1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Tòa kêu gọi 2 cựu Chủ tịch SCB và thuộc cấp ra đầu thú

Xuân Duy

(Dân trí) - TAND TPHCM phát đi thông báo kêu gọi 2 cựu Chủ tịch SCB và 3 thuộc cấp ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng, hợp tác với các cơ quan tố tụng trong việc thực hiện quyền bào chữa.

Theo dự kiến, ngày 5/3, TAND TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về tội Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Liên quan tới vụ án, còn có 85 bị cáo khác bị xét xử về một trong các tội Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tòa kêu gọi 2 cựu Chủ tịch SCB và thuộc cấp ra đầu thú - 1

Ông Đinh Văn Thành (Ảnh: SCB).

Tuy nhiên, có 5 bị cáo vẫn đang bị truy nã. Họ gồm: Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Trầm Thích Tồn (cựu thành viên HĐQT Ngân hàng SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành Ngân hàng SCB).

"Bằng thông báo này TAND TPHCM kêu gọi các bị cáo nêu trên ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 16, Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong trường hợp các bị cáo không ra trình diện hoặc đầu thú thì coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị xét xử vắng mặt", thông báo nêu.

Trước đó, cáo trạng VKSND Tối cao lý giải về việc những người trên đang bị truy nã nhưng vẫn bị truy tố. VKSND Tối cao cho rằng những người này đã xuất cảnh đi nước ngoài trước khi bị khởi tố vụ án, hiện không xác định được ở đâu nên Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định truy nã.

Đồng thời, nhà chức trách đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, niêm yết công khai tại địa phương nơi những người này đăng ký thường trú.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng phát thư kêu gọi các bị can trên ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng; chỉ định luật sư bào chữa, giao các quyết định tố tụng cho luật sư, người thân để thông báo cho các bị can, tổ chức nhận dạng; trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết của những người trên có trong hồ sơ vụ án.

Cáo trạng thể hiện đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm. Đối với các bị can Đinh Văn Thành, Nguyễn Thị Thu Sương và 3 đồng phạm đã được áp dụng đầy đủ các biện pháp đảm bảo thực hiện quyền bào chữa theo quy định.

Trong trường hợp ông Thành và đồng phạm không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa, bị truy tố, xét xử vắng mặt theo Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.

Theo cáo buộc, lúc còn làm việc tại SCB, ông Thành đã đồng ý cho 268 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 479 khoản.

Tính đến ngày 17/10/2022, dư nợ của nhóm khách trên là hơn 422.000 tỷ đồng. Hành vi nêu trên của ông Thành gây thiệt hại số tiền 99.000 tỷ đồng.

Tương tự ông Thành, bà Sương khi ký duyệt cho 79 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 79 khoản. Dư nợ còn lại tính đến ngày 17/10/2022 là hơn 55.000 tỷ đồng.

Hành vi nêu trên của bà Sương bị cáo buộc gây thiệt hại cho SCB gần 7.000 tỷ đồng.

Những người còn lại bị cáo buộc có sai phạm trong hoạt động ngân hàng khi thực hiện các bước cấp tín dụng cho nhóm Vạn Thịnh Phát.