1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình:

Xuân nồng ấm Eo Bù - Chút Mút

(Dân trí) - Già làng Hồ Vơn tự hào nói với tôi rằng: Không chỉ cho người Vân Kiều được phép mang họ Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khuyên răn bà con phải phấn đấu đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Người đủ ăn phải giúp đỡ người khó khăn để cùng nhau vươn lên…”.

Nhờ học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ, những năm trở lại đây, bản Eo Bù -Chút Mút ở xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) không có hộ nào đói ăn, đứt bữa; hộ khá, hộ giàu không ngừng tăng lên…

Eo Bù - Chút Mút đang rộng mở

Những ngày cận Tết cổ truyền năm 2013, chúng tôi theo đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Quảng Bình do đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu cùng đại diện lãnh đạo chủ chốt của một số sở, ban ngành sang thăm và làm việc tại nước bạn Lào.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài kiểm tra tiến độ thi công đường 565

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài kiểm tra tiến độ thi công đường 565

Sau chuyến thăm và làm việc, hai bên đã đi đến thống nhất, phía tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục nâng cấp tuyến đường 16 lên cửa khẩu Chút Mút - Lả Vơn. Cùng đó, hai tỉnh tập trung đề xuất Chính phủ hai nước sử dụng vốn viện trợ Việt Nam dành cho Lào để xây dựng đoạn đường phía tỉnh Savannakhet; trên cơ sở đó, kiến nghị Chính phủ hai nước cho phép mở cửa khẩu...

Trở về sau chuyến đi, chúng tôi khẩn trương lên đường để đến với bà con bản Eo Bù - Chút Mút nơi xã miền biên Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) để thực hiện đề tài ấp ủ viết bấy lâu nay.

Còn nhớ cách đây 5 năm về trước, chúng tôi đã từng đi trên tuyến đường này để đến với bản Eo Bù - Chút Mút. Thật đáng sợ với sự gồ ghề, hiểm trở của một con đường chiến lược trong những năm kháng chiến chống Mỹ sau một thời gian dài ít được duy tu, sửa chữa… Dọc theo tuyến đường này, bởi có khá nhiều khe, suối băng ngang nên hễ có trận mưa lớn là đường bị sạt lở, chia cắt thành nhiều đoạn. Đó chính là rào cản rất lớn cho những cán bộ, người dân khi lưu thông trên tuyến đường.   

Trở lại Eo Bù - Chút Mút lần này, tuyến đường 16 đang trong thời gian cải tạo, nâng cấp. Mặc dù chưa được rải nhựa, bê tông hóa, nhưng các đơn vị thi công phía tỉnh Quảng Bình cũng đã khẩn trương bạt núi, đắp nền cấp phối đến sát cột mốc biên giới Việt - Lào (chỉ cách cột mốc chừng 5 km).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, về phía huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào), chỉ cần thi công thêm khoảng 20 km nữa là có thể kết nối được với tuyến đường nói trên. Dự án cải tạo, nâng cấp đường 565 (tức đường 16 cũ) mới đây có tổng chiều dài toàn tuyến là 72 km (từ ngã ba Cam Liên đến biên giới Việt - Lào), với tổng mức đầu tư trên 894 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Công trình này được khởi công vào tháng 1/2011, dự kiến thời gian thi công là 24 tháng. Đường lên Eo Bù - Chút Mút đang rộng mở. Triển vọng sẽ có thêm một cửa khẩu quốc tế tại khu vực phía Tây huyện Lệ Thủy đã dần được hiện thực hóa. Đây chính là “cơ hội vàng” để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế cũng như tạo đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội… giữa các nước ASEAN với nhau. Và niềm vui lớn nhất đối với người Vân Kiều bản Eo Bù - Chút Mút trong một ngày không xa, đó là sự giao thương giữa bản với miền xuôi sẽ thuận lợi hơn rất nhiều… 
Một ngôi nhà sàn khang trang ở bản Eo Bù - Chút Mút

Một ngôi nhà sàn khang trang ở bản Eo Bù - Chút Mút

Khởi sắc nhờ làm theo lời Bác

Đã bước sang cái tuổi 74 tuổi, nhưng dáng hình già làng Hồ Vơn, bản Eo Bù - Chút Mút trông vẫn chắc nịch như cây lim, cây táu cổ thụ trong rừng. Trí tuệ của già bản Hồ Vơn hãy còn minh mẫn lắm. Già Vơn giúp chúng tôi hiểu thêm về lịch sử của bản: “Người dân bản miềng (mình) đa số có gốc gác ở các huyện phía tỉnh Quảng Trị. Chiến tranh khốc liệt, một số người Bru - Vân Kiều đã di cư khắp dãy Trường Sơn để tránh bom đạn và cùng với bộ đội ta đánh đuổi đế quốc Mỹ. Đất nước thống nhất, một nhóm người Vân Kiều đã kéo nhau về định cư tại vùng Eo Bù, cách địa điểm này hơn 10 km. Năm 1992, do một trận lũ lớn làm trôi nhiều ngôi nhà ở bản, mọi người buộc phải di cư sâu vào vùng Chút Mút (giáp với biên giới Việt - Lào) và lập nên bản Eo Bù - Chút Mút đến tận hôm nay…”.

Bí thư Chi bộ Eo Bù - Chút Mút Hồ Văn Thầm tiếp lời: “Con chim rừng bay mãi sẽ mỏi cánh, con hươu, con nai… chạy lắm thì chồn chân. Người Vân Kiều du canh du cư mãi cũng mệt mõi lắm; cái đói, cái nghèo lại bám riết theo nhiều mùa rẫy. Sau khi chọn được vị trí địa lý “đắc địa” đất tốt, màu mở… dân bản chúng tôi quyết định cần phải an cư thì mới lạc nghiệp được. Chính định canh canh định cư đã giúp chúng tôi có được cuộc sống thực sự ấm no, cái đầu “sáng” hơn trước nhiều. Chủ động được cái ăn, những người Eo Bù - Chút Mút liền nhớ ngay đến lời căn dặn của Bác Hồ trước đây để áp dụng vào cuộc sống…”.
Một ngôi nhà sàn khang trang ở bản Eo Bù - Chút Mút
Người Vân Kiều bản Eo Bù-Chút Mút đang triển khai vụ lúa đông- xuân 2012 - 2013       

“Đất nước không còn chiến tranh, xã hội ngày một phát triển đi lên, “Rừng vàng, biển bạc”…, dân bản chúng tôi sống giữa “mỏ vàng” mà không tự mình vươn lên thoát nghèo thì xấu hổ với Đảng, với Bác Hồ lắm…”, Hồ Văn Thầm bày tỏ quyết tâm.

Những năm trở lại đây, bà con Vân Kiều bản Eo Bù - Chút Mút đã học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ bằng cách động viên nhau hăng hái thi đua lao động sản xuất; hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống với quyết tâm không để xảy ra tình trạng đói ăn, đứt bữa. Giữa đại ngàn Trường Sơn hun hút, cách thức học tập và làm theo lời Bác Hồ của bà con cũng rất giản dị nhưng thật hiệu quả. Tất cả con em trong bản đều được người dân cho đến trường học chữ đúng độ tuổi; không có tình trạng người dân vi phạm pháp luật nghiêm trọng; các hủ tục mê tín dị đoan dần được đẩy lùi. Hàng năm, người dân nơi đây rất tích cực phối hợp với lực lượng bộ đội để bảo vệ tốt chủ quyền an ninh biên giới, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tìm hài cốt liệt sĩ…
Con em bản Eo Bù - Chút Mút chăm chỉ đến trường học chữ Bác Hồ
Con em bản Eo Bù - Chút Mút chăm chỉ đến trường học chữ Bác Hồ

Để minh chứng cho lời Bí thư Chi bộ Hồ Văn Thầm là có cơ sở, Trưởng bản Eo Bù -Chút Mút Hồ Văn Bằng hồ hởi khoe: Toàn bản hiện có 44 hộ, với 213 nhân khẩu. Trước năm 2005, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, bản Eo Bù-Chút Mút đã xây dựng được một mô hình trồng lúa nước với diện tích gần 4 ha và duy trì tới hôm nay. Trồng được lúa nước 2 vụ/năm nhưng người Eo Bù - Chút Mút vẫn cần mẫn khai hoang thêm 8 ha đất rẫy để trồng các loại lúa, nếp rẫy; rau màu như ngô, sắn, lạc, ớt, đậu xanh, cà, chuối… Bên cạnh đó, toàn bản phát triển chăn nuôi được gần 100 con trâu, bò cùng hàng ngàn con gà thẻ vườn. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng, các hộ dân trong bản đã kiếm thêm thu nhập chừng 15 triệu đồng/hộ/năm từ việc lấy mật ong, hái nấm lim, đánh bắt cá, tôm ở khe suối…

Có của ăn của để, đến thời điểm này, hơn 70% hộ dân đều tích cóp tiền của để cùng với Nhà nước kiên cố hóa nhà ở một cách kiên cố, khang trang. Mặc dù tuyến đường 16 chưa được rải nhựa nhưng khoảng 80 % hộ đã sắm được phương tiện xe máy, trong đó có nhiều chiếc xe máy trị giá trên 30 triệu đồng… Hồ Văn Bằng cao giọng: Nếu được Đảng, Nhà nước quan tâm cấp đất sản xuất lâm nghiệp cho bà con trồng rừng, chục năm sau, khi đường vào bản được nhựa hóa, nhiều hộ ở bản sẽ sắm được cả ô tô xịn chứ chẳng đùa.

Chia tay bà con dân tộc Bru – Vân Kiều ở xã Lâm Thủy, chúng tôi cưỡi xe máy “rồng rắn” rời bản Eo Bù - Chút Mút sau một trận mưa rào trên tuyến đường 16 trơn trượt. Hai bên tuyến đường 16, những vạt hoa rừng đang nở hoa khoe sắc rực rỡ báo hiệu một mùa xuân nữa lại về giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ…

Văn Minh - Đặng Tài