1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Bác sĩ bất ngờ vì bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng tử vong đường đột

Nam Phương

(Dân trí) - Sau 2 ngày có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, khó thở tăng dần, người đàn ông 50 tuổi (Hà Nội) được gia đình đưa vào viện cấp cứu, với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhân tử vong chỉ sau đó 2 giờ.

Đây là trường hợp bệnh nhân nam, 50 tuổi, có tiền sử bị gút nhiều năm. Ông được đưa vào khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bằng xe cứu thương trong tình trạng sốt cao và khó thở dữ dội. Trước đó, ông có biểu hiện mệt, sốt cao 2 ngày, khó thở tăng dần. 

Tại thời điểm vào viện, bệnh nhân được cho thở oxy kính, nổi vân tím toàn thân, ý thức kích thích vật vã… Xét nghiệm nhanh khí máu động mạch cho thấy có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng. Chẩn đoán ban đầu là sốc nhiễm khuẩn, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. 

Bệnh nhân nhanh chóng được truyền dịch, cấy máu, kháng sinh sớm, đặt ống nội khí quản, lấy máu và làm các xét nghiệm thăm dò. Dù vậy, tiên lượng ca bệnh rất nặng. 

Bác sĩ bất ngờ vì bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng tử vong đường đột - 1

Liên cầu lợn là một bệnh nguy hiểm lây truyền từ lợn sang người (Ảnh minh họa: N.P).

Sau đó, bệnh nhân bị trụy tim mạch không đáp ứng vận mạch và hồi sức dịch. Sau 2 giờ vào viện, bệnh nhân xuất hiện tình trạng ngừng tuần hoàn. Dù đã được các y bác sĩ cấp cứu suốt một giờ nhưng bệnh nhân đã không thể qua khỏi. 

BS Nguyễn Tiến Thành, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, đây không phải là lần đầu bệnh viện cấp cứu những trường hợp sốc nhiễm trùng nhiễm độc. Tuy nhiên, với diễn biến nặng và tử vong khá đường đột như trường hợp trên, không những gia đình mà nhân viên y tế cũng thấy bất ngờ. 

Sau đó 2 ngày, xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis. 

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh do liên cầu lợn Streptococcus suis rất đa dạng bao gồm viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết… Tỷ lệ tử vong có thể tới 7%.

Streptococcus suis được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Tỷ lệ mang khuẩn này không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60-100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao. Lợn mang vi khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. 

Streptococcus suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.

Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người.

Vi khuẩn liên cầu lợn không khó điều trị, đáp ứng với nhiều kháng sinh thông thường. Tuy nhiên, một số đối tượng đặc biệt với thể trạng suy giảm miễn dịch thì diễn biến lâm sàng rầm rộ, nguy cơ tử vong cao. 

Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân nên từ bỏ những món ăn có từ lâu nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm như tiết canh, các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. 

Đồng thời, không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời...