BV Ung bướu TPHCM dẫn phóng xạ liều cao điều trị ung thư lưỡi cho bé 3 tuổi

Hoàng Lê

(Dân trí) - Ngày 20/9, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, nơi đây vừa có lần đầu tiên xạ trị áp sát cho một bệnh nhi ung thư lưỡi.

Bệnh nhân là bé gái tên T.H.L. (3 tuổi, quê Yên Bái), phát hiện mắc bệnh ung thư lưỡi từ lúc một tuổi và đã từng phẫu trị, hóa trị.

Ngày 18/8, cháu bé nhập điều trị tại khoa Nội ung bướu nhi, Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Sau khi hội chẩn liên khoa, các chuyên gia thống nhất hướng xử trí tiếp theo là xạ trị trong mô bổ túc sau phẫu thuật. Đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện áp dụng kỹ thuật xạ trị áp sát để điều trị cho bệnh nhân nhi.

Để tiến hành điều trị, bệnh nhi được gây mê nội khí quản đường mũi, đảm bảo bất động trong suốt quá trình xạ. Tiếp theo, bác sĩ xạ trị sẽ cắm kim xuyên mô đặt dây dẫn nguồn vào cơ thể, thực hiện mô phỏng và lên kế hoạch điều trị.

BV Ung bướu TPHCM dẫn phóng xạ liều cao điều trị ung thư lưỡi cho bé 3 tuổi - 1

Ekip điều trị thực hiện thủ thuật cắm kim xuyên mô trong phòng mổ cho bệnh nhi (Ảnh: BV).

Bệnh nhi được thực hiện xạ trị áp sát nạp nguồn sau suất liều cao, với thời gian xạ trị là khoảng 10-20 phút mỗi phân liều. Mỗi ngày, cháu bé thực hiện 2 phân liều, cách nhau 6-8 tiếng, từ ngày 11/9-15/9.

Khi chuẩn bị xạ trị, nhân viên y tế sẽ kết nối dây dẫn nguồn với dây áp nguồn đã được đặt trong cơ thể người bệnh. Quá trình xạ trị, nguồn phóng xạ chạy qua dây dẫn vào cơ thể người bệnh.

Sau 4 ngày thực hiện thủ thuật, đến ngày 19/9, tình hình sức khỏe của bệnh nhân nhi ổn định, đã ăn uống qua miệng được.

BV Ung bướu TPHCM dẫn phóng xạ liều cao điều trị ung thư lưỡi cho bé 3 tuổi - 2

Bệnh nhi được xạ trị trong phòng máy xạ trị áp sát (Ảnh: BV).

Theo Bệnh viện Ung bướu TPHCM, xạ trị áp sát ung thư lưỡi được áp dụng cho người lớn từ hơn 30 năm nay tại đơn vị. Ban đầu là kỹ thuật cắm kim trực tiếp, đơn giản và không đảm bảo an toàn phóng xạ.

Hiện nay, kỹ thuật xạ trị trong nạp nguồn sau suất liều cao được áp dụng khá phổ biến, an toàn và hiệu quả cho các loại ung thư đầu cổ. Bệnh nhân có thể thực hiện xạ trị áp sát đơn thuần hoặc kết hợp với xạ trị ngoài.

"Với các kỹ thuật điều trị hiện đại, bệnh nhi được cố định tốt, giúp giảm tối đa liều đến các cơ quan lành, tránh các tác dụng phụ cấp tính cũng như lâu dài", đại diện bệnh viện chia sẻ.

Ung thư lưỡi là loại ung thư thường gặp nhất tại vùng hốc miệng. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 61-70, tỷ lệ nam/nữ mắc phải là 1,7/1. Đáng chú ý, đa số bệnh nhân nhập viện trễ, với hơn 61% đã ở giai đoạn 3-4.

Theo thống kê của Bệnh Viện Ung bướu TPHCM, hằng năm nơi đây tiếp nhận khoảng 150-200 trường hợp ung thư lưỡi mới phát hiện.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Khôi, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ - Hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Phó trưởng bộ môn Ung Bướu, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, những năm gần đây, khoa tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân tuổi đời còn khá trẻ đã mắc ung thư lưỡi.

Phẫu thuật cắt rộng bướu nguyên phát là phương pháp thường được lựa chọn để điều trị bệnh. Hầu hết các trường hợp sau phẫu thuật sẽ dễ tạo khuyết hổng lớn, ảnh hưởng nặng nề đến chức năng nói và nuốt của người bệnh.