1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lễ hiến máu

(Dân trí) - Tín đồ Hindu tin rằng máu của con vật hay con người (xưa kia) trong lễ hiến sinh có thể giải khát, mua vui cho các vị thần, để họ không gieo rắc chiến tranh, bệnh tận, thiên tai cùng vô vàn nỗi thống khổ của chúng sinh.

Sau mười hai ngày lang thang khá căng thẳng trên những đỉnh núi Tây Tạng rét buốt, khô khát, thiếu dưỡng khí, đói ăn, thiếu ngủ cộng thêm chặng đường từ biên giới về thủ đô Kathmandu trong tình trạng canh chừng những bất trắc của vùng chiến sự, tôi hy vọng rằng mình sẽ có một đêm thả cửa cho các lá phổi được hít căng dưỡng khí, con tim không bị loạn nhịp và được ngủ không phanh, không phải dậy sớm chuẩn bị cho một chặng chạy xe hun hút. Nhưng chẳng hiểu sao mỗi khi tới những miền đất lạ, tôi vẫn không ngủ được.

 

Buổi sớm không khí trong lành, những ánh sáng mặt trời đầu tiên tràn đầy khí lực, nếu cơ thể đón nhận được nó ta sẽ có một ngày kỳ diệu, may mắn hơn ta còn có thể dự cảm trước được một vài điều. Tôi leo lên tầng cao nhất của nhà trọ. Dãy núi Langtang Himal ở phía Bắc, dãy Mahabharat ở phía Tây, đỉnh Stupa trên Chùa Khỉ còn nhập nhoà trong sương mù, đường phố ắng lặng, vẫn chỉ có cảnh sát đi tuần, Kathmandu có cái yên tĩnh rợn người của vùng biển trước sóng thần?

 

Bỗng có hàng loạt tiếng súng nổ nối nhau ở phía quảng trường Durbar, phía đường Mới và cả phía đường Indrra Chowk. Bản năng báo chí kéo tuột tôi xuống phố lúc nào không hay, thói quen đi chậm ở Tây Tạng cũng biến mất. Tôi bị trí tưởng tượng về những viên đạn không có mắt đẩy nép vào những vách nhà, bước chân rón rén đi ngang kiểu cua bò hay của những thám tử đang tiếp cận rất gần tội phạm nguy hiểm. Vậy mà hôm qua thôi, tôi luôn ngênh ngang một mình giữa các đường phố để sục tìm những điểm nóng, nơi người biểu tình và cảnh sát quần nhau thường thấy trong chương trình thời sự của truyền hình Nepal và các báo buổi sớm, vậy mà không hề bắt gặp một sự cố nào. Bất hạnh lớn nhất của người làm báo là không được đối diện với sự kiện.

 

Tôi đã nhìn thấy rất đông người dân Kathmandu vây quanh góc sân gần nhà của Thánh sống Kumari. Gương mặt họ lạ lắm, không ra ngớ ngẩn, không ra phiêu diêu, tất cả đều im lặng. Đã ngửi thấy mùi máu tanh tanh. Chẳng lẽ đám đông kia đang mặc niệm sinh linh nào?

 

Cố rẽ đám dân thường vòng ngoài cùng hàng tiêu binh của Quân đội Hoàng gia vòng trong, tôi chỉ kịp nhìn thấy một thanh dao lớn khù khoằm vung lên. Phập, tiếng dao bập vào súc gỗ bọc rơm đanh gọn, máu tươi từ đầu một con trâu phun ra đủ làm cho tay đao phủ trẻ cong người và bật lui. Thân con trâu đổ vật xuống để mãi chia xa cái đầu gắn đôi sừng ngắn ngủn.

 

Một vài người xúm lại lôi cái xác trâu, biến cái cổ đỏ lòm thành một ngọn bút để vẽ lên mặt sân những vòng tròn nguệch ngoạc máu như một nghi lễ không thể thiếu. Cái đầu trâu được xếp lại dưới chân những lá quốc kỳ, xung quanh lổn nhổn cánh hoa hồng, hoa giấy đỏ, hoa cúc vàng, gạo trắng, sữa bò ốm đùng đục... những dụng cụ tế cúng.

 

Súng lại nổ, những người lính Hoàng gia nghiêm cẩn nhả đạn lên trời. Có tiếng nổ nối tiếp từ phía đường Mới, đường Indrra Chowk... Hoá ra đó là những tiếng động của thời hiện đại nhằm tiễn đưa các con vật về trời trong lễ hiến sinh, lễ dâng máu cho các vị thần.

 

Tôi đã từng lẽo đẽo một ngày đi đến thời khắc sống cuối cùng của một Ông trâu chiến thắng sau lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. Tôi từng bàng hoàng khi ông bạn Y Moan, ca sĩ lừng danh xứ cao nguyên thọc sâu ngọn giáo vào tim con trâu trói chặt bên cây cột Blang. Vậy mà khi nhìn thấy cảnh tượng hiến sinh hôm nay, vẫn thấy ớn lạnh chẳng khác gì những nhà Nepal học phương Tây từng chứng kiến lễ hiến sinh... Người của các bộ lạc sống nơi rừng hoang Nepal còn diễn ra cách đây chừng hơn trăm năm.

 

Không hiểu các cổ nhân Nepal và hậu duệ của họ hôm nay có hiểu sai những điều ghi dạy trong kinh Vệ Đà về các nghi lễ cúng tế thần linh hay không? Mọi kinh kệ đều khuyên dạy con người nên sống thân thiện với cầm thú và không sát sinh cơ mà. Điều này có gì mâu thuẫn với kinh giáo Hindu luôn miêu tả sức mạnh huỷ diệt của thần Shakti, Kali hay Bhairav. Những vị thần cứ trần truồng lộ phần da thịt đen sẫm màu chết chóc, những cái lưỡi khô khát máu dài thè lè, trên cổ đeo chuỗi dây xâu không biết bao nhiêu cái đầu lâu. Bốn cánh tay, phải là kiếm, trái là cái đầu lâu lớn đựng đầy ngập máu. Sau khi tiêu diệt 1.000 quỷ dữ, nuốt sống con quỷ đầu đàn, thần say sưa với chiến thắng và không còn tự chủ trong vũ điệu huỷ diệt cuồng loạn. Dưới chân thần là những thân xác quỷ dữ hoặc chính thần Shiva chồng bà gieo mình vào ngăn cản điệu nhảy có thể tàn phá cả vũ trụ này của tử thần. Tín đồ Hindu tin rằng vũ trụ đã thoát khỏi cảnh bị huỷ diệt khi thần ngưng nhảy múa.

 

Trong lễ hiến máu hôm nay, cả khu Durbar đã có hơn 50 con dê, trâu hoàn tất thủ tục cầu ước mau mắn của tín đồ. Mười năm qua, trong hơn 100 lễ hội hàng năm, có biết bao con trâu, con dê đã lặng lẽ dâng cúng máu tươi cho các đấng thần linh, vậy mà sao các thần vẫn mãi không thoả cơn khát? Chiến sự vẫn không ngừng nổ ra. Nghèo đói, bệnh tật vẫn lan tràn khắp xứ sở. Bão lụt, lũ bùn vẫn cuốn trôi cả những khu cư dân rộng lớn?

 

Bốn giờ rưỡi sáng hôm sau, tôi lại dậy sớm và mò vào một ngõ nhỏ trên đường Freak, trung tâm phát hành báo của Kathmandu. Vẫn tiếp tục thấy máu của binh lính, người dân biểu tình đỏ ối trên các trang nhất các báo Hymalayan times, The Rising Nepal hay The Kathmandu Post... những sản phẩm của một ngành công nghiệp hiếm hoi còn khả dĩ phát triển trong tình trạng thời chiến, đầu rơi máu chảy.

 

Chùm ảnh Lễ hiến máu:

 

Lễ hiến máu - 1
  

 

Lễ hiến máu - 2


 

Lễ hiến máu - 3


 

Lễ hiến máu - 4


 

Lễ hiến máu - 5
 

Lễ hiến máu - 6



Bài và ảnh: Xuân Bình