1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Cứ 2 giây có 1 người chết vì bệnh tim mạch

(Dân trí) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ mỗi 2 giây có 1 người chết vì bệnh tim mạch. Cứ mỗi 5 giây thì có 1 trường hợp nhồi máu cơ tim và mỗi 6 giây thì có một trường hợp đột quỵ.

Hiện có đến 300 yếu tố nguy cơ kết hợp với bệnh mạch vành và đột quỵ sẽ dẫn đến bệnh tim mạch (BTM). Hơn 80% số tử vong do BTM xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, cũng như xảy ra với tỷ lệ gần như nhau ở 2 giới nam và nữ.

 

BTM là bệnh về những rối loạn ảnh hưởng đến tim và các mạch máu bao gồm bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại biên và tăng huyết áp. BTM còn hay kết hợp với các bệnh như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực và đột quỵ.

 

BTM với những con số đáng lo

 

Bệnh Tim mạch (BTM), là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Mỗi năm, BTM gây ra cho hơn 17,5 triệu cái chết và dự đoán sẽ có khoảng 25 triệu người bị BTM tử vong vào năm 2020. Trong đó có 7,6 triệu trường hợp là do bệnh tim mạch vành và 5,7 triệu ca là do bị đột quỵ.

 

BTM hiện cũng là nguyên nhân hàng đầu của tàn phế sau đột quỵ. Mỗi năm có khoảng 10 triệu người sau khi bị đột quỵ còn sống, thì có đến phân nửa bị tàn tật vĩnh viễn. BTM còn được dự đoán sẽ là nguyên nhân lớn nhất gây tàn phế trên thế giới vào năm 2020.

Các nguyên nhân chính của BTM

 

Có đến 75% số trường hợp BTM trên thế giới xuất phát từ những yếu tố nguy cơ rất thông thường như do không hoạt động thể lực, béo phì và hút thuốc lá.

 

Trong khi đó ở các nước phát triển thì có đến 1/3 người bị BTM là từ 5 yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống rượu, cao huyết áp, cholesterol và béo phì.

 

Thông thường những người có BTM tiềm ẩn không có triệu chứng gì, một trong những dấu hiệu đầu tiên có thể xuất hiện là bị nhồi máu cơ tim hoặc bị đột quỵ.

 

Tuy nhiên, các triệu chứng thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim gồm có đau hoặc khó chịu ở giữa ngực, 2 cánh tay, vay trái…hoặc ở lưng. Hay có thể đó là bị khó thở, cảm thấy mệt hoặc ói mửa, chóng mặt muốn ngất, vã mồ hôi lạnh.

 

Đối với đột quỵ, trường hợp thường gặp nhất là đột ngột yếu, liệt mặt, tay hoặc thường bị ở 1 bên của cơ thể.

 

Trong 300 yếu tố nguy cơ dẫn đến BTM, có 1 số yếu tố có thể thay đổi được (nghĩa là còn có thể điều trị được như bị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường, hút thuốc, béo phì, không hoạt động thể lực). Các yếu tố nguy cơ chính có thể thay đổi được thì có liên quan đến khoảng 80% số trường hợp bệnh mạch vành và bệnh mạch máu não.

 

Các yếu tố gây nên BTM mà ta không thể thay đổi được gồm, tuổi tác (>55 tuổi đối với nam, >65 tuổi đối với nữ), hay tiền sử gia đình có BTM ở tuổi còn trẻ.

 

Trong cuộc nghiên cứu Ontarget trên 25.620 người trong thời gian 6 năm, GS Salim Yusuf và các cộng sự ở ĐH McMaster (Hamilton, Canada) nhận thấy: ngoài chất ramipril còn có chất telmisartan, cũng có thể ngăn ngừa được 1/5 số tai biến tim mạch nghiêm trọng (nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hay bị suy tim ứ huyết) như chất ramipril, cả 2 chất này đều có tính giảm huyết áp khá cao.

 

Ngọc Thanh