1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

GS Đặng Văn Chung:

Người thầy của nhiều thế hệ bác sĩ nội khoa (kỳ 2)

(Dân trí) - Nếu GS Tôn Thất Tùng là người thầy thuốc ngoại khoa tiêu biểu, thì trong lĩnh vực Nội khoa, GS Đặng Văn Chung giữ vai trò ấy. Ông để lại nhiều bộ sách “gối đầu giường” cho nhiều thế hệ thầy thuốc nội khoa ở nước ta.

Kỳ I: Quyết ở lại với Thủ đô giải phóng

Kỳ II: Chẩn đoán “thần kỳ” của nhà nội khoa bậc thầy

 

Chẩn đoán thần kỳ

Sáng hôm ấy, theo lệ thường, GS. Chung khoác áo choàng trắng, đeo ống nghe, đi thăm bệnh ở dãy nhà C, Bệnh viện Bạch Mai. Theo lời đề nghị của bác sĩ điều trị, Giáo sư dừng lại bên một bệnh nhân "đặc biệt" - một anh chàng béo tốt, hồng hào, khác hẳn những người bệnh gầy nhom trong phòng. Anh ta ngồi xếp bằng trên cái giường sắt, quanh mình bày một nải chuối tiêu đã bẻ mấy quả, một lọ đường, một hộp kẹo mở nắp và một gói bánh quy bơ.

- Sao anh không xếp những thứ lỉnh ca lỉnh kỉnh kia lên cái bàn con đầu giường, mà lại đem bày la liệt trên tấm vải trải giường trắng tinh mới giặt như thế này cho nó dây bẩn ra?

- Dạ, thưa Giáo sư, không kịp ạ!

- Không kịp cái gì nhỉ? Tôi chưa hiểu ý anh.

- Dạ, lúc em đói bụng ấy mà, với tay ra xa, không kịp lấy ạ!

- Thưa Giáo sư - bác sĩ điều trị nói rõ thêm - Anh này bị một chứng bệnh rất kỳ cục. Cứ một lúc lại... đòi ăn! Không có ngay lập tức một thứ gì đó ngòn ngọt cho vào bụng, là y như lên cơn co giật liền, bọt mép cứ sùi ra như người động kinh. Hàng phố gọi anh ta là... "ông háu ăn"! Đã có lần lên cơn, anh ta đập phá lung tung, người nhà cho là anh ta bị tâm thần phân liệt, đưa vào Khoa Thần kinh của viện mình...

Sau khi xem kỹ các kết quả chụp điện quang, xét nghiệm, Giáo sư Chung chậm rãi nói với người bác sĩ điều trị và anh chị em sinh viên lúc bấy giờ đang đứng quây tròn xung quanh:

- Đây có lẽ không phải là một ca tâm thần. Tôi nghĩ, anh này mắc phải một chứng bệnh mà từ trước đến nay chưa một người thầy thuốc nào phát hiện được ở miền Bắc nước ta, và có lẽ, trong toàn cõi Đông Dương. Ta cần kiểm tra xem...

Thời sinh viên, Đặng Văn Chung từng đọc trong một cuốn sách nào đó về bệnh hypoglycémie tumorale, chứng bệnh hạ đường máu do có khối u ở tuỵ. Nhưng, trong cả xứ Đông Dương trước kia, theo tài liệu lưu trữ, chưa người thầy thuốc nào gặp chứng bệnh đó. Có lẽ vì chẩn đoán quá khó, nên bỏ qua chăng? Khối u nhỏ chỉ bằng hạt ngô, sờ nắn bên ngoài không có cảm giác gì khác thường; chụp điện quang cũng chẳng thấy!

Cách điều trị tạm thời là cho uống nước đường. Nhưng, muốn chữa khỏi hẳn thì phải mổ, cắt bỏ khối u đi. Tuy nhiên, ở nước ta, chưa ai mổ ca nào như vậy!

GS Chung nhờ một người bạn cũ của mình thời sinh viên, nay đã trở thành nhà phẫu thuật nổi tiếng thế giới: GS Tôn Thất Tùng. Nể bạn, GS Tùng nhận lời. Đường mổ khá sâu, thế mà khi cho ngón tay vào sờ nắn khúc đuôi của tuỵ, vẫn chẳng thấy khối u đâu cả! Thôi, đành khâu lại, "trả bụng" cho người ta! Chẩn đoán nhầm chăng? Không có lẽ! Ông Chung là người rất thận trọng cơ mà.

Một lần nữa, GS Tùng bóp kỹ khúc đuôi của tuỵ. Có cái gì cộm lên như hạt ngô thế nhỉ? Thôi, đúng nó đây rồi!

- Ái chà chà! Chẩn đoán thánh thật! Chỉ thiếu chút nữa là mình trách oan ông Chung!

Nhà phẫu thuật thở phào, lách mũi dao cắt bỏ ngay đoạn tuỵ có khối u trước khi "đóng bụng".

Người bệnh trở lại bình thường, không còn béo tốt như khi còn mắc bệnh "háu ăn". Anh lại làm nghề xén sách, đóng bìa.

Ngoài bệnh hạ đường máu do u tuỵ, GS Đặng Văn Chung còn phát hiện lần đầu tiên ở nước ta nhiều chứng bệnh hiếm thấy vào thời điểm ấy như: bệnh u ở tuyến thượng thận (pheochromocytome), bệnh Xếch-ken (Seckel), bệnh mất mạch (tức bệnh Takoyashu, tên nhà bác học Nhật lần đầu tiên tìm ra bệnh đó), bênh gút (goutte), v.v. Ông truyền kinh nghiệm lại cho đám học trò và rồi từ đấy việc phát hiện các bệnh ấy không còn khó nữa.

Nhiều nhà bác học nước ngoài như VS Ado, nhà dị ứng học Liên Xô; GS Francis Kan, nhà miễn dịch học Pháp; GS Verga Peter, chuyên gia hồi sức Hungary; v.v. đã đến thăm Bệnh viện Bạch Mai, làm việc với GS Đặng Văn Chung. Trước khi trở về nước, các ông đều nói lên cảm tưởng tốt đẹp của mình đối với nền Y học khá phát triển của Việt Nam ta và đánh giá cao tầm hiểu biết sâu rộng về nội khoa của GS Chung.

Ông chủ của những “cẩm nang” y khoa

Ngay từ những năm đầu sau ngày giải phóng Thủ đô, GS Đặng Văn Chung đã bắt tay biên soạn nhiều bộ giáo trình đại học như: Bệnh học nội khoa (hai tập), Điều trị học (hai tập). Hai bộ sách này được sửa chữa, bổ sung và in lại nhiều lần. Ông còn chỉ đạo bộ môn Nội, Đại học Y Hà Nội biên soạn cuốn Triệu chứng học nội khoa. Đó là những bộ sách được giảng dạy tại các trường đại học ở nước ta. Căn cứ vào đấy, các trường trung học y tế đã biên soạn thành những cuốn giáo trình đơn giản hơn để đào tạo y sĩ.

GS Đặng Văn Chung còn hợp tác với GS Trương Công Quyền biên soạn cuốn Tra cứu y - dược.

Ngoài ra, ông không quên dành thời gian để viết những cuốn sách phổ biến kiến thức y học dành cho công chúng rộng rãi, như: Giải đáp về tim - mạch, Sức khỏe và bảo vệ sức khoẻ, v.v. Bạn đọc bình thường, nhất là người lao động trí óc hay người cao tuổi (lớp người có nguy cơ cao trước các loại bênh tim - mạch gây nhiều tử vong, như tăng huyết áp đột ngột, xơ mỡ động mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, viêm nội tâm mạc cấp, v.v.) có thể tìm thấy nhiều điều bổ ích, thiết thực qua những cuốn sách phổ cập của ông. Đó không phải là loại tài liệu giáo khoa chuyên sâu, khó hiểu, hay là bản lược dịch, "xào xáo lại" tư liệu nước ngoài, mà là cả một "kho kinh nghiệm trị bệnh", là những lời tâm tình, khuyên bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện của một bậc thầy nội khoa từng trải, được diễn đạt bằng lối văn sáng tỏ, chuẩn xác mà cũng tinh tế, dí dỏm của một cây bút am tường văn hoá Pháp cũng như văn hoá Á Đông. Mỗi câu, mỗi chữ đều được cân nhắc, gạn lọc qua trải nghiệm bản thân, chứ không phải chỉ giản đơn "sắp xếp lại cho có đầu có đuôi" những gì người khác đã viết.

Tình hình sức khoẻ và bảo vệ sức khoẻ ở nước ta, cũng như trên thế giới, được Giáo sư trình bày đầy thuyết phục, từ góc nhìn hiện đại, với nhiều hiểu biết mới, cập nhật. Những ai chịu dành thời gian đọc kỹ cuốn sách ấy, đều cảm thấy vững tin hơn, bởi vì từ nay mình đã có trong tay "cẩm nang" để "làm chủ bản thân", biết phòng bệnh từ xa - ngay khi còn trẻ, khoẻ, bao chứng bệnh hiểm nguy như đột quỵ, ung thư, chảy máu não, đái tháo đường, xơ gan, sỏi mật, suy thận mạn, khớp mạn, thấp tim, v.v., những chứng bệnh đang hằng ngày rình rập khi mà môi trường quanh ta bị nhiễm độc nhanh chóng, trầm trọng.

Theo GS Phạm Khuê, "phó tướng" của GS Đặng Văn Chung, người từng nhiều năm giữ chức Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội Đại học Y Hà Nội, kiêm Phó Chủ nhiệm Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai, thì hầu hết các thầy thuốc nội khoa ở nước ta - từ các cán bộ giảng dạy đại học, trung học y - dược đến các bác sĩ điều trị tại các bệnh viện ở miền Bắc cũng như ở miền Nam - đều là học trò của GS Đặng Văn Chung; có người được học trực tiếp, có người học qua sách. Anh chị em tín nhiệm bầu ông làm Chủ tịch Hội đồng Nội khoa Việt Nam nhiều khoá.

Năm 2000, GS Đặng Văn Chung được Nhà nước ta phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về các công trình khoa học Y - Dược r (Còn nữa)

Box: Vừa làm công tác điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đa khoa lớn nhất miền Bắc, vừa giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Đại học Y - Dược Hà Nội, GS Đặng Văn Chung rất bận. Mỗi tuần bảy ngày thì cả bảy - không trừ chủ nhật - ông đều làm việc.

Hãy xem lịch khám bệnh của ông tại Bệnh viện Bạch Mai. Thứ hai: tim - mạch; thứ ba: hô hấp; thứ tư: nội tiết; thứ năm: máu và cơ, xương -khớp; thứ sáu: thận - tiết niệu; thứ bảy: tiêu hoá.

Sáng chủ nhật, ông khám bệnh tại Ban Bảo vệ sức khoẻ của thành phố Hà Nội. Chiều thứ ba và chiều thứ năm: khám bệnh ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Ngoài ra, mỗi tuần ông có hai buổi giảng bài cho lớp bồi dưỡng sau đại học.

Đó là chưa kể những buổi khám bệnh đột xuất cho một vài "bệnh nhân đặc biệt", như Chủ tịch Hồ Chí Minh hay các nhà lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...

Hàm Châu