Xe tang vật và vi phạm bị cháy: Ai chịu trách nhiệm bồi thường?

Xuân Duy

(Dân trí) - Liên quan vụ cháy bãi xe của Công an TPHCM, nhiều người dân thắc mắc ai sẽ bồi thường thiệt hại đối với những phương tiện vi phạm đang tạm giữ đã bị thiêu rụi hoặc hư hỏng?

Ngày 7/6, Công an TP Thủ Đức đang phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ liên quan, điều tra nguyên nhân vụ cháy xảy ra tại bãi xe (kho tang vật và phương tiện vi phạm) của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TPHCM.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, thời điểm trước khi xảy ra cháy, bên trong bãi xe có hơn 2.200 xe máy, 10 ô tô. Các đơn vị liên quan đang thống kê phương tiện bị thiệt hại để có hướng xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện, nhiều người dân có xe bị PC08 tạm giữ, đang lo lắng không biết số phận tài sản của mình ra sao, nếu xe bị thiêu rụi hoặc hư hỏng, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Xe tang vật và vi phạm bị cháy: Ai chịu trách nhiệm bồi thường? - 1

Nhiều xe máy bên trong bãi xe bị cháy trơ khung (Ảnh: A.X.).

Liên quan vấn đề này, luật sư Lê Thị Bích Chi (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết khoản 5 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi năm 2020) và khoản 2, 3 Điều 9 Nghị định 138/2021/NĐ-CP về bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu, có quy định như sau:

Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị mất, bán trái quy định, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, người ra quyết định tạm giữ, tịch thu phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn người được giao trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước người ra quyết định tạm giữ, tịch thu và trước pháp luật.

Theo luật sư Chi, tại khoản 3 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm chính là những người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm như: Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng Phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Công an cấp tỉnh; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các cấp…

Như vậy, theo các quy định trên thì trong vụ việc này, người chịu trách nhiệm bồi thường là người ra quyết định tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện bị cháy. Trong trường hợp xác định người được giao trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị cháy có lỗi thì người này phải chịu trách nhiệm trước người ra quyết định tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện và trước pháp luật.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 10 Nghị định 138/2021/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân có tang vật bị tạm giữ, tịch thu có quyền yêu cầu người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng và yêu cầu cơ quan của người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, luật sư Chi cho rằng Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường. Trường hợp giữa các bên không thể thỏa thuận, thống nhất được việc bồi thường thì tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền, giải quyết theo đúng quy định pháp luật.