1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ chính quyền tiêu hủy “nhầm” 2ha tôm của dân:

Tòa bác đơn kiện của nông dân vì “không có cơ sở”

(Dân trí) - Tại phiên tòa sơ thẩm vụ “Chính quyền tiêu hủy “nhầm” 2ha tôm của dân”, TAND huyện Phú Lộc (tỉnh TT-Huế) đã bác đơn kiện của nông dân Nguyễn Xuân Hòa, đòi UBND huyện Phú Lộc đền bù 3,6 tỉ đồng. Tòa cho rằng huyện không gây thiệt hại cho ông Hòa.

Phiên tòa sơ thẩm ngày 29/9 với nông dân Nguyễn Xuân Hòa (SN 1974, trú xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc) là nguyên đơn và UBND huyện Phú Lộc là bị đơn, đã diễn ra khá căng thẳng.

Tòa bác đơn kiện của nông dân vì “không có cơ sở” - 1

Phiên tòa dân kiện UBND huyện đòi đền bù tiền tỉ diễn ra khá căng thẳng

Hội đồng xét xử khẳng định việc UBND huyện ra quyết định cưỡng chế và hành động cưỡng chế ở hồ tôm ông Hòa là sai. Tuy nhiên, việc huyện tổ chức hội đồng cưỡng chế với 40 thành viên trong đoàn tới cưỡng chế chỉ là hình thức răn đe vì hồ nuôi tôm của ông Hòa đã hết sạch tôm trước ngày thi hành cưỡng chế.

Phía ông Hòa cho rằng huyện đã đến đổ thuốc độc Wanway vào hồ nuôi tôm đang đến thời kỳ thu hoạch của mình làm chết 85 vạn con tôm thẻ chân trắng trị giá hơn 2 tỉ đồng; 15 vạn con tôm sú trị giá 1 tỉ đồng. Cộng thêm các khoản gây tổn hại về tinh thần, sức khỏe là 50 triệu đồng; thu nhập gia đình mất trong thời gian 30 tháng (mỗi tháng 15 triệu đồng) là 450 triệu đồng. Tổng cộng huyện phải đền cho ông hơn 3,6 tỉ đồng.

Ông Hòa trình bày trước tòa một số hình ảnh tôm chết sau khi bị phun thuốc độc Wanway, được chụp sau đợt cưỡng chế của huyện vài ngày. Tuy nhiên, tòa khẳng định đó chưa phải là bằng chứng chính xác vì ảnh không được ai giám định, xác nhận về thời gian và địa điểm chụp.

Tòa bác đơn kiện của nông dân vì “không có cơ sở” - 2
Vợ chồng ông Hòa đứng thất thần bên hồ tôm chết vì thuốc độc. Đây là một trong những tấm hình không được Hội đồng xét xử công nhận là bằng chứng chính xác vì không có ai giám định, xác nhận.

Bên bị kiện đưa ra 3 nhân chứng (ông Đoàn, Bình, Toan) là người được ông Hòa thuê về kéo tôm trong hồ đi bán 7 ngày trước khi đoàn cưỡng chế huyện Phú Lộc về tiêu hủy. Ba người này đã kéo 3 lần: lần 1 là 100kg, lần 2 là 800kg, lần 3 là 1.100kg. Toàn bộ 1.900kg tôm này được bán cho bà Trần Thị Hồng. Tuy nhiên, trả lời trước tòa, bà Trần Thị Hồng khẳng định bà không hề mua một con tôm nào của ông Hòa như ba người kéo tôm nói.

Ba nhân chứng trên cũng “không nhớ rõ” là mình đã kéo cho ông Hòa bao nhiêu kg tôm, vào thời gian nào. Chỉ khi tòa “nhắc” bằng cách trưng ra biên bản lấy lời khai của họ thì cả 3 cùng đồng loạt trả lời là đúng. Ông Hòa quả quyết mình chưa bao giờ nhờ hay thuê 3 người trên đến kéo tôm.

Tòa nêu chi tiết ông Hòa sau ngày bị cưỡng chế đã cùng vợ là Hồ Thị Quyến đem gần 600kg tôm thẻ chân trắng bán cho ông Tịnh ở cùng xã. Trả lời trước tòa, ông Tịnh xác nhận có mua tôm của ông Hòa nhưng chỉ là viết vào sổ chứ không có hóa đơn, chứng từ nào.

Tiếp tục, tòa cho rằng ông Hòa đã thuê người kéo tôm từ hồ mình rồi thả vào hồ tôm ông Trần Hưng Thị, nguyên Chủ nhiệm HTX Bách Thắng (xã Vinh Hưng, đơn vị cho ông Hòa thuê 2ha mặt nước để nuôi tôm) trước khi bị đoàn tiêu hủy. Ông Thị cho rằng như vậy là vu cáo vì ông là chủ hồ, hoàn toàn biết có ai thả tôm vào hồ của mình hay không.  

Tòa bác đơn kiện của nông dân vì “không có cơ sở” - 3
 Ảnh ông Hòa chứng minh rất nhiều tôm của mình đã chết

Luật sư Hồ Văn Hồng, người bảo vệ cho ông Hòa, cho rằng vì các nhân chứng và lời khai mập mờ nên không thể xem đó là chứng cứ. Riêng lời khai của 3 người kéo tôm dù phán đoán, áng chừng trọng lượng tôm nhưng các “phán đoán” rất giống nhau và như đã được sắp đặt từ trước nên chứng cứ này chưa thuyết phục.

Luật sư Hồng đề nghị phía bị đơn là UBND huyện Phú Lộc trưng ra biên bản cưỡng chế và biên bản thống kê số lượng tôm thực tế vào thời điểm cưỡng chế. Nhưng UBND huyện Phú Lộc trả lời rằng đã “quên” kiểm tra số lượng tôm tiêu hủy trong lúc cưỡng chế. Về biên bản cưỡng chế thì có làm nhưng không có chữ ký của đối tượng bị cưỡng chế và nhân chứng.

Tuy còn nhiều điểm chưa thống nhất trong phiên sơ thẩm nhưng cuối cùng Hội đồng xét xử cũng kết luận bác đơn kiện của ông Hòa vì việc kê khai số lượng tôm nuôi trong hồ không đúng thực tế và “không có cơ sở”. UBND huyện  Phú Lộc không phải bồi thường gì cho ông Hòa vì trước khi bị cưỡng chế tôm, ông Hòa đã đem tôm đi bán và đem thả sang hồ người khác.

Quá bức xúc trước quyết định trên, ngày 3/10, ông Hòa đã làm đơn kháng cáo gửi TAND huyện Phú Lộc và TAND tỉnh TT-Huế. Ông Hòa cho rằng “Tại phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã xét xử không đúng với với bản chất, diễn biến của sự việc; thu thập, đánh giá chứng cứ không khách quan, không toàn diện, không đầy đủ và không chính xác”.

Tòa bác đơn kiện của nông dân vì “không có cơ sở” - 4

Đơn kháng cáo của ông Hòa gửi TAND huyện Phú Lộc và TAND tỉnh TT-Huế ngày 3/10/2011.

Đại Dương