1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ hối lộ 11 tỷ: Các quan chức đường sắt bị đề nghị từ 6-13 năm tù giam

(Dân trí) - Đánh giá hành vi của các bị cáo đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế…, đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên phạt 6 bị cáo nhận 11 tỷ đồng tiền “bôi trơn” mức án từ 6-13 năm tù.

Chiều 26/10, phiên tòa xét xử 6 quan chức ngành đường sắt nhận “lót tay” 11 tỷ đồng từ nhà thầu Nhật Bản được tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư. 8 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo lần lượt thẩm vấn từng bị cáo nhằm gỡ tội cho thân chủ của mình.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Trần Văn Lục cho rằng, trong vụ án này, nếu có nguyên đơn dân sự thì nguyên đơn đó là JTC. Tuy nhiên, do JTC không có văn bản yêu cầu các bị cáo trả tiền nên không có nguyên đơn. Nếu không có nguyên đơn dân sự thì không có thiệt hại, không đủ yếu tố cấu thành tội của các bị cáo.

Bị cáo Phạm Hải Bằng thì cho rằng mình không làm gì sai so với những nhiệm vụ được giao. Số tiền 11 tỷ đồng RPMU nhận được là số tiền nhà thầu cần thiết phải chi, RPMU chỉ “chi hộ” đối tác trong tổ chức hội họp. Song, bị cáo Bằng cũng thừa nhận, việc chi phí trên không có sổ sách, quyết toán cụ thể.

Bị cáo Phạm Hải Bằng trả lời thẩm vấn của luật sư chiều 26/10.
Bị cáo Phạm Hải Bằng trả lời thẩm vấn của luật sư chiều 26/10.

Kết thúc phần thẩm vấn, tòa chuyển sang phần tranh luận. Mở đầu, đại diện Viện KSND TP Hà Nội thay mặt Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đọc bản luận tội các bị cáo.

Theo đại diện Viện KSND, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ để hưởng lợi. Hành vi của các bị cáo vi phạm nghĩa vụ của cán bộ công chức, làm những điều cán bộ công chức không được làm, gây hiệt hại về lợi ích kinh tế của Việt Nam; ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách ODA của Nhật Bản; ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Viêt Nam - Nhật Bản; ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đến tiến trình thực hiện dự án, những thiệt hại này không đong đếm được bằng vật chất.

Từ đó, đại diện Viện KSND cho rằng, các bị cáo bị truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc đưa các bị cáo ra xét xử là rất cần thiết.

Đánh giá về vai trò của từng bị cáo, đại diện Viện KSND cho rằng, bị cáo Phạm Hải Bằng có hành vi phạm tội tích cực, đứng ra đàm phán để hưởng lợi. Bị cáo Bằng đã làm trái nhiệm vụ được giao; giữ vai trò chính, chỉ đạo bị cáo Phạm Quang Duy và Nguyễn Nam Thái thực hiện hành vi phạm tội.

Bị cáo Phạm Quang Duy với vai trò là điều phối viên, biết rõ Bằng gợi ý để lấy tiền ngoài hợp đồng của JTC nhưng bị cáo đã hưởng ứng và đã một lần nhận trực tiếp nhận tiền từ đối tác Nhật Bản, nhiều lần nhận tiền từ Phạm Hải Bằng.

Cũng giống Phạm Quang Duy, bị cáo Nguyễn Nam Thái cũng biết việc Bằng gợi ý để lấy tiền ngoài hợp đồng của JTC nhưng vẫn hưởng ứng và làm theo chỉ đạo, nhiều lần nhận tiền từ bị cáo Bằng và JTC.

Bị cáo Trần Văn Lục và Trần Quốc Đông được bị cáo Bằng báo cáo việc JTC hỗ trợ tiền để tổ chức lễ ký kết hợp đồng, biết việc làm đó là trái pháp luật nhưng hai bị cáo không ngăn chặn mà bỏ mặc để hậu quả xảy ra.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiếu đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, bỏ qua nhiều quy trình, quy định theo pháp luật để giải ngân cho nhà thầu.

Từ những phân tích trên, đại diện Viên KSND đề nghị HĐXX có những mức án nghiêm khắc dành cho từng bị cáo. Theo đó, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị mức án 11-13 năm tù giam dành cho bị cáo Phạm Hải Bằng; bị cáo Nguyễn Nam Thái 10-12 năm tù giam; Phạm Quang Duy 8-10 năm tù giam; Trần Văn Lục 6-8 năm tù giam; Trần Quốc Đông 7-9 năm tù giam và Nguyễn Văn Hiếu 7-9 năm tù giam.

Ngoài ra, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cũng đề nghị HĐXX truy thu số tiền các bị cáo hưởng lợi bất chính, trừ đi số tiền các bị cáo và gia đình đã nộp cho cơ quan điều tra.

Tiến Nguyên