1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Chỉ 37% người HIV/AIDS được tiếp cận thuốc kháng vi rút

(Dân trí) - Chỉ có khoảng 37% số người nhiễm HIV còn sống được được tiếp cận với thuốc kháng vi rút, nhưng tỷ lệ duy trì điều trị liên tục không ổn định. Trong bối cảnh nguồn viện trợ bị cắt giảm, nguy cơ HIV/AIDS trỗi dậy đang đe dọa cộng đồng.

Thống kê được công bố tại Hội thảo “Đảm bảo bền vững và tăng cường tiếp cận với tư vấn xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS” do Cục Phòng chống HIV/AIDS tổ chức tại TPHCM (ngày 26/12) cho thấy: Đến tháng 9/2014, số người nhiễm HIV trên cả nước đã lên tới hơn 200.000 người, số người tử vong do bệnh AIDS là gần 70.000 người. Các yếu tố dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS từ người nghiện chích ma túy, mại dâm, tình dục đồng giới nam… đang ngày càng khó kiểm soát. 

Bệnh nhân điều trị HIV/AIDS tại bệnh viện Nhân Ái
Bệnh nhân điều trị HIV/AIDS tại bệnh viện Nhân Ái

Bên cạnh đó, độ bao phủ của chương trình phát bao cao su và bơm kim tiêm cho người bán dâm, người nghiện chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Việc điều trị bằng Methadone chỉ triển khai được ở 38 tỉnh thành; độ bao phủ trong điều trị HIV bằng thuốc kháng vi rút (ARV) còn thấp, chỉ chiếm 37% tổng số người nhiễm HIV còn sống, tỷ lệ duy trì trong điều trị chưa cao. Nguồn thuốc ARV chủ yếu là từ viện trợ nước ngoài, Việt Nam tuy có sản xuất nhưng giá thành quá cao và Bảo hiểm Y tế chưa chi trả cho bệnh nhân điều trị ARV.

Trong lúc nguồn viện trợ quốc tế cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam đang bị cắt giảm thì ngành y tế vẫn chưa xây dựng được chuỗi cung ứng cũng như chưa chủ động được việc mua thuốc ARV; các cơ sở điều trị chủ yếu do dự án thành lập, chưa được xem là một bộ phận chính thức của các cơ sở y tế… đang là những thách thức không nhỏ cho việc duy trì và mở rộng số lượng người nhiễm HIV được điều trị ARV ở nước ta.

Để đảm bảo bền vững trong chăm sóc điều trị sớm HIV trong thời gian tới, BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Bước sang năm 2015, Cục sẽ tập trung chỉ đạo điều trị ARV cho các đối tượng: gái mại dâm, nam giới có quan hệ đồng giới, người nhiễm HIV có bạn tình không nhiễm HIV, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, mở rộng điều trị ARV ở các trại giam. 

Đồng thời, ngành y tế cũng tăng cường nâng cao chất lượng tư vấn trước và sau xét nghiệm, quản lý thông tin người nhiễm HIV, lồng ghép xét nghiệm và điều trị, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều trị ARV. Việc xây dựng chuỗi cung ứng ARV do Việt Nam chủ động mua sắm cũng sẽ được ngành y tế lưu ý trong năm 2015. 

Vân Sơn