứng vùi lấp cơ, dị ứng ngộ độc thuốc trong hội chứng Dress, sau các ca đại phẫu lớn… được áp dụng phương pháp siêu lọc máu bán liên tục như hiện nay tại khoa Thận nhân tạo Bệnh viện TW Huế.

Phương pháp này có thể sẽ mang đến cho những BN nghèo cần điều trị lọc máu nhiều cơ hội tốt không những trong chất lượng điều trị mà còn  trong chi phí điều trị - giảm ít hơn khoảng 5 lần so với phương pháp siêu lọc máu liên tục đang sử dụng hiện nay.

BS Vũ với giải pháp “Phương pháp lọc máu bán liên tục ở bệnh nhân nặng cần điều trị thay thế thận” đã đạt giải Khuyến khích Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế lần thứ V năm 2010-2011 do tỉnh tổ chức.

Giải thưởng của BS Vũ về phương pháp LMBLT
Giải thưởng của BS Vũ về phương pháp LMBLT

Niềm hy vọng cho những bệnh nhân nghèo

Hiện nay, LMBLT có thể được coi là một phương pháp hữu hiệu thay thế phương pháp siêu lọc máu liên tục cho bệnh nhân nặng bị suy đa phủ tạng. Phương pháp LMBLT đã từng báo cáo tại Hội nghị Dinh dưỡng cho bệnh nhân suy đa phủ tạng, trong đó có suy thận, được tổ chức vào tháng 6/2010 tại BV Trung ương Huế do Giáo sư thận học người Ý trình bày. Sau đó được các bác sĩ  khoa Thận nhân tạo đặc biệt quan tâm và thường xuyên nghiên cứu, tham khảo thêm trên nhiều tài liệu của các giáo sư nước ngoài (Hoa kỳ, Canada)

Bác sĩ CKII Nguyễn Đình Vũ - Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Trung ương Huế, người đặc biệt quan tâm về phương pháp điều trị lọc múa bán liên tục và thường xuyên nghiên cứu cho biết: “Kỹ thuật có tên lọc máu bán liên tục hoặc lọc máu hiệu suất thấp kéo dài (SLED: sustained low-efficiency dialysis), dựa trên kỹ thuật lọc máu ngắt quãng thông thường được tiến hành với máy siêu lọc máu hiện nay, có sự thay đổi với tốc độ dòng dịch thấp và tốc độ bơm máu giảm. Một buổi lọc kéo dài từ 6 - 8 giờ. Lọc máu bán liên tục hàng ngày đã được đề nghị như là một điều trị thay thế thận trong suy đa phủ tạng.

Tham khảo trên nhiều tài liệu khác nhau của các giáo sư nước ngoài (Hoa kỳ, Canada) cho biết,  Kỹ thuật LMBLT đã đưa vào áp dụng từ tháng 7/1998 ở trường Đại học Y khoa bang Arkansas (Hoa Kỳ), với 145 buổi lọc máu bán liên tục (SLED) cho 37 bệnh nhân nặng trong 18 tháng, cho thấy có kết quả tốt và đã kết luận LMBLT có thể thay thế lọc máu liên tục cũng như có thể thay thế lọc máu ngắt quãng thông thường mà không thực hiện được ở những bệnh nhân nặng cần điều trị thay thế thận.

Tại Đại học TorontoHealth Network, Canada. Người ta đã làm nghiên cứu so sánh LMBLT (gồm 23 bệnh nhân có 165 lần lọc bán liên tục) với siêu lọc máu liên tục (gồm 11 bệnh nhân có tổng cộng 209 ngày lọc máu liên tục). Kết quả, The weekly costs to the hospital were $1431 for SLED, $2607 for CRRT with heparin, and $3089 for CRRT with citrate.các chi phí hàng tuần sẽ tốn khoảng  1.431 USD khi LMBLT; và đối với siêu lọc máu liên tục thì chi phí sẽ là 2.607 USD với chống đông heparin và 3.089 USD với chống đông citrate.

Hiện nay ở tại Việt Nam, lọc liên tục phải dùng máy siêu lọc, màng lọc đặc biệt, giá thành cao ( khoảng 3 triệu VNđồng/cái), cùng một số lượng lớn dịch lọc với giá thành đắt. Trong khi đó, lọc bán liên tục, sử dụng màng lọc (khoảng 300 ngàn VNđồng/ cái) và lượng dịch bù bằng nước muối đẳng trương.

Phương pháp LMBLT sẽ giúp rất nhiều cho các bệnh nhân nghèo bị thận nặng - BS Vũ cho hay
"Phương pháp LMBLT sẽ giúp rất nhiều cho các bệnh nhân nghèo bị thận nặng" - BS Vũ cho hay

Đặc biệt, về mặt kinh tế, lọc máu liên tục chi phí quá đắt, gấp 5 lần so với chi phí lọc máu bán liên tục. LMBLT chi phí toàn bộ một buổi lọc khoảng 2 triệu đồng, trong khi đó, chi phí lọc máu liên tục dao động từ 10 triệu -12 triệu đồng/buổi lọc.  

“Ngoài ra, điều trị bằng lọc liên tục lọc đôi khi gây biến chứng hạ huyết áp và loại bỏ dịch không triệt để. Do vậy, gần đây, lọc máu kéo dài, dùng máy lọc thông thường để điều trị thay thế thận gọi là LMBLT, đã được sử dụng thay cho phương pháp lọc máu liên tục. LMBLT có thể được coi là một phương pháp hữu hiệu thay thế  phương pháp siêu lọc máu liên tục.

Trong điều kiện kinh tế nước ta, để giảm thiểu chi phí điều trị cho BN, nhất là những BN không có đăng kí bảo hiểm y tế, nên triển khai LMBLT rộng rải với hi vọng để cứu được tất cả các BN bị ong đốt nguy kịch khi vào nhập viện” – BS Vũ cho biết.

Đại Dương