Bầu bí thắc mắc chuyện uống

Uống hay không uống gì để con trắng da, bớt đen? Có cần uống thuốc bổ, sữa bà bầu? Các đồ uống chứa chất kích thích có thực sự gây hại? Dưới đây là giải đáp của TS.BS Đặng Lê Dung Hạnh.

Bầu bí thắc mắc chuyện uống - 1


Uống cà phê đẻ con da đen thui?

 

Trong dân gian vẫn hay truyền tai nhau kiêng cữ, không nên uống nhiều cà phê vì sẽ đẻ con da đen thui như… màu cà phê. Uống nước dừa con sẽ trắng da. Nếu kỳ diệu vậy sao ta không uống… bông bưởi để da con vừa trắng vừa thơm?

 

Thật ra, màu da con trẻ, cũng giống như người lớn vậy thôi. Màu sạm là do các tế bào hắc tố nằm trong lớp da, càng nhiều tế bào hắc tố màu da càng sậm. Người châu Âu da trắng vì có ít tế bào hắc tố, người châu Phi da đen vì có nhiều tế bào hắc tố. Quy định tỷ lệ tế bào hắc tố trong lớp tế bào da là tuỳ thuộc yếu tố chủng tộc di truyền.

 

Tế bào hắc tố này chính là yếu tố bảo vệ cho da khỏi tác động của tia cực tím dưới ánh sáng mặt trời. Do đó, người vùng nhiệt đới nắng gắt thì buộc phải có nhiều tế bào hắc tố hơn người vùng ôn đới ít nắng. Cũng vì điều này, khi chúng ta thường xuyên làm việc trong phòng, không tiếp xúc ánh nắng nhiều thì sẽ trắng hơn người lao động ngoài nắng. Sau một chuyến tắm biển phơi nắng, da chúng ta cũng sẽ đen hơn vì đã tăng số tế bào hắc tố. Khi da còn non, tế bào hắc tố ít hơn, nhờ đó mà cũng trắng hơn.

 

Em bé mới sinh ra có khi trắng nhưng sau đó trông đen hơn cũng là vì vậy. Có nghĩa là nếu cha mẹ đã có da sậm màu thì không thể nào con trắng hơn bố mẹ và các yếu tố ăn uống cũng không ảnh hưởng gì đến màu da cả. Nói khác đi, các bà bầu cứ dùng thoải mái các thức uống có màu lẫn không màu, mà không sợ màu da em bé bị thay đổi. Lúc này, có sử dụng hay không các thức uống là vì chúng ta quan tâm đến tác dụng của thức uống đó với sức khoẻ. Vậy với bà bầu, không có bệnh tật, thì nên uống gì cho khoẻ?

 

Bà bầu có cần thuốc bổ?

 

Có hai loại chất mà hầu như trong lúc mang thai cơ thể người phụ nữ cần rất nhiều, đó là sắt và canxi. Các chất này thật ra vẫn có thể lấy qua thức ăn, như canxi có nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại ngũ cốc cũng có canxi nhưng không nhiều. Sắt có trong thịt đỏ và các loại rau xanh, màu rau càng đậm, sắt càng nhiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng. Chưa kể việc chọn lựa bảo quản thực phẩm và chế biến có thể làm giảm các khoáng chất này, cũng như tình trạng hấp thu ở từng người có khác nhau nên dùng thêm các thuốc bổ có chứa hai khoáng chất này trong lúc mang thai vẫn được khuyên dùng.

 

Viên sắt còn cung cấp thêm axít folic, là một yếu tố góp phần trong tạo máu, được khuyên dùng bổ sung cho bà bầu vì tỷ lệ phụ nữ thiếu máu, thiếu sắt khá cao trong người dân Việt Nam. Tình trạng thiếu máu dẫn đến mẹ có nhiều nguy cơ bị băng huyết sau sanh, bị thiếu máu trong và sau khi mang thai; con sẽ bị thiếu sắt (vì chỉ nhận sắt từ mẹ lúc mang thai. Trong sáu tháng bú mẹ hay bú bình cũng chỉ nhận được rất ít sắt từ sữa mẹ hay sữa bột). Uống viên sắt bổ sung nên dùng suốt thai kỳ. Không có tình trạng dư sắt do uống thường xuyên, chỉ có điều sắt dư sẽ thải qua đường tiêu hoá và gây ra một chút rắc rối như tiêu phân sệt, đen, táo bón, bào xót dạ dày và dĩ nhiên… tốn tiền! Với canxi, biện pháp bổ sung tốt nhất vẫn là uống sữa.

 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thói quen uống sữa và uống được sữa. Trong trường hợp này, viên bổ sung canxi là biện pháp tốt giúp có đủ canxi cho cả mẹ và con. Bổ sung canxi không đủ, con sẽ thiếu canxi. Chiều cao của con được hình thành một phần quan trọng trong giai đoạn bào thai. Thiếu canxi bào thai sẽ làm ảnh hưởng chiều cao của trẻ và dự trữ canxi – khối lượng xương trong tương lai. Thiếu canxi, mẹ sẽ phải lấy phần dự trữ cho con, dẫn đến thiếu hụt canxi dự trữ, làm tình trạng thiếu hụt xương, loãng xương sau này của mẹ đến sớm và trầm trọng hơn. Nhiều người cũng hay lo uống canxi nhiều quá có hại. Thật ra canxi thừa sẽ thải qua nước tiểu và phân, sỏi thận chỉ hình thành trên một số cơ địa đặc biệt, chứ không phải cứ dư canxi là có sỏi thận. Việc chọn các loại canxi có độ hấp thu tốt, uống nhiều nước, vận động, đi tiểu thường xuyên, điều trị tốt nhiễm trùng tiểu sẽ làm giảm tỷ lệ lắng đọng canxi và tạo sỏi.

 

Không nhất thiết phải uống sữa bà bầu

 

Nên uống mọi loại sữa, chứ không nhất thiết cứ phải là sữa bà bầu. Ngay sữa đặc có đường cũng có thể dùng được, hay sữa đậu nành, hàm lượng canxi chỉ khoảng phân nửa so với sữa động vật, cũng dùng được nếu bà mẹ… ăn chay. Sữa bà bầu, có tốt hơn ở chỗ, hàm lượng canxi và năng lượng cao hơn, lượng đường ít hơn nên tránh được béo phì. Dùng một ly thì năng lượng và canxi có thể gấp rưỡi hay gấp đôi ly sữa thường, dĩ nhiên giá tiền cũng không thể ngang bằng. Dùng sữa nên dùng từ sớm, tránh đến lúc thai lớn, có khi mẹ đã phải mất một lượng canxi dự trữ cho con, như vậy sẽ mất sức hơn.

 

Các loại thuốc bổ đa sinh tố cũng có thể dùng vì chứa nhiều loại sinh tố cần thiết cùng các loại khoáng cần thiết, kể cả sắt và canxi, mặc dù hàm lượng chưa bằng nhu cầu hàng ngày của bà bầu. Tuy nhiên, chỉ nên dùng thuốc bổ đa sinh tố trong trường hợp bà bầu mạnh khoẻ, có khả năng đã đủ các loại cần thiết qua chế độ ăn và cần bổ sung thêm một ít qua thuốc.

 

Thức uống có gas, cồn, cafein… hại đến đâu?

 

Từ 5-6 tháng thai kỳ, bụng bầu bắt đầu to, chèn vào bàng quang làm bà bầu có cảm giác muốn đi tiểu nhiều lần, đêm phải thức giấc đi tiểu, từ đó hay có tâm lý ngại uống nước ban đêm hay lúc đang ở nơi làm việc vì bất tiện. Đây cũng là điều không tốt cần cải thiện.

 

Nên uống hơn hai lít nước mỗi ngày và uống đều đặn trong ngày. Với các loại giải khát, hầu như không có gì khác biệt trong khâu thức uống giữa bà bầu và các bà không bầu nhưng muốn giữ sức khoẻ tốt. Các loại giải khát có gas vẫn dùng được, nhưng hạn chế vì có đường dễ gây béo phì, nhất là nếu đã có bệnh tiểu đường trong lúc mang thai. Gas tuy có thể làm khó tiêu nhưng một số bà bầu thai hành lại cảm thấy dễ chịu khi được ợ hơi sau một cốc nước này. Một số loại có cafein có thể gây kích thích, nên tránh uống vào chiều tối vì làm ảnh hưởng giấc ngủ. Phụ nữ ghiền cà phê thì khi mang bầu vẫn dùng được. Tuy nhiên cần giảm bớt liều lượng để tránh gây kích thích và mất ngủ.

 

Rượu và các chất có cồn mới là yếu tố nên ngưng hoặc hạn chế sử dụng khi mang thai. Sách vở đã mô tả hội chứng rượu ở trẻ, bao gồm một số bất thường cơ quan, bất thường về phát triển thần kinh vận động của con các bà mẹ nghiện rượu, chưa kể tình trạng sinh non, nhẹ ký. Mặc dù dùng ít hay vừa phải, rượu trong thai kỳ thường xuyên chưa thấy ảnh hưởng gì trầm trọng trên trẻ nhưng cũng khuyên các bà bầu nên hạn chế rượu. Thỉnh thoảng nếu có một chút bia khi đi tiệc tùng thì không nghiêm trọng lắm, chỉ trừ khi các bà bầu có cao huyết áp hay bệnh lý tim mạch.

 

Các gia đình xưa vẫn có thói quen ủ một bình rượu nếp cẩm cho bà bầu uống trong lúc mang thai hay sau sanh. Một chút rượu mỗi ngày, chủ yếu là kích thích ăn uống và giữ ấm cho bà mẹ. Tuy nhiên, nếu có cách chế biến thức ăn hợp khẩu vị, đủ dinh dưỡng, bảo đảm cho bà mẹ đầy đủ sức khoẻ, không mất sức sau sanh thì không cần phải mất công ủ rượu như thế. Mặc dù một chút rượu cho bà mẹ mỗi ngày, tuy không sao cho em bé, nhưng cũng có thể gây thói quen xấu về uống rượu cho các đứa con lớn trong nhà, nhất là có thể làm tăng cảm giác thèm rượu của các… ông bố!

 

Theo TS.BS Đặng Lê Dung Hạnh

Sài Gòn Tiếp thị

Dòng sự kiện: Mang thai