Cúm A/H1N1: Người dân chính là hệ thống giám sát tốt nhất

(Dân trí) - Nhiều người dân hoang mang, lo lắng trước diễn biến lan rộng của cúm A/H1N1. Tuy nhiên, TS. Phan Trọng Lân, Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Cục Y tế dự phòng & Môi trường) khẳng định, mỗi người hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh lây nhiễm căn bệnh này.

Cúm A/H1N1: Người dân chính là hệ thống giám sát tốt nhất   - 1
"Cúm A (H1N1) lây lan nhanh, nhưng hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa.
Vì thế, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng", TS Phan Trọng Lân cho biết  (Ảnh: H.Hải)
 

Thưa ông, với trường hợp bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên ở Việt Nam, người bệnh này đã đi đến rất nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người trước khi được cách ly. Vậy những người đã từng tiếp xúc với ca bệnh này có phải lo ngại khả năng nhiễm bệnh?

 

Quả thực, bệnh nhân này đã tiếp xúc với nhiều người trước khi được cách ly, điều trị tại Viện nhưng tôi cho rằng, những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân trong ngày 26/5 hoặc trước đó thì đến nay, không có biểu hiện ra ngoài thì đã có thể yên tâm là không bị lây nhiễm bệnh (qua thời gian ủ bệnh 7 ngày).

 

Từ 3 ca bệnh này cho thấy, máy đo thân nhiệt đã để “lọt” vì không biểu hiện ra ngoài. Vậy ngành y tế đã triển khai giám sát, phát hiện sớm hơn các ca bệnh như thế nào, thưa ông?

 

Do cúm A/H1N1 có thời gian ủ bệnh là 7 ngày vì thế không máy móc nào có thể phát hiện khi bệnh chưa biểu hiện. Vì thế việc giám sát dịch cúm, quan trọng nhất là ý thức người dân. Việc người dân tự khai báo mình đến từ vùng có dịch, cũng như những đặc điểm sức khoẻ cơ thể ban đầu… là cốt yếu. Nguồn nhân lực để giám sát tốt nhất phải gồm cả 80 triệu người dân Việt Nam.

 

Nếu ở phòng điều hoà, vi rút cúm sống được vài giờ đồng hồ. Vi rút cúm A/H1N1 bất hoạt ở 56oC, 70o thì chết. Dưới tia sáng mặt trời thì vi rút dễ bị tiêu diệt hơn.

 

Vì thế, mở cửa phòng thông thoáng giúp lưu thông khí cũng là cách giảm mật độ vi rút trong phòng, rất tốt cho việc phòng tất cả các bệnh đường hô hấp, không riêng gì cúm A/H1N1.

Thưa ông, có thể phân biệt những dấu hiệu của cúm A thông thường và cúm A/H1N1 không?

 

Triệu chứng cúm A/H1N1 cũng giống như cúm thường, là bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở khi bệnh tiến triển nặng.

 

Tuy nhiên, ở mỗi người, biểu hiện bệnh lại hoàn toàn khác nhau. Có trường hợp nhẹ, nặng, có trường hợp không hề có triệu chứng (hư trường hợp người mẹ 40 tuổi bị nhiễm cúm A/H1N1 đang được điều trị tại BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh).

 

Tỷ lệ miễn dịch cúm A/H1N1 trong dân chúng? Liệu người lành mang vi rút cúm có thể là nguồn lây ra cộng đồng, thưa ông?

 

Đặc điểm của bệnh cúm là nếu cơ thể có miễn dịch tốt, khả năng chống đỡ bệnh càng lớn.

 

Vi rút cúm nói chung thường có sự biến đổi nhanh vì thế WHO đã tổ chức hơn 120 điểm giám sát cúm trên toàn thế giới, thường xuyên thông báo chủng vi rút cúm nửa năm một để khuyến cáo sử dụng vắc xin hàng năm. Vi rút cúm A/H1N1 chưa có miễn dịch rộng trong cộng đồng nên càng dễ mắc hơn.

 

Có những người mang vi rút cúm trong người nhưng không biểu hiện bệnh, hoặc biểu hiện rất nhẹ do sức đề kháng tốt như trường hợp người mẹ nhiễm cúm A/H1N1 nói ở trên. Tuy nhiên, những người này vẫn có thể lây truyền cho người khác.

 

Hiện trên thị trường, người dân đổ xô đi mua các loại khẩu trang phòng bệnh. Theo ông, đã đến lúc ngành y tế cần khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang cũng như tránh tụ tập nơi đông người?

 

Việc có khuyến cáo sử dụng khẩu trang hay không còn phụ thuộc vào giai đoạn dịch và đối tượng. Thời điểm hiện nay, sử dụng khẩu trang chỉ cần thiết trong các trường hợp tiếp xúc gần, nhân viên y tế, người chăm sóc người bệnh.

 

Người dân cần lưu ý khi lựa chọn khẩu trang vì nếu không đúng loại và dùng không đúng cách sẽ không đạt hiệu quả bảo vệ như mong muốn.

 

Ví như khẩu trang phẫu thuật có thể ngăn cản được những giọt bắn trên 5micromets (tương ứng với giọt bắn ra của người cúm A/H1N1). Còn với những khẩu trang chuyên dụng hơn như N95 có thể ngăn cản được cả những loại giọt nhỏ hơn, được khuyến cáo dùng trong trường hợp ở những nơi có nồng độ vi rút cúm cao, khép kín, đông người mắc bệnh. Còn những loại khẩu trang vải bình thường trên thị trường chưa có bằng chứng nào bảo vệ hiệu quả trước bệnh cúm.

 

Vậy ông có khuyến cáo gì để phòng bệnh cho cộng đồng, thưa ông?

 

Cúm lây lan nhanh, nhưng hoàn toàn có cách phòng chống như khi tiếp xúc với người biểu hiện cúm, nên giữ khoảng cách xa hơn 1m (là khoảng cách an toàn vì vi rút có trong nước bọt có thể bắn ra ngoài khi nói chuyện). Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu buộc tiếp xúc phải sử dụng khẩu trang.

 

Người mắc bệnh nếu nồng độ vi rút trong người cao, bắn ra ngoài nhiều thì khả năng lây nhiễm cao hơn. Việc tiếp xúc với bề mặt có vi rút cũng có thể lây bệnh vì thế, cũng cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nắm tay cầm cửa, đồ chơi trẻ em…

 

Thường xuyên rửa tay, đặc biệt khi ho, hắt hơi. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức khoẻ.

 

Nhận định về dịch cúm A/H1N1 trên thế giới, các chuyên gia cho rằng có 3 khả năng có thể xảy ra, đó là dịch có thể biến mất hẳn, như dịch SARS trước đây. Hoặc kết hợp với một chủng khác gây ra độc lực cao, giống như dịch năm 1918, đầu tiên nhẹ, sau biến đổi một cách nhanh chóng, trở thành chủng lây lan nhanh, độc lực cao. Khả năng thứ 3 là khi trong cộng đồng có miễn dịch nhiều, trở thành loại cúm mùa thông thường.

Hồng Hải