1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

TPHCM:

Bị thẩm mỹ dỏm “đại náo”, ngành y tế hớt hải dẹp loạn

(Dân trí) - Hậu quả từ tình trạng mất kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước đối với dịch vụ thẩm mỹ đã khiến nhiều người tử vong, hàng loạt ca tai biến khi đi làm đẹp. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ lập chiến lược phản ứng nhanh, xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân sai phạm.

Theo thống kê của Sở Y tế, hiện trên địa bàn chỉ có 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ; 10 bệnh viện đa khoa có đơn vị hoặc khoa thẩm mỹ; 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; 8 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (loại hình chỉ có văn bản thông báo đủ điều kiện hoạt động không cần cấp phép). Bên cạnh đó, còn nhiều phòng khám chuyên khoa da liễu có thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ nội khoa.

Bị thẩm mỹ dỏm “đại náo”, ngành y tế hớt hải dẹp loạn - 1

Chỉ có 8 cơ sở thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ không cần xin phép gửi thông báo đủ điều kiện hoạt động đến Sở Y tế

Ngoài các bệnh viện, phòng khám đã được cấp phép và số cơ sở thông báo đủ điều kiện hoạt động thì có tới gần 1.400 cơ sở chăm sóc da, cơ sở thẩm mỹ, Spa đang hoạt động “ngoài vòng pháp luật”. Đây là những cơ sở không cần cấp phép mà chỉ gửi thông báo đủ điều kiện hoạt động về Sở Y tế nhưng các cơ sở trên đang vô tư hoạt động mà chưa có bất kỳ thông báo nào. Để câu khách, cơ sở thực hiện các chiêu trò quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội và nhiều phương tiện truyền thông khiến người dân lầm tưởng, tìm đến thực hiện dịch vụ thẩm mỹ.

Đại diện Thanh tra Sở Y tế cho hay, qua công tác thanh kiểm tra tại một số cơ sở thực hiện các kỹ thuật chăm sóc da, Spa, cơ sở thẩm mỹ hoạt động không cần xin phép theo quy định (áp dụng đối với những cơ sở thực hiện kỹ thuật làm đẹp không xâm lấn) thanh tra Sở Y tế thành phố đã phát hiện nhiều sai phạm khi hầu hết các cơ sở có thực hiện kỹ thuật xâm lấn, tiêm chất làm đầy, thực hiện tiểu phẫu...

Bị thẩm mỹ dỏm “đại náo”, ngành y tế hớt hải dẹp loạn - 2

Thẩm mỹ viện Sophie International chưa được cấp phép đã dụ bệnh nhân mang thai đi hút mỡ bụng

Nghiêm trọng hơn, những người thực hiện các kỹ thuật làm đẹp có xâm lấn trên bệnh nhân đều không có chuyên môn về y khoa. Đây hầu hết là những người “tay ngang” chỉ tham gia một số khóa đào tạo chui ở các thẩm mỹ viện tự phong là cơ sở đào tạo (không được cấp phép đào tạo và chứng chỉ đào tạo của cơ quan quản lý nhà nước) sau đó ra hành nghề. Hậu quả của tình trạng trên đã khiến hàng loạt bệnh nhân bị biến chứng, mù mắt, tàn phai nhan sắc.

Ngay tại các bệnh viện thẩm mỹ đã được cấp phép cũng đang tồn tại nhiều lỗ hổng. Các bệnh viện không được phép cho bác sĩ bên ngoài thuê hoặc mượn phòng phẫu thuật nhưng hiện nay hầu hết bệnh viện thẩm mỹ đang trở thành “lò mổ dạo” của các bác sĩ. 2 ca bệnh tiêu biểu nhất cho tình trạng trên là trường hợp tử vong sau đặt túi ngực tại Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS và trường hợp phẫu thuật hút mỡ bụng trên bệnh nhân đang mang thai 8 tuần tuổi do Thẩm mỹ viện Sophie International chiêu dụ rồi chuyển đến Bệnh viện EMCAS phẫu thuật.

Bị thẩm mỹ dỏm “đại náo”, ngành y tế hớt hải dẹp loạn - 3
Những người tay ngang bổng nhiên thành chuyên gia thẩm mỹ sau vài khóa đào tạo chui

Nghiêm trọng hơn là tình trạng người hành nghề sử dụng chứng chỉ phẫu thuật thẩm mỹ giả đang diễn ra tràn lan. Trường hợp vị BS Đinh Viết Hưng gây chết người mới bị phát hiện sử dụng chứng chỉ giả để hành nghề khi Sở Y tế Đồng Nai xác nhận chứng chỉ bác sĩ Viết Hưng sử dụng là giả. Các chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ nhận định, trường hợp của Đinh Viết Hưng chỉ là phần nổi của tảng băng, ngành y tế nếu quyết tâm “dẹp loạn” sẽ dễ dàng phát hiện những ai đang sử dụng chứng chỉ giả để hành nghề.

Để đối phó với vấn nạn trên, tại Hội nghị “Quản lý nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM” ngày 7/11, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, ngoài những phương án đang triển khai lâu nay trong công tác quản lý đối với dịch vụ thẩm mỹ, sắp tới Sở Y tế sẽ triển khai thêm nhiều phương án để kịp thời xử lý đối với các cơ sở sai phạm.

Bị thẩm mỹ dỏm “đại náo”, ngành y tế hớt hải dẹp loạn - 4
Rủi ro luôn rình rập khách hàng khi chọn nhầm địa chỉ làm đẹp

Theo đó, Sở Y tế đã tính tới phương án phản ứng nhanh trên cơ sở toàn dân cùng giám sát các sai phạm trong hoạt động thẩm mỹ. Chúng tôi sẽ có hệ thống tiếp nhận thông tin phản ánh, những hình ảnh, địa chỉ người dân chuyển tới sẽ được xử lý ngay lập tức. Với phương án này, có thể chỉ trong thời gian tính bằng phút, cán bộ quản lý cơ sở đã đến hiện trường, bắt tận tay hoạt động sai phạm khi họ chưa kịp trở tay.

Để dẹp loạn quảng cáo trên mạng xã hội, PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết, sẽ có bộ phận chuyên trách giám sát các quảng cáo. Chính cán bộ y tế, lực lượng thanh tra sẽ là người thâm nhập thực tế, đóng vai người bệnh để nắm tất cả thông tin quảng cáo và dịch vụ được cơ sở thực hiện, nếu quảng các vượt phạm vi chuyên môn sẽ bị xử lý nghiêm. Trước mắt, Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại tất cả cơ sở có thực hiện dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn để ngăn chặn các sai phạm, tránh nguy cơ có thêm nạn nhân bị tai biến, tử vong khi đi làm đẹp.

Vân Sơn