Có thể xét nghiệm định lượng kháng thể sau tiêm vắc xin ở đâu?

(Dân trí) - Sau vụ trẻ bị tiêm thiếu vắc xin Pentaxim tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, nhiều người lo ngại con họ cũng gặp phải tình huống tương tự, có thể bị tiêm thiếu vắc xin. Vậy tại Việt Nam có thể làm xét nghiệm định lượng kháng thể hay không?

Việt Nam làm được xét nghiệm này!
 
GS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định, Việt Nam hoàn toàn làm được xét nghiệm
GS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định, Việt Nam hoàn toàn làm được xét nghiệm định lượng kháng thể sau tiêm vắc xin 5 trong 1. Ảnh: H.Hải

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khẳng định, việc xét nghiệm định lượng kháng thể là hoàn toàn có khả năng. Các Viện vệ sinh dịch tễ hay Viện Pasteur tại Việt Nam có đủ khả năng làm các xét nghiệm này.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) khẳng định, việc xét nghiệm định lượng kháng thể là hoàn toàn có thể làm được. Bởi trước khi vắc xin được đưa ra dùng đại trà, người ta đã phải tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm trên người để đánh giá hiệu quả của vắc xin. Vì thế, về mặt kỹ thuật là hoàn toàn có thể làm được xét nghiệm định lượng kháng thể.

Theo ông Hiển, vụ việc trẻ bị tiêm thiếu vắc xin tại Trung tâm Y tế Dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh Hà Nội là một sự việc đáng tiếc, không phải là phổ biến. “Vắc xin chỉ có hiệu quả khi tiêm vắc xin có chất lượng, đủ liều lượng, đúng khoảng cách, đúng kỹ thuật”, GS Hiển khẳng định.

Trước lo lắng, băn khoăn của rất nhiều người dân về việc có thể con mình cũng bị tiêm thiếu vắc xin tương tự, muốn đưa con đi kiểm tra định lượng kháng thể sau khi tiêm vắc xin nhưng không biết cơ sở y tế nào có thể làm được, ông Hiển khẳng định: “Việc xét nghiệm định lượng kháng thể với vắc xin 5 trong 1 chúng tôi có khả năng làm được, nhưng lâu nay chúng tôi ít làm việc đó vì chẩn đoán các ca bệnh do vi khuẩn chủ yếu dựa trên các  các kỹ thuật phân lập và sinh học phân tử, chứ ít sử dụng các kỹ thuật phát hiện kháng thể này. Các kỹ thuật phát hiện kháng thể trong xét nghiệm vi khuẩn chủ yếu sử dụng trong các  nghiên cứu là chính, chứ không làm các dịch vụ thông thường trong chẩn đoán ca bệnh. Các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur có khả năng kiểm định kháng thể sau khi tiêm vắc xin. Khi người dân có nhu cầu thì ngành y tế có thể triển khai. Tuy nhiên, việc xét nghiệm đó là phức tạp và tốn kém”, GS Hiển nói.

Nguyên nhân là do mũi vắc xin 5 trong 1 Petaxim là loại vắc xin tổng hợp phòng 5 bệnh nên có 5 kháng nguyên. Việc xét nghiệm sẽ phải theo dõi nồng độ của các kháng thể đối với từng kháng nguyên một gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, vi khuẩn Hib, virus viêm gan B. Như vậy để xác định kháng thể với 5 thành phần kháng nguyên đòi hỏi phải tiến hành 5 loại kỹ thuật khác nhau với 5 lần xét nghiệm khác nhau, chứ không phải một kỹ thuật xác định được 5 thành phần đó.

Vì thế GS Hiển khuyến cáo, trường hợp trẻ tiêm vắc xin không đủ liều thì về nguyên tắc phụ huynh nên cho con tiêm bù lại mũi tiêm đó, không cần thiết phải đưa trẻ đi làm các xét nghiệm kiểm định lượng kháng thể, rất phức tạp và tốn kém. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao cho đứa trẻ có đủ kháng thể để chống lại các bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin.

Cân nhắc khi xét nghiệm

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, chỉ khi tiêm đủ liều, vắc xin đủ mới đạt hiệu quả bảo vệ. Còn khi bị tiêm với liều thiếu, đương nhiên phụ huynh các bé lo lắng, muốn xét nghiệm kháng thể để biết rằng với liều thấp như thế thì lượng kháng thể sinh ra của em bé sau tiêm chủng sẽ đạt được hiệu quả hay là không hiệu quả.

Trước câu hỏi, với những em bé mà gia đình lo ngại bị tiêm thiếu vắc xin, muốn xét nghiệm kháng thể, có cần thiết không? PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: “Nếu làm được xét nghiệm cũng tốt. Bởi sự thực chuyện nghi ngờ tiêm thiếu cho đến bây giờ không ai xác nhận. Khi nghi ngờ như vậy, có thể làm phương pháp thứ hai, đó là xét nghiệm kháng thể của các em bé”.

“Kết quả xét nghiệm có thể xảy ra tình huống, nếu kháng thể của em bé đầy đủ thì chắc chắn là được tiêm đầy đủ vắc xin đủ. Trường hợp thứ hai xảy ra, kháng thể không đủ, thì có thể do vắc xin tiêm đủ một ống (nhưng có thể vắc xin hỏng), tiêm đủ vắc xin nhưng cơ thể vẫn không đủ khả năng bảo vệ là bởi vì tỷ lệ bảo vệ chung của vắc xin cũng không phải 100%. Có thể, bệnh nhân là một trong những trường hợp dù tiêm đủ nhưng do cơ thể có lý do nào đó mà không đủ được kháng thể”, TS Dũng nói.

Cũng theo TS Dũng, khi nghi ngờ thì đi xét nghiệm là đúng. Việc xét nghiệm này không phải là để giải tỏa tâm lý, mà nếu có nghi ngờ tiêm thiếu mà không thể kiểm chứng, kết quả xét nghiệm sẽ giúp phụ huynh biết, con họ có được vắc xin bảo vệ đầy đủ hay không. Nếu xét nghiệm đủ kháng thể không phải tiêm lạ, còn nếu thiếu kháng thể có nghĩa là phải tiêm lại vắc xin đó. “Việc xét nghiệm sẽ có lợi khi đưa ra quyết định đó, nhưng khi xét nghiệm lại phải tốn về chi phí, rồi lấy máu… vì thế phải cân nhắc”, TS Dũng nói.

Liên quan đến việc tiêm vắc xin hết hạn dùng cho trẻ, TS Dũng cho rằng, mũi vắc xin đó không đạt yêu cầu về chất lượng. Bởi người ta cũng đã tính, trong một thời gian lưu trữ (lưu trữ trong điều kiện đặc biệt, trên dây truyền lạnh đúng yêu cầu về nhiệt độ) nếu lưu trữ tốt, đến thời hạn của nó là hết tác dụng. Vì thế, vắc xin cũng giống như các thuốc khác, nếu mà hết thời hạn sử dụng thì coi như là thuốc đó không đảm bảo chất lượng, có nghĩa là có tiêm vào thì cũng không có giá trị bảo vệ.

Tú Anh