1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lũ lớn do mưa hay thủy điện xả lũ “có vấn đề”?

(Dân trí) - Tại Huế, trong gần 1 tháng mưa bão vừa qua, có thể thấy thủy điện Hương Điền đã làm không đúng quy trình xả lũ trong một số thời điểm “dầu sôi lửa bỏng”.

Theo biểu đồ số liệu lượng nước đến và lượng nước đi tại thủy điện Hương Điền (TT-Huế) từ khoảng 18h-20h tối 15/11, lưu lượng nước đi luôn cao hơn lưu lượng nước đến, nằm trong khoảng từ 2.000-2.400m3/s – có nghĩa là xả lũ không đúng quy trình (xả lũ đúng quy trình thì lượng nước xả phải ít hơn hoặc cùng lắm là bằng lượng nước nhận vào hồ). Cũng thời điểm này, tại TP Huế cũng mưa rất lớn, từ 17h đến 19h mưa đến 185mm nên lũ lên rất nhanh.

Người dân Huế lội trong biển nước tối 15/11

Người dân Huế lội trong biển nước tối 15/11
Người dân Huế lội trong biển nước tối 15/11

Mực nước xả (màu vàng) cao hơn mực nước đến hồ thủy điện Hương Điền (màu xanh) trong khoảng từ 18h đến hơn 20h tối 15/11 (ảnh chụp từ web của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế)

Ông Trần Kim Thành, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế, cho hay, trước đó vào tối 14/11 thủy điện Hương Điền có thông báo bắt đầu điều tiết nước về hạ du để đón lượng mưa mới do đợt áp thấp sẽ gây ra vào ngày hôm sau. Nhưng thủy điện này không rút về được mực nước thấp nhất như kỳ vọng từ 58m xuống 56m (mực nước này so với ngưỡng tràn của thủy điện thấp hơn khoảng 2m), mà chỉ hạ xuống được 40 đến 50cm.

Thủy điện Hương Điền
Thủy điện Hương Điền

“Ngay sau đó, mưa bắt đầu lớn. Ở đồng bằng lớn hơn nhiều so với miền núi. Trong cả ngày ở TP Huế mưa phải đến hơn 400mm. Đến chiều tối ngày 15/11, do nước đến hồ thủy điện Hương Điền không giữ được nữa nên nước về bao nhiêu xả bấy nhiêu. Lúc này nó như một dòng sông tự nhiên, không có chức năng phòng lũ nữa” – ông Thành nói.

Tại Huế, 2 hồ thủy điện hiện đang hoạt động là Hương Điền và Bình Điền thì thủy điện Hương Điền “hung hãn” hơn khi nước từ thủy điện này đổ trực tiếp về thị xã Hương Trà rồi chảy về vùng rốn lũ huyện Quảng Điền, một phần chảy qua huyện Phong Điền. Hiện thủy điện này không có dung tích phòng lũ.

Theo một lãnh đạo ở thị xã Hương Trà: “Do mưa kết hợp với thủy điện xả lũ nên toàn địa phương có 1.728 nhà bị ngập từ 0,2 đến 0,7m; đường bị ngập đến 50km với mức từ 0,3 đến 1,5m cùng 40 hecta hoa màu bị ngập trắng”. Ông Hoàng Công Phong, PCT xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền trong sáng 16/11 đã nói với PV rằng đợt lũ này cao hơn đợt lũ trước. Nước lũ cũng tấn công xã Phú Mậu, huyện Phú Vang với mức ngập gần cả mét ở ngay tại trụ sở ủy ban xã.

Nước sông dâng lên làm ngập phố cổ Bao Vinh (TX Hương Trà) sáng 16/11

Nước sông dâng lên làm ngập phố cổ Bao Vinh (TX Hương Trà) sáng 16/11

Nếu khách quan, trong trận lũ do áp thấp nhiệt đới gây ra vào cuối tuần qua thì nguyên nhân chính theo ông Trần Kim Thành nói là vẫn do mưa quá lớn. Nếu mưa như tối 15/11 đó mà kéo dài chỉ thêm 6 tiếng đồng hồ nữa thôi thì khả năng một trận lũ lịch sử như năm 1999 tái diễn ở Huế. Nhưng việc thủy điện “chần chừ” xả lũ trước khi mưa về, hiểu sâu xa là “đụng” vào bài toán kinh tế của họ. Thủy điện thường “đóng góp” việc cắt lũ vào cuối mùa không lớn vì nước lúc này đã đầy.

Hiện Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế đang chuẩn bị kiến nghị lên Bộ Công thương xem xét lại để điều chỉnh quá trình vận hành của thủy điện Hương Điền, và bố trí dung tích phòng lũ cho thủy điện này. Vì qua những trận bão, lũ vừa qua tại đây có “vấn đề”.

Trong đợt chuẩn bị đối phó với bão số 11 (Nari) sắp vào, Chủ tịch tỉnh TT-Huế đã lên kiểm tra thủy điện Hương Điền vào sáng 14/10. Tại đây, đã phát hiện thủy điện này không chịu xả nước trước để đón lũ. Mức nước phải xả xuống được yêu cầu trước đó là 56m (thấp hơn 2m so với ngưỡng là 58m). Nhưng kiểm tra lại thấy mức nước vẫn ở mức 57,9m. Đoàn đã lập biên bản nhắc nhở nhà máy thủy điện này và buộc hạ về mức 56m ngay trong chiều để đón lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du lẫn an toàn hồ đập.

Nước sông dâng lên làm ngập phố cổ Bao Vinh (TX Hương Trà) sáng 16/11
Ông Nguyễn Văn Cao (áo xanh đậm) kiểm tra thủy điện Hương Điền sáng 14/10 đã thấy thủy điện này không xả nước về hạ du trước bão như tỉnh đã quy định

Gần đây nhất là vào ngày 7,8/11, mặc dù trời khô ráo nhưng vùng Hương Trà và Quảng Điền lũ bỗng dâng cao bất thường đột ngột, làm người dân không kịp trở tay. Một nhóm học sinh đến trường vào trưa 7/11 đã bị cuốn trôi. 3 trong số 4 em được cứu sống, em còn lại bị tử vong. Rồi một ghe đi chở bún cũng bị lật giữa dòng nước ngoài ruộng làm 2 mẹ con bị chết tức tưởi. Đối chiếu số liệu tại các thủy điện 18h tối 8/11thì đã xả không đúng quy trình, quá cao so với mực nước về hồ, cụ thể thủy điện Hương Điền xả lũ với lưu lượng 1.317 mm (lưu lượng nước đến hồ là 297 mm); thủy điện Bình Điền xả 305,6 mm (lưu lượng nước đến hồ là 129,2mm). Trước đó từ 20h tối 7/11, theo biểu đồ xả nước thì thủy điện Hương Điền đã luôn luôn xả hơn lượng nước đến hồ.

Nước xả về hạ du luôn lớn hơn lượng nước đến trong hồ Hương Điền từ tối mùng 7 đến ngày 8/11
Nước xả về hạ du luôn lớn hơn lượng nước đến trong hồ Hương Điền từ tối mùng 7 đến ngày 8/11

“Thủy điện chỉ điều tiết tốt trước khi có bão lũ, chứ trong khi lũ thì không còn ý nghĩa nữa vì hầu như hồ nào cũng có lưu lượng đến bằng lưu lượng đi, nó như một dòng sông vậy. Một yếu tố khác là công tác dự báo. Làm sao dự báo chính xác hơn nữa. Vì đã có một số lần, dự báo và việc thủy điện xả nước trước khi lũ không khớp với nhau. Như dự báo mưa lớn đến 300, 400 mm, thủy điện cứ thế xả nước hơn 300mm để chờ mưa. Tuy nhiên thực tế nước về lại rất ít, chưa tới 100mm và ngược lại. Điều này làm đau đầu các nhà đầu tư thủy điện vì lợi ích kinh tế của họ.

Nhưng dù thế nào, thủy điện cũng phải có trách nhiệm với dân địa phương. Phải phối hợp, tham gia cùng với chính quyền để xây dựng một hệ thống cảnh bảo sớm cho người dân, để đụng lỡ xả nước ban đêm thì dân còn biết” - Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN TT-Huế cho biết thêm.

Đợt lũ vừa qua, tỉnh Bình Định là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề cả người về của. Tính đến chiều hôm qua, Bình Định đã có 17 người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị ngập lũ, trong đó có nhiều ngôi nhà bị sập do lũ. Thiệt hại ban đầu ước tính lên đến hơn 1.800 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Phú (phải) khẳng định hồ Định Bình vận hành đúng quy trình
Ông Nguyễn Văn Phú (phải) khẳng định hồ Định Bình vận hành đúng quy trình

Con số thống kê thiệt hại do lũ gây ra quá lớn, có nhiều nhận định cho rằng, trong thời gian ngắn lượng mưa không thể gây ngập lụt lớn đến vậy. Người dân Bình Định không đặt nghi vấn cho thủy điện mà cho rằng hồ thủy lợi Bình Định xả lũ; chỉ có thể do xả lũ nước mới nhanh và mạnh đến vậy.
 
Bà Nguyễn Thị Vui (75 tuổi, phường Bình Định) cho biết: "50 năm qua tôi chưa từng chứng kiến trận lũ nào lớn đến vậy. Lũ về trong đêm quá bất ngờ, nước lũ lớn ngập nhà trở tay không kịp, đồ đạc trong nhà bị ngập nước hư hỏng. Tôi nghĩ nếu hồ không xả lũ thì sao nước to đến vậy, trong khi thời gian mưa to cũng rất ngắn".

Trong chiều hôm qua, trong khi nước lũ vẫn còn gây ngập nhà dân ở một số vùng của thị xã An Nhơn, Tuy Phước, người dân vẫn hoang mang, nhốn nháo hỏi nhau có phải hồ thủy lợi Bình Định xả lũ không để biết đường ứng phó.

Lũ về nhanh, bất ngờ, nhiều nhà dân bị sập
Lũ về nhanh, bất ngờ, nhiều nhà dân bị sập
Trưa 18/11, nhiều vùng dân cư vẫn bị cô lập do lũ
Trưa 18/11, nhiều vùng dân cư vẫn bị cô lập do lũ

Liên quan đến tình trạng ngập lụt và nghi vấn xả lũ nói trên, ngày 18/11, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác các công trình thủy lợi Bình Định, khẳng định, việc vận hành hồ thủy lợi Định Bình trong những ngày trước và sau lũ đều hợp lý.

Theo đó, từ ngày 15 đến 20/11, hồ Định Bình cho phép bắt đầu trữ nước từ 70 đến 90 triệu m3. Trong khoảng thời gian để khoảng 100 triệu khối nước thì 6 cửa tràn xả mặt mở hoàn toàn, 6 cửa đáy đóng. Nhưng khi mưa lớn trong các ngày từ 14-16/11, nước bắt đầu tăng và tự do qua tràn. Khoảng 3 giờ ngày 15/11 qua 181m3/s đến 13 chiều cùng ngày lưu lượng tăng 3.861m3/s, tốc độ nước tăng là 0,5m/h, thời điểm cao nhất là 0,95m/h. Tương đương nước qua tràn từ 91m3/s lên 2.020 m3/s; 4 tiếng sau nước qua 6 tràn đạt đỉnh 2.772 m3/s.

Thời điểm này cao trình nước trong hồ là 88,06m, dung tích đạt 180 triệu m3. Từ 18 đến 20 cùng ngày lượng mưa giảm 1.518 m3 nên công ty xin phép Sở Nông nghiệp, Chị cục thủy lợi, UBND tỉnh đóng 1 cửa, cho đến 14 giờ chiều ngày 16/11, đóng cửa số 5, lúc này lựu lượng nước về hồ giảm còn 756 m3/s, lưu lượng nước đi qua tràn là 340 m3/s.

Băn khoăn về việc thời gian mưa ngắn mà nước lũ quá lớn khiến người dân không kịp trở tay, ông Phú chia sẻ: “Do lưu lượng mưa lớn, cường độ mưa lớn, lưu lượng mưa phía sau hồ quá lớn. Thứ 2, bụng hồ Định Bình không có (hẹp) nên nước lũ về quá nhanh và đi cũng quá nhanh. Còn quy trình điều tiết, vận hành hồ diễn ra đúng quy trình. Hoàn toàn không có việc xả lũ mà nước qua tràn tự điều tiết”.
 

Trong khi đó tỉnh Quảng Ngãi cũng khẳng định lũ lớn là do mưa. Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 117 hồ chứa thủy lợi (98 hồ nước qua tràn) và 3 thủy điện. Trong đó 3 thủy điện gồm Hà Nang (huyện Trà Bồng) chỉ đạt 65% dung tích thiết kế, thủy điện Đăckring (Sơn Tây) nước đã qua tràn tự do vì chưa đóng van hoạt động và Nước Trong (Tây Trà) có tổng lưu lượng 2.400m3/s (lưu lượng xã qua tràn là 1.500m3/s và điều tiết tích lại trong hồ là 500m3/s).

 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Tùng – Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây khẳng định: “Trên địa bàn huyện chỉ có thủy điện Đăckring nhưng chưa đưa vào hoạt động, khi lũ ập về thì nước lũ đã tràn qua hồ chứa. Sáng hôm đó khi tôi lên huyện họp thì nước vẫn chưa có gì, đến lúc trưa thì nước chảy như sông trên các con đường ở huyện miền núi này. Theo tôi, nước lũ nhiều là do lượng mưa quá lớn”.
 
Người dân sống trên mái nhà chờ lũ rút (Ảnh: Hồng Long)

Người dân sống trên mái nhà chờ lũ rút (Ảnh: Hồng Long)

 

Ông Huỳnh Chánh - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa - nói: “Tôi khẳng định do lượng mưa lớn, nước từ thượng nguồn ào ạt đổ về con sông Vệ và nhấn chìm hàng loạt nhà dân trong tích tắc”.

 

Qua thống kê, trận lũ lịch sử làm 12 người chết (huyện Nghĩa Hành 3 người, Sơn Tịnh 1 người, Tư Nghĩa 5 người, TP Quảng Ngãi 2 người và Mộ Đức 1 người), 4 người mất tích, 46 người bị thương. Về tài sản, mưa lũ cuốn trôi 204 căn nhà, tốc mái 272 nhà, 167 điểm sạt lở, 1.880m tường rào bị sập đổ và 101.585 căn nhà bị ngập nước. Ngoài ra, có 52 điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 1A và 24 và hàng ngàn ha cây trồng bị tàn phá.

 

Hiện nay, toàn tỉnh đã khẩn cấp cứu trợ đến người dân với 10.000 tấn gạo, 50.000 thùng mì tôm, 200.000 lít nước uống, thuốc chữa bệnh (200 cơ số), thuốc khử trùng và sát trùng loại CloraminB bột (5.000 kg), CloraminB viên (50.000 viên) và Benkocid (2.000 lít).

 

Cùng về vấn đề này, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng, khẳng định, đợt lũ xảy ra vừa qua trên địa bàn thành phố là do mưa lớn, thủy điện đã thực hiện đúng quy trình xả lũ. So với các địa phương khác, lũ ở Đà Nẵng không lớn.

Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung – Tây Nguyên, có 19/56 xã phường bị ngập của các quận, huyện Hoà Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, trong đó có 30 thôn bị ngập hoàn toàn, 35 thôn bị ngập một phần.

Đợt mưa lũ vừa qua khiến nhiều xã của huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng bị ngập
Đợt mưa lũ vừa qua khiến nhiều xã của huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng bị ngập

Ông Thắng khẳng định lũ không phải do thủy điện xả lũ. Cụ thể, đợt mưa vừa rồi ở nhánh sông Bung mưa ít nên thủy điện A Vương xả lũ ít, chỉ xả ở mức 200m3/s, cao nhất là 800m3/s. Trong khi đó, mưa lớn tập trung ở phía Nam nên thủy điện Đắk Mi 4 xả lớn hơn với 3.900m3/s.

“Khi chuẩn bị có mưa, trước đó các nhà máy thủy điện cũng đã xả lũ. Khi lũ về, họ có xả theo lưu lượng đến bao nhiêu thì xả bấy nhiêu, chứ không xả hơn. Và trước khi xả, họ cũng đã báo cho các địa phương biết để có phương án chủ động triển khai công tác phòng chống, ứng phó với lũ“, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, nguyên nhân xảy ra đợt lũ này là do khi ngày 15/11, lũ tràn về đồng bằng thì từ 1h đến 12h ngày 16/11, lượng mưa ở dưới đồng bằng lớn. Cụ thể, tại Cẩm lệ: 250mm, Đà Nẵng: 200mm, Ái Nghĩa: 200mm.

Theo công điện của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng ngày 15/11 gửi Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, sở, ban, ngành cho biết, thời điểm đó các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia bắt đầu xả. Thủy điện Đắk Mi 4 bắt đầu xả tràn từ ngày 13 – 15/11. Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý dự án thủy điện Đắk Mi 4 thì từ 9h – 11h ngày 15/11, xả tràn từ 500 – 1.500m3/s; từ 11h – 13h30 ngày 15/11, xả tràn từ 1.500 – 3.000m3/s và từ 13h30 ngày 15/11, xả tràn về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng từ 3.000 – 4.500m3/s. Thông báo của Công ty cổ phần thủy điện A Vương, thủy điện A Vương sẽ xả tràn với lưu lượng 35 – 400m3/s kể từ 16h ngày 15/11.

Đại Dương - Doãn Công - Hồng Long - Khánh Hồng