1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Côn Minh ký sự

(Dân trí) - Lên tầu từ Hà Nội lúc 9h30 tối, bừng tỉnh dậy đã gần 6 giờ sáng. Tầu đã đến Lào Cai. Trên tầu chật ních những khách là khách, phần lớn là người nước ngoài. Thay vì đi tiếp lên Sa Pa theo lộ trình mà đa số khách trên tầu này đều đi thì chúng tôi lại rẽ sang Hà Khẩu, Trung Quốc.

Từ đây vào sâu đất Trung Quốc, đến Côn Minh chỉ duy nhất có một con đường, đó là đi bằng ôtô. Thọ, một cán bộ Phòng đối ngoại Đại học Kinh tế - Tài chính Vân Nam và Tuấn, một sinh viên cao học tại trường này đã đón chúng tôi ngay lối ra ga xe lửa Lào Cai để bắt đầu hành trình đến Côn Minh.

 

Giấy thông hành

 

Tất cả thủ tục từ Lào Cai sang Hà Khẩu muốn nhanh thì làm dịch vụ. Đoàn chúng tôi có một nhóm làm thủ tục bằng hộ chiếu, còn nhóm chúng tôi thì bằng chứng minh thư nhân dân. Đóng tất cả tiền làm dịch vụ thủ tục hết 700 ngàn đồng mỗi người. Theo lời của Tuấn, nếu không làm dịch vụ sẽ bị mắc nhiều công đoạn rất lâu. Cuối cùng, chúng tôi cũng nhận được giấy thông hành và có thêm cái giấy kiểm soát uống thuốc phòng ngừa dịch tả.

 

Không biết từ lúc nào, ai qua cửa khẩu cũng phải cầm theo một cái giấy mầu vàng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát cho để xác nhận đã phòng ngừa một số bệnh. Nhưng theo tôi thì đây chỉ là một thủ tục rất nhiêu khê, bởi có biết bao nhiêu bệnh truyền nhiễm mà ai cũng có thể mắc chứ đâu chỉ có dịch tả. Vậy mà trong lúc chờ làm thủ tục, tôi thấy ít nhất có 2 đoàn khá đông phải chờ để uống thuốc phòng dịch tả mất gần 1 giờ đồng hồ.

 

Nhóm chúng tôi do đã làm dịch vụ rồi nên cũng miễn phải uống thuốc, cũng miễn phải trình giấy thông hành qua Hải quan Việt Nam. Cũng tốt. Giấy thông hành của chúng tôi ghi “sang Trung Quốc trong vòng 7 ngày. Lý do: buôn bán. Nghề nghiệp: tự do”. Các loại thuốc phòng: Đã uống. Có hẳn bác sĩ ký tên, đóng dấu. Kể cũng hay. Nghĩ cũng thấy lạ. Có hẳn giấy mời của Đại học Côn Minh, có đoàn ra đón, nhưng nghề nghiệp vẫn chỉ được ghi là “tự do”.

 

Côn Minh ký sự - 1
 Hà Khẩu - nơi bắt đầu cuộc hành trình. 

 

Kéo chiếc va ly, đặt chân qua Hà Khẩu, nghe tiếng Trung Quốc “xủng xoẻng” chúng tôi có một cảm giác lâng lâng khó tả: Thế là lại thêm một lần đặt chân sang nơi đất khách quê người.

 

Các nhân viên hải quan có lẽ ở đâu cũng vậy, luôn giữ vẻ mặt lạnh lùng nghiêm nghị. Rất ít khi thấy họ nở nụ cười, dù tôi, để tạo sự thân thiện đã mang vẻ mặt rất chân thành và luôn miệng cảm ơn (tất nhiên bằng tiếng Trung mà tôi cố học được vài câu để giao tiếp).

 

Những ngày ở Trung Quốc, tôi nhận thấy không những công an cửa khẩu không biết nói tiếng Anh mà hầu như tất cả mọi người dân đều không sử dụng thứ ngôn ngữ thông dụng này.

 

Từ Hà Khẩu chỉ có một con đường lên Côn Minh, đó là đi ôtô. Dọc đường chúng tôi cũng thấy có đường xe lửa, nhưng được làm cách đây cả trăm năm nên rất cũ kỹ, rộng chỉ có 1,2m (giống tầu hoả của ta từ Hà Nội đi Lào Cai bây giờ). Nghe kể, con đường xe lửa này do Pháp làm chạy cả ngàn cây số từ Hà Nội lên Lào Cai rồi đến Côn Minh và tiếp lên tận Bắc Kinh.

 

Đôi khi xe dừng lại giữa đường, tôi không ngắm cảnh đẹp của đồi núi mà chỉ chăm chú nhìn con đường sắt. Nó xuyên vào lòng núi, có lúc cheo leo trên một sườn dốc mà thoạt nhìn có cảm tưởng con tầu nếu chạy qua đó có thể lao xuống vực bất cứ lúc nào.

 

Để làm con đường này, Pháp đã huy động chủ yếu là sức nhân công của Việt Nam và của Vân Nam đến mấy chục vạn người làm trong suốt 10 năm trời. Bỏ mạng trên con đường sắt này cũng có hàng vạn người Việt. Đến nay vẫn còn khá nhiều bản làng người Việt tiếp tục ở lại sinh sống tại Vân Nam sau khi con đường làm xong.

 

Cảnh sát Trung Quốc không biết “làm luật”

 

Đường đi khá cheo leo và ngày càng lên cao dần. Có nhiều lúc một bên là suối và vực sâu, một bên là vách đá chênh vênh. Lái xe cho đoàn chúng tôi tên là Hoa, người Trung Quốc. Nếu nói về chấp hành luật giao thông thì lái xe Trung Quốc hơn hẳn lái xe Việt Nam.

 

Theo Hoa thì chẳng bao giờ phải hối lộ công an giao thông, bởi luật rất nghiêm. Xe không đủ tiêu chuẩn chạy trên đường thì  bị phạt rất nặng và bị tịch thu bằng lái. Lái xe sợ hết vía thì làm sao còn dám cho xe kém chất lượng lưu thông trên đường. Chẳng may có lỗi gì mà định rút tiền ra hối lộ có khi còn bị bắt làm biên bản phạt cho chết thôi về tội đưa hối lộ, thậm chí còn đi tù.

 

Không tin điều Hoa nói, tại một trạm kiểm soát giao thông, chúng tôi thử kẹp 200 Nhân dân tệ (khoảng 400 ngàn VNĐ) vào giữa tờ giấy thông hành để nhờ công an làm thủ tục cho nhanh khi kiểm tra, nhưng họ kiên quyết trả lại và vẫn kiểm tra khá kỹ. Một anh công an còn rất trẻ lên xe đếm xem có đủ người và khớp với giấy tờ không rồi thủ tục thông xe mới được làm.

 

Suốt dọc đường dài tới 500km, đôi khi cũng thấy có xe “cảnh sát giao thông” nhưng chẳng có ai đứng ra vẫy xe vào để “làm luật” như ở Việt Nam cả. Đôi lúc cảnh sát giao thông xử lý không đúng còn bị lái xe mắng té tát, doạ kiện ra toà. Cảnh sát ở Trung Quốc mặc dù tuân thủ luật pháp rất nghiêm nhưng lại rất sợ bị dân kiện. Nếu dân kiện mà đúng thì anh cảnh sát chỉ còn cách là nhận án kỷ luật, cách chức, thậm chí chuyển khỏi ngành. Ở ta thì ngược lại, dân sợ cảnh sát như sợ cọp!

 

Mông Tự có cả trăm con đường đẹp nhất

 

Trước khi đến Mông Tự, được giới thiệu là thành phố đẹp nhất của phía Tây Trung Quốc, chúng tôi rẽ vào một thị trấn nhỏ có tên Bình Biên. Điểm đặc biệt ở Trung Quốc là các thị trấn, thị tứ dù nhỏ nhưng đều được quy hoạch rất có chuẩn mực. Ít khi thấy nhà lô xô không hàng lối như ở ta.

 

Côn Minh ký sự - 2
 Một góc thành phố Mông Tự.

Cả thị trấn Bình Biên có một nhà hàng được coi là lớn nhất, có hồ nước ở giữa. Tuấn, người dẫn đoàn, gọi liền một lúc 16 món ăn. Sau này tôi mới biết, người Trung Quốc cũng giống người mình ở cái thói ăn uống lúc nào cũng phải thừa mứa chứa chan. Họ đặc biệt thích đồ rán, xào, nướng, cho thật nhiều ớt. Chỉ có một món mà suốt trong mấy ngày ở Trung Quốc, tôi thấy lúc nào cũng dễ ăn, đó là bánh bao.

 

Rời Bình Biên, chúng tôi phải đi thêm khoảng hơn một trăm cây số nữa mới đến Mông Tự, tương truyền ngày xưa là thủ phủ của bộ tộc Di. 

 

Từ thời Tam Quốc, khi Khổng Minh cất quân đánh xuống phía Nam để mở mang bờ cõi thì mảnh đất phía Nam từ Côn Minh xuống đến Mông Tự là đất của Mạnh Hoạch, thủ lĩnh của người dân tộc Di. Ngay người dân tộc đông nhất ở Vân Nam hiện nay cũng là người Di, tương truyền là con cháu của Mạnh Hoạch. Tôi rất thích đọc Tam quốc diễn nghĩa và nhớ mãi câu chuyện Khổng Minh 7 lần bắt, 7 lần tha Mạnh Hoạch và thu phục được vùng đất này về cho nhà Hán.

 

Chỉ hai ba chục năm trước, Mông Tự còn hoang vu lắm, nhưng bây giờ thì thành phố Mông Tự được coi là 1 trong 10 thành phố đẹp nhất ở nước này. Nếu con đường Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội được gắn biển “con đường đẹp nhất Việt Nam” thì những con đường đẹp như thế ở Mông Tự chỗ nào cũng có.

 

Các con đường ở Mông Tự đều được gắn camera để kiểm tra tình hình giao thông, vệ sinh và bảo vệ cây xanh. Chỉ cần ai đó bẻ một cành cây sẽ bị phạt 5.000 Nhân dân tệ (tương đương 10 triệu đồng Việt Nam). Vứt rác ra đường phạt 200 Nhân dân tệ. Có camera ghi lại, không ai chối được.

 

Ở tất cả các ngã tư, tôi không hề thấy một cảnh sát giao thông nào đứng gác. Mọi thứ đều được tự động hoá và nghiêm chỉnh chấp hành thì luật đâu cần phải hiện diện.

 

Trước khi vào đến Côn Minh, chúng tôi rẽ vào Thạch Lâm (rừng đá), một trong những kỳ quan của Vân Nam, tương truyền là Tôn Ngộ Không đã bị Như Lai Bồ Tát giam ở đây suốt 500 năm trước khi được giải thoát để theo Đường Tam Tạng sang Tây Thiên thỉnh kinh. Giá vé vào Thạch Lâm tới 180 Nhân dân tệ (khoảng 360.000 đồng) một người. Vậy mà chỉ riêng buổi sáng, Thạch Lâm đã có gần 10 ngàn khách vào tham quan. Về khoản tiếp thị du lịch, bán hàng tôi mới biết người Việt Nam còn phải học ở người Trung Quốc rất nhiều.

 

Kỳ tiếp: Thuốc chữa bệnh... siêu cao thủ

 

Đức Trung

Dòng sự kiện: Côn Minh ký sự