Chuối đỏ, xoài tím: Giá “chát” mà không tốt hơn quả thường

Chuối đỏ, xoài tím đang là những loại trái cây độc lạ khiến người tiêu dùng thích thú và đổ xô đi tìm mua. Nhưng các nhà chuyên môn thì “tỉnh” hơn.

Chuối đỏ còn được gọi là chuối đỏ Dacca, có kích thước nhỏ hơn quả chuối thông thường một chút. Nguồn gốc của loại chuối đỏ bắt nguồn từ Australia. Điều đặc biệt là chuối có vỏ màu đỏ đậm hoặc hơi tím. Thịt chuối có màu trắng kem, ăn ngọt.

Do màu đỏ tươi, hút mắt lại được người bán hàng “thổi phồng” công dụng cho rằng chuối đỏ rất tốt cho sức khỏe nên giá của loại này cũng tương đối đắt. Hiện chuối đỏ là một trong những đặc sản “hái ra tiền” với giá hơn 500.000 đồng/nải.

Cùng với loại chuối đỏ, xoài tím hiện cũng đang gây xôn xao khi nhiều người đổ xô tìm mua. Hình dáng quả và lõi vẫn giống các loại xoài thường thấy, tuy nhiên vỏ xoài khi chín lại có màu tím.

Thịt xoài bên trong có màu vàng sậm, mùi thơm và ngọt. Xoài xanh thường được chế biến thành các món nộm, ăn thường. Hiện giá bán loại xoài tím vào khoảng gần 200.000đồng/kg.

Chuối đỏ đang được bán với giá tới 500.000 đồng/kg
Chuối đỏ đang được bán với giá tới 500.000 đồng/kg

Nói về mặt dinh dưỡng của chuối đỏ, xoài tím, chuyên gia Đức Minh - Viện nghiên cứu công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm cho biết, xoài tím, chuối đỏ và các loại hoa quả độc lạ khác như thanh long ruột đỏ, bưởi đỏ, cà chua đen… có công dụng, giá trị dinh dưỡng không khác bao nhiêu so với hoa quả bình thường. Còn giá của chuối đỏ, xoài tím đắt là do lạ hiếm.

Về chất vi lượng chưa có nghiên cứu rõ ràng, còn đại lượng thì như nhau. Cũng như gà tây, gà ta đại lượng như nhau nhưng vi lượng thì chưa chứng minh được, cần phải nghiên cứu mới biết công năng cho sức khỏe như thế nào, người già, trẻ nhỏ có ăn tốt hay không. Hay Việt Nam trước đây có quýt, cam nhiều hạt, ngày nay có quýt cam không hạt.

Theo TS Đức Minh, vài năm gần đây người dân, đặc biệt là người giàu rất chuộng các loại hoa quả đẹp, độc, lạ. Đáp ứng nhu cầu, nhiều nông dân đã sáng tạo những quả có hình thù đẹp, lạ để phục vụ tiêu dùng. Những thứ quả này do hiện tượng đột biến tự nhiên và chọn giống, hoàn toàn không phải là biến đổi gen.

Vì có hiện tượng đột biến tự nhiên lạ và đẹp, nông dân phát hiện được thì giữ giống lại và duy trì, chọn giống, nhân lên. Người kinh doanh nhờ nghệ thuật thương mại, quảng bá mà đẩy giá đắt lên gấp nhiều lần so với giá trị thật của hoa quả.

Một số người thấy hoa quả đẹp, độc lạ sợ là hoa quả “biến đổi gen” nên không dám ăn, mà chỉ để trưng chơi. Điều này là lãng phí vì những hoa quả đó vẫn có thể ăn, có công dụng, giá trị dinh dưỡng như hoa quả bình thường.

Xoài tím lạ mắt người tiêu dùng
Xoài tím lạ mắt người tiêu dùng

GS.TS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, chuối đỏ, xoài tím chỉ lạ và ngon hơn chứ về mặt công dụng, giá trị dinh dưỡng không khác biệt. Việc “thổi” giá trị của chúng lên chỉ là hình thức để đẩy giá của chuối đỏ, xoài tím lên cao.

Với xoài thông thường là loại hoa quả được xếp vào nhóm thực phẩm hàng ngày rất giàu các vitamin, kali và các chất khoáng. Chúng có tác dụng tốt đối với hệ miễn dịch chống lại các bệnh mãn tính như cao huyết áp, ung thư máu và hạn chế cholesterol trong máu.

Đây là một trong số các loại hoa quả giàu caroten nhất, chất này sẽ biến đổi thành vitamin A trong quá trình hấp thụ ở ruột non. Theo các nghiên cứu, xoài chứa lượng chất sắt gấp 3 lần so với những hoa quả khác. Chính vì thế, xoài rất tốt cho phụ nữ mang thai và những người thiếu máu.

Còn chuối là loại trái cây duy nhất hội tụ đầy đủ thành phần những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người. Chuối có thể điều hoà hoạt động của hệ thần kinh và làm giảm nguy cơ những bệnh về tim mạch do hàm lượng Potassium tự nhiên rất cao có trong chuối. Tuy nhiên với người bị bệnh tiểu đường nên hạn chế dung.

Không ít người cũng tỏ ra nghi ngờ về loại chuối đỏ, xoài tím được nhập từ Trung Quốc. Về điều này, Lê Sơn Hà, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay Cục chưa cấp phép nhập khẩu cho bất cứ lô quả chuối đỏ, xoài tím nào từ Trung Quốc. Theo ông được biết, chuối đỏ, xoài tím đã được trồng ở nước ta từ lâu.

Theo P.Thuận - H.Dương

Báo Gia đình & Xã hội