1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Bác sĩ giật mình vì kiểu yêu "2 không" của giới trẻ

Minh Nhật

(Dân trí) - "Ở độ tuổi này, theo tôi khi đã quyết định làm chuyện ấy, cả 2 đều đã phải tự có ý thức bảo vệ mình. Do đó, tôi cũng chưa từng hỏi xem "đối tác" đã có biện pháp bảo vệ hay chưa", một nam sinh chia sẻ.

Chấp nhận rủi ro để đổi lấy trải nghiệm

Là sinh viên năm 4 đại học, Nam (tên nhân vật đã được thay đổi), sống tại Đống Đa (Hà Nội) đã từng có 5 người yêu. Tuy nhiên, nếu tính số người nam sinh này từng quan hệ lại nhiều hơn gấp 2-3 lần.

"Bên cạnh những mối quan hệ chính thức, tôi cũng có những cuộc tình một đêm hay các mối quan hệ kiểu trên tình bạn, dưới tình yêu", Nam chia sẻ.

Bác sĩ giật mình vì kiểu yêu 2 không của giới trẻ - 1

Giới trẻ ngày càng thoáng trong chuyện ấy (Ảnh: Getty).

Với quan điểm khá thoáng về tình dục, Nam cho rằng, việc quan hệ chỉ sau một cuộc nhậu hay một cuộc gặp tình cờ trên bar là điều hoàn toàn bình thường. Theo cậu, chỉ cần cả hai có nhu cầu và không phải là "ngoại tình" thì sẽ không có gì sai trái.

Đáng chú ý, theo nam thanh niên này, kể từ lần đầu tiên quan hệ tình dục đến nay, chưa khi nào cậu sử dụng bao cao su mỗi khi lâm trận.

Theo Nam, việc mang bao cao su làm giảm cảm giác chân thật trong cuộc yêu. Việc tránh thai được cậu trao hoàn toàn niềm tin cho đối tác.

"Ở độ tuổi này, theo tôi khi đã quyết định làm chuyện ấy, cả 2 đều đã phải tự có ý thức bảo vệ mình. Do đó, tôi cũng chưa từng hỏi xem "đối tác" đã có biện pháp bảo vệ hay chưa", Nam nêu quan điểm. "Xong là xong", cậu mô tả về những cuộc tình một đêm của mình.

Đề cập đến nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục nếu không sử dụng bao cao su, theo Nam, nếu không phải quan hệ dạng "bóc bánh trả tiền", nguy cơ lây bệnh sẽ rất thấp.

"Nếu cứ chăm chăm lo bệnh tật, sẽ khiến cuộc sống không còn trọn vẹn", Nam bày tỏ.

Cách yêu "2 không": Không biện pháp an toàn, không màng đến rủi ro, để đổi lấy trải nghiệm của Nam không phải là cá biệt trong giới trẻ.

Những cuộc yêu bất chấp giăng bẫy bệnh tật

Qua thực tế lâm sàng, TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận định, cách "yêu bất chấp" của một bộ phận giới trẻ ngày nay là một thực trạng đáng cảnh báo.

"Với các bạn trẻ mà tôi đã tiếp xúc, phần lớn đều thừa táo bạo nhưng lại thiếu kiến thức trong chuyện ấy", BS Thành chia sẻ. Chuyên gia này dẫn chứng không ít trường hợp các em học sinh cấp 3 đã quan hệ tình dục, nhưng lại thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức giới tính để bảo vệ mình và đối tác.

Bác sĩ giật mình vì kiểu yêu 2 không của giới trẻ - 2

Quan hệ không an toàn đẩy người trẻ vào bẫy bệnh tật (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

"Có em không sử dụng bao cao su khi quan hệ chỉ vì… ngại ra hiệu thuốc mua. Thay vào đó, các em lựa chọn xuất tinh ngoài để tránh thai. Trường hợp khác lại chỉ dùng bao cao su khi cảm thấy gần xuất tinh.

Đây đều là những hành vi khiến các em đối mặt với nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn", BS Thành phân tích.

BS Thành nhấn mạnh rằng, đối với các bạn trẻ việc trang bị thật tốt các kiến thức về giới tính, tình dục an toàn là một trong những điều kiện quan trọng để sẵn sàng cho "chuyện ấy".

Việc mắc các bệnh lây qua đường tình dục do quan hệ không an toàn thậm chí có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.

BS Thành chia sẻ về thực trạng: "Nhiều bạn trẻ đến tư vấn khi được hỏi về các bệnh lây qua đường tình dục thì chỉ biết đến HIV. Trong khi đó, quan hệ tình dục không an toàn có thể khiến các bạn đối mặt với hàng loạt bệnh lý nguy hiểm như: lậu, giang mai, viêm gan.

Những bệnh lý lây qua đường tình dục thậm chí có thể gây viêm ngược dòng lên phía trên, làm tổn thương, nghiêm trọng hơn là phá hủy hoàn toàn buồng trứng dẫn đến vô sinh, hiếm muộn. Chỉ đến lúc này, các bạn trẻ mới cảm thấy ân hận vì "yêu" mà thiếu kiến thức dẫn đến không bảo vệ được mình".

Theo chuyên gia này, để "vá" lỗ hổng kiến thức tình dục an toàn ở giới trẻ, gia đình và nhà trường đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.

"Nếu chỉ cấm đoán, ngăn chặn, chúng ta chắc chắn không thể chặn được mãi. Nhưng nếu chúng ta cung cấp vũ khí, sức đề kháng cho các con, cùng đồng hành thì trẻ sẽ dễ vượt qua được giai đoạn này. Phụ huynh cần lên kịch bản nếu rơi vào từng tình huống sẽ xử lý ra sao.

Để thay đổi, giáo dục các con hướng đi đúng là hành trình còn dài, rất cần sự phối hợp, đồng hành của cả gia đình, thầy cô, nhà trường", BS Thành nói.