1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ tăng cường sức mạnh hải quân

(Dân trí) - Ấn Độ vừa tuyên bố chi hàng tỷ USD để mua một loạt tàu đổ bộ cỡ vừa và cỡ lớn. Đây là một động thái nữa trong chiến lược tăng cường sức mạnh của hải quân của nước này để bảo vệ sân sau Ấn Độ Dương.

 
Ấn Độ tăng cường sức mạnh hải quân - 1

Tàu sân bay INS Viraat của Ấn Độ.

“Điểm danh” những tên tàu chiến

Chính phủ Ấn Độ vừa thông qua kế hoạch mua 8 tàu đổ bộ cỡ vừa với tổng chi phí 21,76 tỷ rupi (khoảng 480 triệu USD). Chiếc đầu tiên sẽ được hạ thủy trong 3 năm tới.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng đang hoàn thiện khâu cuối cùng của dự án mua sắm 4 tàu đổ bộ cỡ lớn với tổng giá trị khoảng 160 tỷ rupi (gần 4 tỷ USD). Tàu đổ bộ cỡ vừa và cỡ lớn có khả năng giúp vận chuyển nhanh chóng hàng nghìn binh lính và vũ khí hạng nặng cũng như các xe chở bộ binh vượt khoảng cách dài để tấn công thẳng vào lãnh thổ đối phương.

Những năm gần đây, Hải quân Ấn Độ đã đưa vào biên chế 3 tàu đổ bộ cỡ lớn như INS Airavat có khả năng chở 10 xe tăng, 11 xe tải quân sự và 500 lính.

Trước đó, Ấn Độ đã đưa vào biên chế tàu đổ bộ cỡ lớn INS Jalashwa với lượng dãn nước 16.900 tấn và 6 máy bay lên thẳng UH-3H Sea King chở quân mua từ Mỹ với tổng chi phí 88 triệu USD năm 2007. Chiếc Jalashwa thứ hai hiện đang được hiện đại hóa sẽ tạo cho Hải quân Ấn Độ các khả năng di chuyển chiến lược trên biển bởi tàu này có thể chở 4 tàu đổ bộ cỡ nhỏ, 6 máy bay lên thẳng và một tiểu đoàn có biên chế 1.000 lính hoặc một phân đội xe tăng.

Ngoài ra, hải quân Ấn Độ hiện mới chỉ có 1 tàu sân bay nhưng đã có kế hoạch tăng lên thành 4 tàu trong thời gian tới. Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ hoàn thành việc tự chế tạo tàu sân bay trong tháng 12/2011 tới trong khi sẽ nhận tàu khác từ Nga trong tháng 12/2012.

Bên cạnh đó, New Delhi cũng đẩy nhanh kế hoạch tự sản xuất và mua thêm một số tàu ngầm và tàu khu trục từ nước ngoài. Từ tháng 4/2010, Ấn Độ đã đưa vào sử dụng tàu khu trục INS Shivalik được trang bị công nghệ tàng hình và sắp sửa hoàn thành chiếc tàu thứ 2 ngay trong tháng 8/2011.

Hải quân Ấn Độ cũng đã lên kế hoạch từ nay đến năm 2022 sẽ mua số lượng máy bay chiến đấu và trực thăng trị giá 7,5 tỷ USD.

Các phương tiện truyền thông cho rằng hải quân Ấn Độ đang chuyển trọng tâm từ kiểm soát phía tây, đối phó với Pakistan, sang kiểm soát phía đông và quần đảo Andaman. Các tàu ngầm hạt nhân của nước này sẽ được bố trí ở phía đông, cùng với các tàu khu trục tên lửa dẫn đường, các tàu khu trục nhỏ và máy bay tuần tra biển.

Những lo ngại của New Delhi

Hải quân Ấn Độ, vốn lo ngại về những gì nước này coi là sự bao vây của Trung Quốc ở trên biển, đang phát triển sâu rộng các mối quan hệ về quốc phòng với các nước trong khu vực trong khi không ngừng tăng cường sức mạnh cho lực lượng của mình.

Theo nhà nghiên cứu Ấn Độ Rajat Pandit, Ấn Độ đang xây dựng lực lượng quân sự mạnh trên 572 đảo để đối phó với các động thái chiến lược của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương, đồng thời bảo đảm an toàn cho các tuyến hàng hải kéo dài tới eo biển Malacca. Ấn Độ đang quan tâm nhiều hơn đến Biển Đông và khu vực Đông Á vì lợi ích chiến lược của mình, trong đó có nhu cầu bảo vệ quyền tự do đi lại trên các tuyến hàng hải quốc tế và hợp tác chống hải tặc.

Tháng trước, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại về việc Liên hiệp quốc cho phép Trung Quốc thăm dò và khai thác khoáng sản vùng đáy biển quốc tế ở Ấn Độ Dương. New Delhi sợ rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng quyền này để biện minh cho việc triển khai tàu chiến trong khu vực. Cơ quan Tình báo Hải quân Ấn Độ (DNI) cảnh báo sự kiện này có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng đối với Ấn Độ, bởi vì “Trung Quốc có thể đưa ra những lý do để duy trì sự hiện diện liên tục trong vùng biển này”.

Để thực hiện tham vọng khai thác khoáng sản đáy biển, từ năm 2002, Bắc Kinh đã tiến hành một chương trình nghiên cứu chế tạo tàu lặn. Báo chí Trung Quốc cho biết tàu lặn Giao Long đã xuống được độ sâu 5.000 mét (mục tiêu của giới chuyên gia Trung Quốc là tàu Giao Long có thể lặn ở độ sâu 7.000 mét).

Cho dù Bắc Kinh tuyên bố tàu lặn Giao Long chỉ hoạt động vì mục đích dân sự, nhưng theo các chuyên gia quân sự nước ngoài, loại tàu này có thể được dùng vào việc can thiệp hoặc cắt cáp truyền thông dưới đáy biển, truy tìm vũ khí của nước ngoài hoặc sửa chữa, cứu hộ tàu ngầm.

Mới đây, Trung Quốc tuyên bố chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên trong lịch sử hải quân nước này đã hoàn tất cuộc chạy thử ra biển lần đầu tiên. Ấn Độ thể hiện sự lo ngại đặc biệt, cho rằng tàu Varyag trong tương lai sẽ được triển khai tới Ấn Độ Dương, vùng biển “sân sau” của nước này. Tuy nhiên, New Delhi cho rằng việc này sẽ còn phải mất thêm một thời gian và họ sẽ tận dụng khoảng thời gian đó để tăng cường sức mạnh hải quân

Trong vài năm gần đây, lực lượng quân đội Ấn Độ đã tăng cường các cuộc diễn tập nhằm nâng cao kỹ chiến thuật tác chiến đổ bộ cũng như khả năng tấn công chớp nhoáng bằng đường biển vào lãnh thổ kẻ thù.

Ấn Độ cũng thận trọng tăng cường sự hiện diện của mình trên Biển Đông, nơi mà sáu quốc gia, trong đó có Trung Quốc, đều tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, theo quan điểm của Bắc Kinh, quân đội Ấn Độ đã mở rộng phạm vi hoạt động của họ về phía tây sang Vịnh Persian và về phía đông sang Eo biển Malacca, bao bọc các tuyến đường biển then chốt mà 3/4 lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua.

Nguyễn Viết
Tổng hợp