1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Một ngày, đêm trên đảo Tuần Châu

(Dân trí) - Khu du lịch đảo Tuần Châu, một địa danh trở nên khá quen thuộc với nhiều người, không những bởi vị trí của hòn đảo rất đẹp - nhìn thẳng ra mặt vịnh Hạ Long, mà còn bởi nơi đây luôn được quảng cáo là thiên đường nghỉ dưỡng, là nơi có nhiều dịch vụ hoàn hảo…

Năm ngoái tôi đã từng cùng cả gia đình lên Tuần Châu ở mấy ngày và năm nay trong cái oi bức của mùa hè, chúng tôi lại lên Tuần Châu một lần nữa.

Lẫn lộn “5 sao” và “không sao”

Hôm đó là thứ bẩy, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội lúc 6 giờ sáng, đến hơn 9 giờ thì tới nơi. Đường lên Hạ Long có vẻ khá đẹp mặc dù người ta nói đó là đường do PMU18 làm chủ đầu tư. Tuy nhiên nếu để ý một chút sẽ thấy nền đường đã nhiều chỗ bị nứt ra, nhiều chỗ được vá víu lại.

Rẽ vào đảo Tuần Châu lần này tôi không ngờ con đường đẹp với 2 hàng cột sắt có xích hai bên đường lại bị tháo đi trông nham nhở rất xấu. Trên đảo Tuần Châu, ngoài khu Âu Lạc Resort 5 sao ra còn một số khách sạn khác cũng mới mọc lên. Toàn bộ phía trước khách sạn Pacific vẫn là một khu bãi biển đang xây dựng dở dang từ cả năm nay.

Hình như người ta xây rất vội vã rồi để đấy. Nếu có khác chăng là tôi thấy có thêm một đường kè nữa được làm sát bờ biển. Nhìn toàn cảnh Tuần Châu ngoài khu vui chơi và Resort Âu Lạc là được quy hoạch một cách hoành tráng, còn đa số các khu còn lại trên đảo đều khá nham nhở. Phía trên khu nghỉ dưỡng Viethouse có thêm một  khách sạn nữa đang được xây dựng, nhưng e chừng đến cả năm nữa vẫn chưa xong, bởi thấy gạch đá vẫn rất ngổn ngang.

Chỉ riêng hôm đó khách đến Tuần Châu đã lên đến vài ngàn người. Xe ôtô biển Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Sài Gòn... kéo đến kìn kìn. Người ở đâu túa xuống, mang theo đủ loại đồ ăn, thức uống, có người còn mang theo cả chiếu, nilông để tranh thủ nghỉ trưa cho lại sức.

Tuần Châu năm nay người ta đã quy hoạch chỗ để xe, mua vé vào khá quy củ. Vé vào cửa 15.000 đồng bao gồm cả tham quan, tắm biển và được… tráng nước ngọt miễn phí (trên vé ghi thêm). Với giá như vậy, nên Tuần Châu được ghi điểm khi phục vụ thêm giới bình dân.

Nhưng giữa khu bình dân bao gồm tắm biển, thăm thú và khu bên cạnh là Âu Lạc Resort 5 sao thì đẳng cấp lại khác hẳn. Hầu hết khách vào Tuần Châu chỉ bỏ ra 15.000 đồng và chơi thoải mái đến tận tối mới về, nhưng nếu ở Âu Lạc thì giá 1 phòng đôi được giới thiệu đã là 139 USD chưa tính thêm các chi phí khác.

Nhưng khách ở Âu Lạc muốn tắm biển cũng đành vượt qua cái barie chắn ngang đường để đi xuống bãi tắm chung với các loại khách 15.000 đồng. Một khách là VIP từ Hà Nội lên quen với tôi, khi định ra tắm biển ở khu “15 ngàn” thấy cả cái biển người cứ nhào lên lộn xuống, sợ quá đành quay về tắm ở bể bơi trong khách sạn.

Rác vứt vô tư

Vừa lên đến Tuần Châu, việc đầu tiên của chúng tôi là tranh thủ hít thở cái mùi vị mặn mòi của biển, một cái mùi rất đặc trưng, đủ làm người ta trút được hết mệt mỏi, lấy lại sinh khí. Đứng ở Âu Lạc cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, nhưng chỉ bước một đoạn ra bên ngoài đã thấy như lại trở về với thế giới ồn ào, bụi bặm.

Một tốp học sinh khoảng 40 em, tranh thủ ngồi ăn ngay gần bãi biển. Cả cô giáo lẫn học sinh đều vô tư xả rác xuống ngay dưới chân. Tôi thử hỏi một em: “Này cháu! Sao cháu lại vứt cả cái chai nước suối xuống đất thế?”. Im lặng. - “Thế cô giáo có dạy cháu là phải giữ gìn vệ sinh không?”. - Cháu không biết”. - “Thế cháu có thấy thế là không được không?”. - “Cũng bình thường”.

Cả tốp học sinh cười vang, cả cô giáo cũng cười. Ngay sát mép nước, tôi thấy một chị lao công rất cần mẫn nhặt rác. Trên tay xách một cái tải to, một cái kẹp rác ở tay kia, thế mà chỉ một loáng, túi rác đã đầy. Tuy nhiên rất nhiều người đã có cách vứt rác để không ai biết: Cho rác xuống bãi biển và vùi cát lên. Gần bàn tôi ngồi có một tốp ông bà chắc từ miền Nam ra vì nghe giọng nói. Họ mua khá nhiều đồ ăn và để khỏi phải chạy đi vứt rác xa, họ đào một cái hố và cho rác xuống, rồi lấy tay khoả một cái để cát phủ lên là xong.

Chúng tôi vào khu được coi là gây cảm giác mạnh nhất ở Tuần Châu, khu biểu diễn cá sấu. Có khá nhiều khách hồi hộp xem màn trình diễn cá sấu khá ấn tượng, nhất là cái màn chui đầu vào mồm cá sấu. Có khoảng hơn 100 khách vào xem, nhiều khách là người Trung Quốc. Khách xem rú lên với vẻ lo sợ thực sự.

Một ngày, đêm trên đảo Tuần Châu - 1
  

Màn biểu diễn cá sấu trên đảo Tuần Châu  

Sau màn biểu diễn cá sấu, chúng tôi lang thang trên khu đảo Tuần Châu suốt cả buổi chiều. Hầu như mọi thứ vẫn như năm ngoái. Khu siêu thị mini được thay bằng khu trò chơi của trẻ con, còn khu ẩm thực 3 miền thì vẫn vắng tanh, vắng ngắt khách vào. Người ta bắt đầu lại đục đẽo, đập phá cái khu siêu thị, chắc là để đổi mặt hậu thành mặt tiền. Đi theo con đường duy nhất để dẫn ra chỗ để xe, chốc chốc lại thấy một tốp người trải ni lông xuống đất và lăn quay ra ngủ.

Buổi tối tĩnh lặng

Ngoài các dịch vụ Spa mà giá cũng rất đắt ở Âu Lạc, gần như vào buổi tối ở Tuần Châu người ta chỉ có mỗi việc đi xem nhạc nước. Giá vé 50.000 đồng.

Nhạc nước là một cách biểu diễn mà vừa dùng nhạc vừa dùng sóng của nước để tạo thành một hiệu ứng hình ảnh, âm thanh rất cuốn hút. Buổi diễn trong vòng khoảng 45 phút thì kết thúc. Lúc đi đến khu nhạc nước, chúng tôi đi qua khu Restaurant có tên “Ngọc Châu”, một khu ẩm thực quá rộng rãi chứa được cả ngàn người một lúc nhưng gần như chẳng có mấy khách vào ăn.

Một người phục vụ nhìn chúng tôi đau đáu, nhưng cũng như rất nhiều du khách khác (chỉ vào khu Tuần Châu theo ngả 15.000 đồng) chúng tôi cũng chỉ dạo qua Ngọc Châu và nhìn vào bên trong chứ không vào ăn.

Tôi hỏi một ông bạn đồng hành cùng ở Âu Lạc tại sao không thử ăn ở Ngọc Châu, ông lắc đầu: Nó vừa nằm tít dưới chân đồi, lại quá rộng để chẳng có cái vẻ ấm cúng. Đúng là kinh doanh khó thật. Nhà kinh doanh thì cố gắng làm cho hoành tráng để hút khách, khách thì lại chê nó rộng và hoành tráng quá.

Khoảng 10 giờ đêm chúng tôi dạo trên bãi biển. Cát lạo xạo dưới chân. Tiếng sóng biển rì rào mang hương vị “rất biển”. Bãi Cháy phía xa, rực lên dưới ánh đèn lung linh. Đi dạo một lát tôi quay về khách sạn và trò chuyện với một nhân viên lễ tân:

“So với một số khu resort cũng 5 sao thì giá phòng ở đây có vẻ đắt hơn ?” - “Ở đây khác chứ anh”. “Khác ở những điểm nào?”. (Cười rồi yên lặng). “Thế khách đến nghỉ có đông không?”. - “Đông”. “Khách có hay ghi lại cảm tưởng không?”. - “Dạ ít”. “Lương em có cao không?”. - Dạ cũng bình thường ạ”.

Hầu hết các nhân viên ở đây đều không muốn tiết lộ mức thu nhập của mình. May mắn chúng tôi mới được một lái xe “túc, túc” kể cho nghe. Rất cởi mở, dễ gần, anh bạn đưa hẳn cho chúng tôi cả số điện thoại di động để dễ liên lạc khi cần.

Lái xe “túc, túc” để đưa khách đi tham quan Tuần Châu từ lúc mới mở dịch vụ này nên anh bạn rất thông thạo mọi thứ trên đảo, kể cả nắm được sở thích của khách. Tôi hỏi về vấn đề được coi là nhạy cảm nhất: Thu nhập bao nhiêu, lắc đầu trả lời: Khoảng 1 triệu đồng/tháng. Thế thì quả là thấp thật, bởi công việc của một người lái xe “túc- túc” khá căng thẳng.

Tôi hỏi tiếp, thế sao anh không bỏ nghề, anh bạn trả lời: Em lên đây từ lúc mới xây dựng khu này, thấy cũng gắn bó nên không về quê nữa. Nhưng...

Hình như anh bạn có điều gì tâm sự. Quả đúng như vậy, lương thấp nên chẳng dám lấy vợ dù đã có người yêu được mấy năm, đưa khách bằng xe “túc, túc” nên cũng chẳng có ai “bo” cho đồng nào. Mỗi tháng một triệu, trừ hết chi phí cũng chẳng còn mấy đồng tiết kiệm. Anh bạn cười có vẻ buồn.

Tôi hiểu tâm huyết của ông Đào Hồng Tuyển, người mà người ta phong là “chúa đảo”, khi muốn biến đảo Tuần Châu thành châu ngọc. Tuần Châu thật đẹp, nhất là khi đứng trên đỉnh cao nhất của đảo, nhìn ra xung quanh thấy hàng vạn ánh đèn lấp lánh.

Nhưng hình như Tuần Châu vẫn còn thiếu những cái gì đó rất cần thiết để làm nên một đẳng cấp Tuần Châu thực sự.

Đức Trung