1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Xử tiếp vụ tham ô tiền sửa chữa ụ nổi 83M của Vinalines

(Dân trí) – Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Khánh Hòa vừa cho biết VKS cùng cấp đã chuyển hồ sơ vụ án tham ô tài sản liên quan đến vụ sửa chữa ụ nổi 83M sang tòa để đưa cựu Tổng GĐ Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines Trần Hải Sơn ra xét xử.

Đây là thông tin đã được ông Trần Hữu Viên – Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Khánh Hòa cho biết vào ngày 18/12. Theo đó, ngoài bị can Trần Hải Sơn còn có các bị can Trần Văn Quang, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng, nguyên Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ Nhà máy sửa chữa tàu biển Hyundai Vinashin; Phạm Bá Giáp, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân, Nha Trang cũng sẽ bị đưa ra xét xử lần này.
 
Ụ nổi 83M không thể sử dụng hiện tại được rao bán thanh lý nhưng không khách hàng nào chào mua

Ụ nổi 83M không thể sử dụng hiện tại được rao bán thanh lý nhưng không khách hàng nào chào mua

Trong đó, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines Trần Hải Sơn vừa bị TAND TP Hà Nội xử phạt tổng cộng 22 năm tù về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái.

Theo nội dung vụ án, Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Được Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam giao nhiệm vụ, ủy quyền ký, thanh toán các hợp đồng sửa chữa ụ nổi 83M thuộc Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Trần Hải Sơn đã thông đồng với Trần Văn Quang, Trần Bá Hùng, Phạm Bá Giáp ký một loạt hợp đồng.

Trong đó, có hợp đồng số 01-07/2008/HĐKT ngày 12/8/2008 sửa chữa một số công việc phần sắt hàn và kẽm chống ăn mòn, giá trị hợp đồng hơn 7,2 tỷ đồng; Hợp đồng số 02/2008/HĐKT ngày 20/8/2008, sửa chữa một số công việc phần van, ống, máy và phần chống ăn mòn vỏ ụ nổi 83M, giá trị hợp đồng gần 1,5 tỷ đồng.

Thông qua việc ký kết, thực hiện 2 hợp đồng này, Sơn, Quang, Hùng đã bàn bạc, thỏa thuận gửi giá và nâng khống khối lượng vật tư thi công, rồi nhờ Giáp cho mượn tư cách pháp nhân Công ty TNHH Nguyên Ân ký và thanh quyết toán hai hợp đồng để tham ô hơn 3,6 tỷ đồng.

Trong số tiền này, Sơn chiếm đoạt 2,2 tỷ đồng. Quá trình điều tra, ban đầu Sơn khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với diễn biến vụ án và lời khai của các bị can khác, sau đó lại khai báo quanh co, chối tội. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, xác định việc chối tội của Sơn là không có căn cứ.

Đối với khoản tiền 150 triệu đồng Sơn đưa cho Dương Chí Dũng (nguyên Cục Trưởng Cục Hàng Hải, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải vừa bị TAND TP Hà Nội tuyên mức án tử hình) vào các dịp lễ tết, Dũng cũng đã thừa nhận khoản tiền này.

Cá nhân Quang chiếm đoạt 857 triệu đồng; Hùng chiếm đoạt gần 400 triệu đồng; Riêng Giáp có hành vi cho mượn tư cách pháp nhân ký hợp đồng, ký thanh quyết toán và thanh lý hợp đồng để giúp Sơn và Quang tham ô cũng được “lại quả” 178 triệu đồng.

Theo cơ quan điều tra, hành vi nêu trên của Sơn, Quang, Hùng và Giáp đã phạm vào tội “tham ô tài sản” quy định tại khoản 4 điều 278 BLHS có khung hình phạt tù từ 20 năm tù chung thân hoặc tử hình. Trong đó, Sơn giữ vai trò chính, Quang là người tổ chức thực hiện, Hùng và Giáp giữ vai trò giúp sức.

Trịnh Anh