1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nối nhịp cầu Âm Dương

(Dân trí) - Nhiều người cho rằng, truyền thần chỉ đơn giản là vẽ phóng to lại một bức ảnh, mục đích chủ yếu là để phục vụ cho việc thờ cúng. Nhưng thực sự, có bước vào một cửa hàng truyền thần mới thấy, công việc của những người thợ ở đây còn nhiều hơn cả ở một cửa hàng ảnh kỹ thuật số.

Trong lòng phố cổ

 

Đến 47 Hàng Ngang, gặp ông Nguyễn Bảo Nguyên, một người có thâm niên trên 40 năm gắn bó với nghề truyền thần, được nghe ông kể về những bước thăng trầm của nghề mới thấy rằng “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” là như thế nào. Ông Nguyên vốn là họa sĩ vẽ tranh phong cảnh, tĩnh vật trước khi gắn bó với nghề truyền thần nên những gì ông vẽ lại không chỉ đơn thuần là việc chép một bức ảnh nhỏ thành một bức tranh lớn, mà nó còn chứa đựng cả tình cảm và cả một quá trình sáng tạo. Bức tranh của ông Nguyên tuy chỉ hiện lên dưới hai màu đen - trắng nhưng phải làm sao để đảm bảo đạt về độ sáng tối, bóng nắng, ánh mây, về sự hài hoà màu sắc trong màu da, mái tóc… thì ông Nguyên mới thấy đạt yêu cầu.

 

Khách hàng của ông Nguyên đa số là người lớn tuổi, đặt ảnh thờ cúng, hoặc vẽ lại ảnh thời trẻ để làm kỷ niệm. Trong ký ức của ông, vào những năm 60 đến 80 là thời kỳ “cực thịnh”, “huy hoàng” của nghề này. Người ta còn rủ nhau thành lập cả một “hợp tác xã truyền thần” để tụ hợp cùng làm nghề. Trên các dãy phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai… là một lọat hơn 50 cửa hiệu với hàng trăm hoạ sĩ, làm ngày làm đêm không hết việc.

 

Ông Nguyên vừa đưa từng nét bút, vừa thủng thẳng: “Hồi ấy chưa có điều kiện phóng ảnh, chụp kỹ thuật số như bây giờ nên chỉ có truyền thần là cách lưu giữ ảnh tốt nhất. Mặt khác, phần lớn liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh không có điều kiện để di ảnh lại, mà cần phải có ảnh thờ, nên ai cũng nâng niu quý trọng những sản phảm nghệ thuật mang tính thủ công hơn là những sản phẩm dập tay, máy móc”.

 

Giờ đây chẳng còn mấy người tha thiết với loại ảnh này, chỉ có đám thanh niên choai choai muốn vẽ lại chân dung mình treo trong nhà, thoả chí ngông nghênh. Thảng hoặc, cũng có dăm ba cậu trẻ trai đặt vẽ ảnh bạn gái mình để làm quà tặng, ông Nguyên cũng đáp ứng hết. Song dù có là ai, như thế nào thì một bức vẽ tượng trưng cho hai gam màu đen - trắng, trời - đất, âm - dương , ngày - đêm bất tận ấy đều mang chiều sâu của không gian, thời gian, tâm trạng… khiến cho người ta đều không khỏi suy ngẫm khi chiêm ngưỡng.

 

Một hoạ sĩ khác là ông Trần Thịnh (24 Hàng Đường) tuy ít hơn ông Nguyên về mặt tuổi đời lẫn tuổi nghề, nhưng cũng có những kinh nghiệm quý báu trong nghề không kém chút nào. Từ năm 13, 14 tuổi, ông Thịnh đã cầm bút phụ vẽ cho cha mình là ông Trần Sỹ Nghệ. Cái sự “vừa học chữ vừa học nghề” đã làm cho sự say mê ngấm vào máu ông từ khi nào không biết. Khi cơn lốc ảnh kỹ thuật số tràn vào, ông Thịnh đã suýt bỏ nghề để “dễ bề kiếm ăn” chuyển sang làm ảnh để đỡ đần vợ con sinh sống, nhưng rồi khi nhìn tận mắt cảnh: “Máy tính được cài chương trình làm việc sẵn, chỉ cần ấn nút là xong. Khuôn mặt đàn ông thì gắn áo dài khăn xếp, khuôn mặt phụ nữ thì mặc áo dài, cổ đeo chuỗi hạt… Nhìn vô cảm không thể tưởng được”. Thế là ông Thịnh quyết định: dứt khoát không bỏ nghề.

 

Đó chỉ là hai trong số ít ỏi những họa sỹ còn gắn bó với nghề truyền thần ở Hà Nội hiện nay. Bởi vì, dù có say mê và tâm huyết bao nhiêu thì truyền thần cũng không trở về với thời hoàng kim thuở trước được. Đã có bao nhiêu người bỏ cuộc, tìm kế mưu sinh bằng công việc khác. Tuy có những khách hàng của ảnh kỹ thuật số đã quay lại với truyền thần, nhưng các cửa hàng truyền thần vẫn ít đi, khách hàng truyền thần… lại là người nước ngoài thì có vẻ tăng lên (!). Với những người yêu nghề, đây thực sự chả phải là điều gì vui vẻ.

 

Gian nan những nẻo truyền nghề

 

Đã là người say nghề thì ai cũng mong được có người kế tiếp, nhất là con cháu trong nhà mình nâng niu giữ gìn. Truyền nghề truyền thần thực sự khó - dù chẳng có “bí quyết gia truyền” gì, mà cốt yếu nằm ở chỗ có lòng say mê.

 

Ông Nguyên, ông Thinh đều có con, có cháu theo nghề, nhưng sự bằng lòng chưa bao giờ thể hiện trên nét mặt. Những cô cậu bé “con nhà nòi” này khi sinh ra đã được “nghịch bút vẽ”, thầy giáo ở ngay trong nhà, kinh nghiệm nghề nằm ở ngay trong gia đình, nhưng vẫn thiếu cái gọi tên là đam mê. Mà nếu đi sâu vào phân tích thì không khó lắm để nhận ra rằng, họ chưa kịp đam mê thì những ồn ã, bụi bặm của phố phường, những tò mò, tác động của cuộc sống đã cuốn họ đi theo những cơn lốc ảnh nghệ thuật, chụp ảnh kiểu Hàn Quốc mất rồi.

 

Ông Nguyên bảo, “Bọn trẻ bây giờ chủ quan lắm, chúng không có những yêu cầu khắt khe về nghề. Chúng chỉ muốn làm cho nhanh, cho xong rồi thôi. Mà nghề này không thể làm qua loa, đại khái được”. Còn ông Thịnh, tuy ít nhiều, vẫn cố giữ sự lạc quan riêng: “Bọn trẻ nhanh nhẹn, sáng dạ, lại được tiếp xúc nhiều với sách báo, hội hoạ tiên tiến nên cũng có nhiều sáng kiến hay lắm. Chúng hơn hẳn thế hệ mình về sự tự tin, mà trước kia mình không có nên không dám làm, không có sáng tạo. Chỉ còn thiếu lòng say mê nữa thôi là chúng làm được việc”.

 

Điều cuối cùng, và quan trọng nhất: lòng say mê - một thứ mà người ta phải tự tạo, tự trang bị cho mình, thứ mà không một nhãn hiệu “gia truyền” nào có thể mang lại, thì những người trẻ đều còn đang thiếu.

 

Vậy nên mới thấy cảnh, ngày nối ngày, bên góc nhỏ với hai mảng màu đen - trắng, người họa sỹ già vẫn lụi cụi với từng chấm vẽ, nét bút. Xung quanh là những ồn ã của còi xe, khói bụi phố phường.

 

Hương Đinh