1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Cứu sống 3 trẻ cân nặng thấp nguy kịch vì nhịp tim nhanh trong 6 tiếng

(Dân trí) - Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, chuyên khoa Loạn nhịp tim, BV Nhi Trung ương, cho biết ba bé trai cân nặng dưới 4.5kg vừa được bệnh viện cứu sống bằng kỹ thuật can thiệp điều trị mới "Triệt đốt rối loạn nhịp tim bằng năng lượng sóng cao tần qua đường catheter" hay còn gọi là đốt điện.

Với kỹ thuật này, 3 catheter (cat-thi-tơ) hay được gọi là ống thông điện cực được đưa qua tĩnh mạch đùi và tĩnh mạch cảnh trong vào buồng tim, dò tìm và triệt bỏ mô tim bất thường gây cơn tim nhanh.

Ê kíp can thiệp bao gồm 7 bác sỹ và kỹ thuật viên do BS Nguyễn Thanh Hải phụ trách. Trong 6 tiếng đồng hồ liên tục, lần lượt 3 cháu đã can thiệp điều trị triệt để và an toàn. Sau can thiệp 4 tiếng, cả ba cháu đều đã bú mẹ và sau 4 ngày các cháu đã xuất viện, trở về cuộc sống của đứa trẻ bình thường.


BS Nguyễn Thanh Hải cùng ê kíp can thiệp đang thực hiện triệt đốt đường dẫn truyền xung điện bất thường gây cơn tim nhanh

BS Nguyễn Thanh Hải cùng ê kíp can thiệp đang thực hiện triệt đốt đường dẫn truyền xung điện bất thường gây cơn tim nhanh

Trước đó, cả ba cháu đều được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên BV Nhi Trung ương khi còn dưới 1,5 tháng tuổi, đều phải thở máy và điều trị tích cực. Có cháu đã phải cấp cứu ngừng tim đến 4 lần, có cháu còn bị tim bẩm sinh hẹp eo động mạch chủ nặng đã phải can thiệp nong eo động mạch chủ bằng bóng qua da trước khi đốt điện.

Cháu Lê Anh Tuấn ở Thái Bình, nhập viện khi 22 ngày tuổi. Biểu hiện bệnh lúc đầu bao gồm quấy khóc, bú kém rồi bỏ bú, da tái và lạnh, ngủ li bì. Gia đình đưa đến BV tỉnh được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn có suy đa tạng và nghi ngờ cơn tim nhanh. Tại đây cháu đã được cấp cứu bằng các biện pháp: thở máy, chống sốc và suy tuần hoàn, sốc điện cắt cơn tim nhanh, và dùng thuốc chống loạn nhịp. Sau 3 ngày điều trị, bệnh không tiến triển, nguy cơ tử vong cao, nên trẻ được chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu - BV Nhi TƯ, cháu đã được thở máy, chống sốc, sốc điện cắt cơn tim nhanh và dùng thuốc chống loạn nhịp tim. Mặc dù tình trạng suy đa tạng đã được hồi phục, cơn nhịp nhanh vẫn tái phát và khó kiểm soát bởi các thuốc chống loạn nhịp khiến bệnh nhân rất nguy kịch. Do vậy các bác sĩ đã quyết định can thiệp điều trị bằng đốt điện. Sau 17 ngày nằm viện, cháu đã khỏi bệnh hoàn toàn và xuất viện về với gia đình.

Trường hợp  cháu Trần Đức Thái Bảo (quê Thanh Hà, Hải Dương) cũng có bệnh cảnh tương tự như cháu Lê Anh Tuấn. Tuy nhiên, cháu này có thời gian nằm hồi sức cấp cứu dài hơn, phải cấp cứu trụy mạch ngừng tim đến 4 lần khi cơn tim nhanh tái phát. Sau 18 ngày nằm thở máy tại khoa Hồi sức cấp cứu, cháu được chuyển lên Khoa Tim mạch điều trị tiếp. Để loại bỏ nguy cơ tái phát và tử vong, các bác sĩ đã quyết định can thiệp điều trị triệt để. Cháu đã xuất viện và trở về cuộc sống bình thường sau 32 ngày nằm viện.


BS. Nguyễn Thanh Hải khám lại cho ba cháu trước khi xuất viện

BS. Nguyễn Thanh Hải khám lại cho ba cháu trước khi xuất viện

Trường hợp cháu Âu Hoàng Đạt, 45 ngày tuổi, dân tộc Cao Lan, ở thành phố Tuyên Quang. Khi được 1 tháng tuổi xuất hiện ho, thở nhanh, bú kém. Vào bệnh viện tỉnh chẩn đoán và điều trị viêm phế quản phổi, siêu âm tim nghi ngờ có tim bẩm sinh thông liên thất và thông liên nhĩ. Sau điều trị 7 ngày, trẻ càng ngày càng khó thở và tím tái nên được chuyển viện lên tuyến trên. Khi nhập BV Nhi Trung ương, tình trạng của trẻ rất nguy kịch với biểu hiện khó thở, tím tái, tim nhanh đến 270 lần/phút, suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn nặng.

Ngay khi nhập viện cháu đã được chẩn đoán cơn tim nhanh kịch phát trên thất và được cấp cứu cắt cơn tim nhanh một cách khẩn trương. Siêu âm tim sau đó còn xác định cháu bị bệnh tim bẩm sinh kết hợp phức tạp (thông liên nhĩ, thông liên thất, hẹp eo động mạch chủ rất nặng) với tim giãn to và chức năng tim giảm nặng. Kíp can thiệp tim mạch do BS Lê Hồng quang phụ trách đã tiến hành nong hẹp eo động mạch chủ cấp cứu bằng bóng qua da giải phóng tình trạng tắc nghẽn động mạch chủ, tình trạng bệnh nhi cải thiện nhanh chóng.

Tuy nhiên, sau đó trẻ vẫn xuất hiện cơn tim nhanh kịch phát tái phát nguy kịch. Các bác sĩ đã quyết định can thiệp tim mạch lần hai nhằm loại bỏ hoàn toàn cơn tim nhanh tái phát. Kíp BS can thiệp rối loạn nhịp do BS Nguyễn Thanh Hải phụ trách đã nhanh chóng loại bỏ đường dẫn truyền xung điện tim bất thường gây cơn tim nhanh. Cháu bé đã xuất viện sau 17 ngày nằm viện.

Theo BS Nguyễn Thanh Hải, BV Nhi Trung ương. ngay cả tại các nước phát triển, rất ít nơi có thể thực hiện kĩ thuật đốt điện điều trị tim nhanh cho trẻ nhỏ dưới 15kg, do lo ngại về tai biến và biến chứng của thủ thuật này gây ra. Trẻ càng nhỏ, nguy cơ tai biến càng cao.

Tại bệnh viện Nhi Trung ương, ngày càng nhiều bệnh nhi tim nhanh bệnh lý được chẩn đoán và can thiệp điều trị loạn nhịp. Trong năm 2015 có 34 bệnh nhi dưới 15kg (trẻ nhỏ nhất 3kg), trong đó nhiều trẻ có bệnh tim bẩm sinh kết hợp, đã được điều trị thành công  và an toàn bằng phương pháp này.

Ngày nay, hầu hết các loại tim nhanh bệnh lý ở trẻ em đều có thể can thiệp điều trị triệt để một lần ngay từ thời kỳ sơ sinh. Bệnh viện Nhi Trung ương, đơn vị duy nhất trong cả nước có thể can thiệp điều trị hầu hết các loại rối loạn nhịp tim ở trẻ em ngay từ thời kỳ sơ sinh.

Thế Nam