1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Làng "cụt đọt"!

Người dân xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) dùng từ “cụt đọt” (cây bị cụt ngọn nên đâm ra nhiều nhánh) để nói về hơn 100 phụ nữ trong xã lâm cảnh có con mà không có chồng. Làng “cụt đọt” - làng trẻ hoang thai.

Bữa “cơm” chiều 20 - 3 của gia đình ông Nghị, bà Lý ở xóm 10, xã Kỳ Thượng chỉ có một nồi mít non luộc và đĩa muối trắng trộn ớt cay. Nồi mít có mười khúc nhỏ - khẩu phần của “mười người trong căn nhà chín cột”.

“Mười người trong căn nhà chín cột” là câu nói cửa miệng của dân Kỳ Thượng khi họ kể về một trong nhiều gia cảnh đặc biệt của làng gồm hai ông bà có hai cô con gái và sáu đứa cháu ngoại.

Ốc đảo nghèo

Khi tôi đến ngôi nhà này thấy người lớn, trẻ nhỏ đứng chật cả khoảng sân rêu cỏ có chín cái cột khẳng khiu đang chống đỡ hai mái cọ mục. Ông Nghị, 85 tuổi, mở đầu câu chuyện: “Tôi có hai đứa con gái thì cả hai đều không chồng nhưng có con. Con chị 32 tuổi, tên Luận, đẻ bốn đứa. Con em 26 tuổi, tên Khang, vừa đẻ đứa thứ hai được ba tháng. Hai chị em chúng nó ở chung túp lều phía sau đồi, khi nào mưa gió thì tất cả chúng nó tập trung vào cái nhà chín cột này”.

Túp lều của hai chị em nằm lưng chừng mé đồi lau dại chẳng khác gì cái lều nát của người chăn vịt dựng tạm ngoài đồng. Còn trong căn nhà chín cột chỉ có ba cái chõng và bốn cái võng mắc chéo các góc nhà như mạng nhện.

Nghe tôi hỏi về hoàn cảnh ra đời của những đứa trẻ tội nghiệp thì cả Luận và Khang đều bẽn lẽn rồi ôm con nhỏ lảng tránh. Bà Lý giãi bày: “Kỳ Thượng là “xã (nghèo) 135”, có trên 5.000 dân với hơn nửa số người thiếu đói. Điện, đường mới có vài năm nay nên trước đây xã miền núi này không khác gì “ốc đảo” nằm co dưới chân bìa rừng. Ông bà tôi thuộc diện đội sổ nghèo của làng vì không có ruộng, quanh năm đi cày bừa thuê mót bạc nuôi con. Bây giờ chúng nó lớn lên đành nối nghiệp bố mẹ đi làm thuê khắp thiên hạ để nuôi sống bầy con nít không cha vì biết bấu víu vào ai giữa cái làng nghèo”.

Tôi ngạc nhiên bởi cô gái 32 tuổi như Luận lại có thể mang hoang thai liên tục đến bốn lần, mỗi lần cách nhau chưa đầy năm rưỡi! Bà Lý phân trần: “Con tui không thiếu sắc, không đớn mặt (đốn mạt), chỉ tội do nghèo hèn phải đi làm thuê nên thất học rồi bị quá lứa (ở Kỳ Thượng đa số con gái lấy chồng ở tuổi 16), có lẽ vì thế mà bị người ta lừa gạt, khinh bỉ. Con Luận bắt đầu sinh đẻ năm 25 tuổi, cả bốn lần sinh không một người đàn ông nào bỏ chân, đạp gót tới nơi và cũng không thèm nhìn mặt, kể cả nhìn phúng (nhìn trộm)”. Bốn đứa con của Luận là “sản phẩm” của bốn người cha khác nhau ở bốn xã.

Bà Lý nhớ lại: “Lần đầu Luận chửa hoang nên tui không dám cho đi đẻ tại trạm xá sợ người ta chê cười. Đẻ xong không có gì nuôi con thì có thêm người đàn ông khác đến phỉnh nịnh cho mỗi lần vài chục ngàn đồng và dăm cân gạo, rồi hứa hẹn sẽ làm bố cả đứa trẻ hoang nên Luận dại dột chạy theo. Đến khi có bầu Luận hí hửng đem khoe với người “yêu” thì hắn bỏ chạy biệt tăm. Đứa thứ ba, thứ tư đều lâm tình cảnh tương tự. Hết con Luận tin đàn ông như tin thầy bói đến con Khang cũng không biết rút kinh nghiệm để giữ cho sạch đời mình. Số tui răng khổ rứa?”.

Mấy đứa trẻ chân đất ngơ ngác không hiểu vì sao bà ngoại kể chuyện về mẹ mình mà lại khóc. Nhưng chính Khang lại làm tôi ngạc nhiên hơn khi cô nói: “Tình cảnh này buộc em phải còn sinh nữa vì không sinh không biết lấy gì nuôi con!”.

Nhưng làng “cụt đọt” không chỉ có Luận và Khang. Trong 11 xóm của xã Kỳ Thượng xóm nào cũng có một số cô gái thất học, quá lứa rồi lâm cảnh chửa hoang. Ở xóm 10 ngoài Luận, Khang còn có Hương Minh (ba con), Nguyệt Thu (bốn con), Tám Hiên (hai con). Xóm 7 sau ba cô Thanh, Châu, Thảo còn có hai mẹ con Tâm - Linh và hai chị em ruột Tâm - Nguyệt đều chung cảnh. Xóm 6 có ba chị em ruột Tân - Tâm - Thu đẻ hoang mười đứa.

Đông nhất xóm 8 có tám bà mẹ hoang thai 20 đứa trẻ. Người đứng đầu trong số tám bà mẹ ấy là chị Nhuận Thàng 39 tuổi một mình vừa sinh, vừa nuôi tám đứa con hoang, mỗi đứa một cha. Chị nói: “Tui là con gái nông dân một đời chất phác không ngờ bị người ta lừa đi lừa lại đến cả chục lần. “Khôn ba năm dại một giờ” - người đời đã để lại câu cửa miệng ấy mà tôi không biết nhớ lấy để giữ mình”. Trong cuộc mưu sinh cùng quẫn, năm 2001 chị Nhuận buộc phải rứt ruột đem một đứa con trai bán cho người ngoài xã.

Ông nhiều vợ

Cô gái 16 tuổi Lê Thị Tuyết ở xóm 7 tâm sự trong nước mắt: “Ngày xưa bố cháu từ ngoài Bắc vào đây làm thợ mộc được ông bà ngoại cho ở nhờ. Sau đó khi biết mẹ mang thai cháu thì bố ôm balô đồ nghề trốn đi biền biệt đến nay. Mẹ cháu một mình sinh nở, nuôi cháu và chờ bố quay về trong nỗi tủi nhục của đời con gái nhưng đằng đẵng 16 năm trời mẹ không được một tin tức cỏn con nào.

Năm ngoái bố ở ngoài Nam Định cho anh cả vào tìm nhưng ra quê bố được vài tuần cháu phải bỏ về vì cảnh con riêng nơi đất khách. Ngỡ là đời bớt cô đơn bởi đã thiếu bố 16 năm (mẹ lại “đi bước nữa”), ai ngờ gặp được bố rồi mà bố vẫn xem mình như đứa con hoang”.

Tuyết có một bạn gái tên Huyền cùng là “con gái không cha” nhưng Huyền còn may mắn hơn Tuyết bởi “tuy không biết mặt bố nhưng Huyền vẫn thường xuyên nhận được tiền trợ cấp ăn học do ông ấy gửi” - Tuyết nói.

Khác với hai ông bố hờ của Tuyết, Huyền, làng “cụt đọt” đã xuất hiện hai vị “cứu tinh” thật sự. Vị thứ nhất lấy “ba vợ rưỡi”, sinh chín con. Vị thứ hai ba vợ sinh 16 con.

Tôi tìm đến nhà vị sinh 16 con tên là Th. nhưng vị này đang đi làm thuê hơn một năm nay chưa về nhà. Chị Trần Thị Luyện 41 tuổi, vợ ba của “đại ca” Th., sinh mười con, cho biết vợ đầu của ông Th. là bà Tuệ sinh được ba con, vợ hai là bà Uyển cũng có ba con. Sở dĩ ông Th. lấy thêm hai vợ sau là do “ông đi chống ế cho chị em tui”. Còn “đại ca” lấy ba vợ rưỡi là ông Kh. có biệt danh là Kh. “đèo ngang” (Kh. “đang nghèo”). Ông Kh. thanh minh sở dĩ có vợ rưỡi là do bà đầu mới ăn hỏi chứ chưa cưới nên chỉ tính “nửa suất vợ”.

Năm 1971 hỏi vợ xong ông Kh. đi hết chiến trường B, C, D đến khi về phép thì người yêu đã ngoại tình nên ông giã biệt luôn. Hai bà vợ tiếp theo cũng thuộc diện bị ế được ông Kh. để mắt tới sau khi đi bôn ba khắp nước về. Hai vợ này đều được ông Kh. tổ chức cưới xin đàng hoàng “để mọi người hết đồn đại con gái ế chồng”.

Hiện ông Kh. đang sống với người vợ thứ tư tên Hinh đã có hai con. Chị Hinh cho hay mặc dù biết ông Kh. là người nhiều vợ và kém ông Kh. đến 16 tuổi nhưng chị vẫn vui lòng kết hôn vì một phần ông Kh. là người tháo vát, tốt bụng. Phần khác do chị sợ ế và gặp phải cảnh đời như bao cô gái hoang thai trong làng thì biết xoay xở ra sao...

Thầy giáo lo, ông xã lờ?

 

Làng "cụt đọt"! - 1

 

Vợ chồng ông Nghị, hai con gái cùng sáu đứa trẻ không cha

Hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Thượng 2 Nguyễn Công Trãi mở tập hồ sơ học sinh cho tôi xem danh sách 16 em từ lớp 1-5 đều không có tên bố. Anh nói Trường tiểu học Kỳ Thượng 1 cũng có những trường hợp tương tự. Nhưng đây mới chỉ là số ít trong tổng số hơn 200 đứa trẻ bị hoang thai không có điều kiện tới trường, hoặc đi học không thường xuyên, hay bỏ học giữa cấp mặc dù các thầy cô giáo đã tìm mọi cách quyên góp và tự bỏ tiền mua sách vở, bút giấy cho các em.

Thầy Trãi cảnh báo: “Nếu địa phương không có giải pháp tạo việc làm cho phụ nữ Kỳ Thượng, giúp họ có điều kiện sống để chấm dứt tình trạng sinh con ngoài giá thú thì cảnh này sẽ còn tái diễn mãi và sẽ còn nhiều trẻ em nghèo thất học”.

Trong lúc đó khi tôi trực tiếp tìm hiểu tình trạng hoang thai của chị em phụ nữ thì ông Nguyễn Trung Tính, hai khóa làm chủ tịch xã, hiện là bí thư đảng ủy xã Kỳ Thượng, dửng dưng nói: “Xã tôi làm gì có chuyện lạ đời ấy. Nếu có thì cũng chỉ một người nào đó thôi”. Thấy tôi không chịu tin lại còn đưa ra một số dẫn chứng thuyết phục, ông Tính chặc lưỡi: “Nhiều nhất là hai hộ chửa hoang chứ mấy, mà chuyện chửa hoang xưa nay xã nào không có”.

Cũng như ông Tính, bà Đinh Thị Liễu - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã - một mực lắc đầu từ chối: “Bí thư xã đã nói là như đinh đóng cột chú hỏi mần chi nữa”. Nhưng riêng kết quả điều tra bước đầu của chúng tôi cho thấy xã Kỳ Thượng có gần 100 phụ nữ lâm cảnh sinh con ngoài giá thú với không dưới 200 đứa trẻ côi cút.

Đấy là chưa kể những vùng làng hoang thai ở mức phổ biến tương tự tại các xã lân cận Kỳ Sơn, Kỳ Lâm, Kỳ Lạc, Kỳ Tây cũng của huyện Kỳ Anh này.

Theo Tuổi trẻ