1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khánh Hòa:

Ụ nổi trăm tỉ bị bỏ hoang trên vịnh Cam Ranh

(Dân trí) - Từ tháng 8/2008, trên vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), khu vực bãi trước đảo Bình Lập, xuất hiện một ụ nổi 12.500 tấn mang tên Venture Dock 2. Chiếc ụ nổi khổng lồ nằm phơi mưa nắng từ đó đến nay, trở thành nơi... câu cá cho người dân.

Ụ nổi hàng trăm tỉ đồng đang bị bỏ hoang, gỉ sét.

Ụ nổi hàng trăm tỉ đồng đang bị bỏ hoang, gỉ sét.

 

Hải quan Khánh Hòa cho biết, chiếc ụ nổi này trị giá 11,5 triệu USD (khoảng hơn 230 tỉ đồng), nhập cảnh vào vịnh Cam Ranh ngày 9/8/2008 từ Singapore. Mục đích là để chờ phục vụ sửa chữa tàu biển tại Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Cam Ranh (gọi tắt và Vinashin Cam Ranh - thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin). Nhưng không hiểu sao từ đó tới nay ụ nổi không hoạt động và cũng chưa làm thủ tục hải quan.

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan Khánh Hòa - cho biết, từ tháng 1/2012, Hải quan đã phải mở đợt điều tra truy tìm chủ hàng của chiếc ụ nổi này. Hồ sơ ban đầu không phản ánh cụ thể chủ hàng ngoài một đại lý hàng hải thay mặt cho bên bán ở nước ngoài. Đến khi lần ra được tên đơn vị nhập khẩu thì công ty này lại thay đổi trụ sở.

 

Cũng theo Hải quan Khánh Hòa, có rất nhiều đối tác trong “phi vụ” Venture Dock 2 nhưng chưa thể cung cấp thông tin vì vẫn chưa điều tra xong.

 

Ụ nổi Venture Dock 2 dài 166,5m, cao 14m, đóng năm 1999 tại Indonesia, mang cờ Singapore nhưng quốc tịch Mông Cổ. Ụ nổi này có 5 cẩu, trong đó 2 cẩu 80 tấn, 2 cầu 70 tấn và 1 cẩu 100 tấn. Ụ đến vịnh Cam Ranh ngày 9/8/2008, trị giá lúc mua là 11,5 triệu USD.

 

Bà Trần Thị Hiền - Giám đốc Công ty CP Vận tải biển và thương mại Long Sơn (gọi tắt là Công ty Long Sơn, trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh), đơn vị nhập khẩu ụ nổi Venture Dock 2 - cho biết, mục đích ban đầu là tạm nhập - tái xuất nhưng không thành.

 

Công ty Long Sơn sau đó đã thống nhất bán lại ụ nổi Venture Dock 2 cho một công ty thứ 2 và năm 2010, công ty này đã hợp tác với Vinashin Cam Ranh để khai thác ụ nổi. Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa đã không cho phép sử dụng ụ nổi tại vịnh Cam Ranh (vì ô nhiễm môi trường).

 

Được biết, Công ty Long Sơn đã vay tiền của một ngân hàng và lấy chính ụ nổi này thế chấp làm tài sản đảm bảo. Hiện nay, mỗi tháng ụ nổi này “ngốn” hơn 1,72 tỉ đồng tiền lãi ngân hàng (có thời điểm lên tới 4,6 tỉ đồng/tháng) và hơn 60 triệu đồng tiền phí neo đậu.

 

Thông tin từ Cảng vụ Nha Trang, kể từ ngày vào đậu tại vịnh Cam Ranh đến nay, chủ sở hữu của ụ nổi vẫn chưa đóng phí neo đậu.

 

Trịnh Anh