1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát
  3. Xét xử đại án Việt Á

Cựu nhà báo Duy Phong thừa nhận hành vi đe dọa và nhận tiền của Giám đốc Sở

(Dân trí) - Ngay sau khi công bố cáo trạng, bị cáo Lê Duy Phong, cựu Trưởng ban Bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo buộc của Viện kiểm sát, trong đó có việc đe dọa và nhận tiền của Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư 200 triệu đồng. Viện kiểm sát đề nghị tuyên bị cáo mức án từ 3 - 4 năm tù.

11h10, HĐXX tạm nghỉ và tuyên án vào 14h chiều nay.

11h, HĐXX cho bị cáo Phong nói lời sau cùng. Lê Duy Phong mong muốn HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Lời nói sau cùng của bị cáo Lê Duy Phong

10h20, Đại diện VKS công bố bản luận tội bị cáo Lê Duy Phong. Theo đó, VKS cáo buộc bị cáo Phong lợi dụng một số bài báo đăng tải trên các trang báo chí và đe doạ ông Sáng, ông Thực để cưỡng đoạt số tiền của ông Sáng và ông Thực.

Đại diện VKS khẳng định, lời khai của bị hại và của những người làm chứng cùng lời nhận tội của Phong là phù hợp. Ngoài ra, việc cưỡng đoạt tài sản của Phong làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, bị cáo Phong có hai tình tiết tăng nặng là "lợi dụng chức vụ cưỡng đoạt tài sản" và cưỡng đoạt tài sản” nhiều lần.

Về tình tiết giảm nhẹ, bị cáo cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, như bố đẻ từng nhận nhiều huân huy chương kháng chiến... Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Lê Duy Phong mức án tù từ 3-4 năm. Đề nghị HĐXX tuyên trả cho bị cáo một số tài sản mà cơ quan điều tra đang tạm giữ.


Đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng

Đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng

9h55, HĐXX mời ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng Biên tập báo Giáo dục Việt Nam lên.

HĐXX hỏi ông Tước có phân công hai phóng viên của mình lên Yên Bái công tác không? Ông Tước bảo không cử phóng viên lên Yên Bái công tác, còn cơ quan có cử hay không thì ông không biết.

HĐXX dẫn chứng có tìm thấy Giấy giới thiệu của báo Giáo dục Việt Nam trên xe của Phong, ông Tước cho rằng ông không là người quản lí con dấu của cơ quan.

Sau phần trình bày của ông Tước, luật sư hỏi bị cáo Phong, khi sử dụng điện thoại nhắn tin cho ông Sáng, lúc đó Phong có ý định cưỡng đoạt tài sản không?

“Không!” - Phong trả lời. Khi làm việc với ông Sáng, thấy ông Sáng lo sợ thì Phong mới nảy sinh ý định cưỡng đoạt tài sản của ông Sáng.


Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Duy Phong

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Duy Phong

Luật sư cho rằng, tại cơ quan điều tra, Phong đã tự giác khai báo với cơ quan điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản của ông Sáng mặc dù cơ quan điều tra chưa biết chuyện này.

Vị luật sư cho rằng, tại toà bị cáo là người rất thành khẩn, tại cơ quan điều tra cũng vậy, tự mình nhận tội trước cơ quan điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản của mình đối với ông Sáng.

Luật sư cũng đề cập số tiền có trong tài khoản của Phong là tài sản hợp pháp của gia đình và mong muốn HĐXX tuyên trả cho gia đình bị cáo.

Do một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại Toà, HĐXX yêu cầu vị đại diện VKS công bố một số bút lục ghi lời khai của những người này. Theo bản công bố này, thì việc Phong nhận tiền của ông Thực đã được một số người chứng kiến.


Bị cáo Lê Duy Phong trả lời HĐXX

Bị cáo Lê Duy Phong trả lời HĐXX

9h25, HĐXX tạm nghỉ giải lao.

9h20, HĐXX tiếp tục xét hỏi những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Theo đó, vợ bị cáo Phong cũng mong muốn HĐXX tuyên trả cho gia đình những tài sản đang bị thu giữ và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho chồng mình.

9h15, HĐXX hỏi bị cáo Lê Duy Phong trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có khách quan không?

"Cơ quan điều tra công an TP Yên Bái và Công an tỉnh Yên Bái làm việc hết sức khách quan" - Phong trả lời.

Theo bị cáo Phong, bị cáo và ông Sáng không có quan hệ gì. Bị cáo biết việc nhận tiền như vậy là trái với đạo đức, lương tâm nghê nghiệp của người làm báo. Phong mong muốn tài sản mà cơ quan điều tra đang thu giữ được HĐXX tuyên trả cho gia đình bị cáo.

9h5, HĐXX tiếp tục mời bị hại là ông Hoàng Trung Thực lên trình bày. Ông Thực cho biết, công ty do ông góp vốn đã bị báo chí đăng tải khiến ông rất lo sợ nếu bị báo chí đăng tiếp sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Ông Thực cho biết, số tiền 50 triệu đồng đưa cho Phong là tiền cá nhân của ông.

Tại Toà, ông Thực cho rằng Phong đã thừa nhận hành vi của mình và xin Toà xem xét tình tiết giảm nhẹ cho Phong.

Người bạn của Phong là Đỗ Viết Công cũng được mời lên xét hỏi. Công cho rằng không hề hay biết và không liên quan gì đến việc Phong nhận tiền trong bữa nhậu.


Ông Hoàng Trung Thực, bị hại đã đưa cho Lê Duy Phong 50 triệu đồng.

Ông Hoàng Trung Thực, bị hại đã đưa cho Lê Duy Phong 50 triệu đồng.

9h, Sau phần xét hỏi bị cáo Phong, HĐXX mời luật sư Nguyễn Đức Toàn, người được ông Sáng uỷ quyền. Ông Toàn cho rằng tại phiên toà Phong đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình như cáo buộc của cơ quan tố tụng nên ông không có ý kiến gì.

Theo ông Toàn, khi bị Phong nói đến vấn đề của những bài báo đã đăng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời tư của mình. Vì thế, ông Sáng có tâm lí lo sợ. Hơn nữa trước đó đã có bài báo đăng về tài sản của gia đình ông Sáng thì ông càng lo sợ.

Nhưng tại phiên toà, bị cáo Phong rất thành khẩn khai báo cũng như trong quá trình điều tra. Gia đình Phong cũng đã khắc phục hậu quả cho gia đình ông Sáng nên nếu có thể, luật sư đại diện bị hại đề nghị HĐXX áp dụng tất cả các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phong.

8h45, đại diện VKS công bố xong bản cáo trạng. Nghe xong bản cáo trạng buộc tội mình "cưỡng đoạt tài sản", bị cáo Lê Duy Phong không có ý kiến gì.

- HĐXX hỏi bị cáo Phong về việc có gặp ông Vũ Xuân Sáng không?

- Bị cáo Phong thừa nhận có nhắn tin cho ông Sáng và hẹn gặp vào ngày 16/6/2017 tại Sở Kế hoạch - Đầu tư.

Tại đây Phong và ông Sáng có trao đổi về nguồn gốc đất và tài sản của ông Sáng theo sự phân công của Ban Biên tập báo Giáo dục Việt Nam.

Tại cuộc gặp này, ông Sáng tỏ ra lo sợ nếu mình bị đăng báo. Và ông Sáng ngỏ ý muốn xử lí vụ việc không bị đưa lên mặt báo và đưa cho Phong số tiền 200 triệu động chia làm hai lần. Cả hai lần Phong nhận tiền của Sáng đều diễn ra tại phòng làm việc của ông Sáng. Phong thừa nhận sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân, số tiền 70 triệu đồng còn lại Phong gửi vào tài khoản ngân hàng của mình.

Phiên toà sáng nay, Phong cũng thừa nhận có ăn cơm với ông Hoàng Trung Thực qua lời giới thiệu của Công (bạn của Phong). Phong thừa nhận có đe doạ ông Thực và được ông Thực đưa cho 50 triệu đồng và Phong nhận số tiền này thì bị cơ quan điều tra bắt giữ như cơ quan tố tụng buộc tội.

8h35, đại diện VKS công bố bản cáo trạng cho thấy Lê Duy Phong đã có hành vi lợi dụng danh nghĩa là Trưởng ban Bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam, đe doạ ông Vũ Xuân Sáng, khiến ông Sáng lo sợ phải đưa cho Phong 200 triệu đồng và cưỡng đoạt của ông Hoàng Trung Thực số tiền 50 triệu đồng.

8h30, HĐXX hỏi ý kiến của Viện kiểm sát (VKS) về sự vắng mặt của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đại diện VKS khẳng định những người vắng mặt tại phiên toà không ảnh hưởng đến quá trình xét xử và đề nghị HĐXX công bố bản cáo trạng.

HĐXX cho biết, bản án của phiên toà hôm nay sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao.

Đúng 8h, HĐXX bắt đầu làm việc. Chủ toạ phiên toà tuyên bố khai mạc và công bố đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

HĐXX bắt đầu thẩm tra căn cước của những người có liên quan đến vụ án.

Sáng nay, tham gia với tư cách là người bị hại, ông Hoàng Trung Thực có mặt và luật sư Nguyễn Đức Toàn, người đại diện theo uỷ quyền của ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Yên Bái.

Trong 3 luật sự bào chữa cho bị cáo Phong thì luật sư Nguyễn Sơn Hải vắng mặt.


Hội đồng xét xử bị cáo Lê Duy Phong

Hội đồng xét xử bị cáo Lê Duy Phong

Cựu nhà báo Duy Phong thừa nhận hành vi đe dọa và nhận tiền của Giám đốc Sở - 6

Các phóng viên theo dõi phiên xử qua màn hình.

Các phóng viên theo dõi phiên xử qua màn hình.

7h55, Xe chở bị cáo Lê Duy Phong đến tòa. Bị cáo được áp giải vào phòng xử án. Đứng trước bục dành cho bị cáo, Lê Duy Phong liên tục đưa mắt tìm những người thân của mình.


Bị cáo Lê Duy Phong tại tòa

Xét xử cựu nhà báo Lê Duy Phong

7h45, Phiên xử bị cáo Lê Duy Phong được bảo vệ khá nghiêm ngặt. Do hội trường xét xử chật, nên các phóng viên đến đưa tin phiên toà được xếp ngồi một phòng riêng và theo dõi qua màn hình.

Ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng biên tập, đại diện của báo Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại phiên toà.

Không có chuyện Lê Duy Phong chia tiền cho 26 phóng viên, nhà báo


Phòng xét xử bị cáo Lê Duy Phong lúc 7h15 sáng nay (20/4)

Phòng xét xử bị cáo Lê Duy Phong lúc 7h15 sáng nay (20/4)

Bào chữa cho bị cáo Lê Duy Phong có 3 luật sư. Bị hại là ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Yên Bái có 1 luật sư bào chữa.

Thẩm phán Đỗ Thu Hương, chủ tọa phiên tòa, 2 Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại toà là bà Lê Thu Hằng và ông Hoàng Anh Huấn. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 1 ngày, nếu diễn biến phiên tòa phức tạp và có nhiều tình tiết mới thì sẽ kéo dài sang ngày hôm sau.

Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng TP Yên Bái, bị cáo Lê Duy Phong, (sinh năm 1985, tại Thanh Hoá), nguyên Trưởng ban Bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam đã lợi dụng nghề làm báo để cưỡng đoạt 200 triệu đồng của ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Yên Bái và cưỡng đoạt 50 triệu đồng của ông Hoàng Trung Thực, người của công ty Hợp Thành Phát có trụ sở đóng tại TP Yên Bái.

Cơ quan quan tố tụng cáo buộc, vào các ngày 16/6/2017 và 22/6/2017, tại phòng làm việc của ông Vũ Xuân Sáng, Duy Phong với danh nghĩa là Trưởng ban Bạn đọc, báo Giáo dục Việt Nam đã lợi dụng quyền hạn của nhà báo và dùng lời nói đe doạ, uy hiếp về tinh thần để chiếm đoạt của ông Sáng số tiền 200 triệu đồng, chiếm đoạt của ông Hoàn Trung Thực số tiền 50 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu cựu nhà báo Lê Duy Phong khai nhận, đã dùng số tiền 200 triệu đồng cưỡng đoạt được của ông Sáng và chia cho 26 phóng viên, nhà báo và chi phí khác. Còn lại số tiền 70 triệu đồng, cựu nhà báo này gửi vào tài khoản ngân hàng của mình.

Sau khi Phong khai chi tiền cho 26 phóng viên, nhà báo, cơ quan điều tra đã triệu tập 26 phóng viên, nhà báo để làm việc, trong đó có 25 phóng viên, nhà báo khai không nhận tiền của Lê Duy Phong; chỉ có duy nhất một phóng viên khai, Lê Duy Phong có đưa một phong bì 300 nghìn đồng tiền đám hiếu.

Quá trình điều tra, Lê Duy Phong đã thay đổi nội dung khai báo, theo đó Phong khai nhận đã tiêu xài hết số tiền 200 triệu đồng chiếm đoạt được của ông Sáng mà không chia cho các phóng viên, nhà báo nào.

Bữa ăn trưa và gói tiền 50 triệu đồng chi cho nhà báo

Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, sau khi cưỡng đoạt được số tiền 200 triệu đồng của ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kê hoạch – Đầu tư tỉnh Yên Bái, ngày 22/6/2017, công an thành phố Yên Bái đã phát hiện bắt quả tang Lê Duy Phong đang có hành vi cưỡng đoạt tài sản của ông Hoàng Trung Thực, người góp vốn làm ăn với Công ty Hợp Thành Phát, có trụ sở đóng tại TP Yên Bái, do ông Đặng Trần Chí làm Giám đốc.


Lê Duy Phong bị bắt quả tang khi nhận số tiền 50 triệu đồng từ tay ông Thực, người của công ty Hợp Thành Phát do ông Đặng Trần Chí đứng tên Giám đốc công ty.

Lê Duy Phong bị bắt quả tang khi nhận số tiền 50 triệu đồng từ tay ông Thực, người của công ty Hợp Thành Phát do ông Đặng Trần Chí đứng tên Giám đốc công ty.

Cụ thể, ngày 21/6/2017, Lê Duy Phong điều khiển xe ô tô xuất phát từ Hà Nội lên TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Đi cùng với Phong còn có một người phụ nữ khác.

Sáng ngày 22/6/2017, Phong liên lạc với Đỗ Viết Công là bạn học cũ hiện đang công tác tại Đài phát thanh truyền hình tỉnh Yên Bái và hẹn gặp uống nước tại quán cà phê.

Trong khi uống nước, Công mời Phong ăn cơm trưa và Phong đồng ý. Sau đó Phong đi đón bạn gái, đến khoảng 11h cùng ngày thì đi ăn cơm với Công ở nhà hàng.

Khi Phong và bạn gái cùng Công ngồi vào trong phòng ăn được khoảng 20 phút thì ông Hoàng Trung Thực, đại diện của Cty Hợp Thành Phát được Công mời ra cùng ngồi ăn cơm.

Trong khi ăn uống, nói chuyện, ông Thực giới thiệu mình đang góp vốn kinh doanh tại Công ty TNHH thương mại vận tải Hợp Thành Phát ở thành phố Yên Bái do ông Đặng Trần Chí làm giám đốc. Còn Công giới thiệu bạn mình là Lê Duy Phong, hiện là Trưởng Ban bạn đọc của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Phong nói với ông Thực mình là tác giả bài báo “tướng công an Yên Bái phủ nhận sở hữu biệt thự lớn trên khu đất hơn 10.000m2” đăng ngày 19/6/2017.

Bài báo này có đề cập và đăng hình ảnh doanh nghiệp Hợp Thành Phát nơi ông Thực góp vốn kinh doanh. Phong nói hiện đang tiếp tục tìm hiểu để viết bài về hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Yên Bái trong đó có doanh nghiệp mà ông Thực có vốn.

Ông Thực lo sợ nếu doanh nghiệp nơi ông góp vốn tiếp tục bị viết bài trên báo sẽ gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và hoạt động kinh doanh nên ông Thực xin Phong không viết bài về doanh nghiệp của mình góp vốn, Phong nói: “Sức mạnh của truyền thông các ông không chịu được đâu. Việc này không giải quyết bằng tình cảm được”.

Lo sợ Phong sẽ viết bài gây ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp nên ông Thực đã lấy ra số tiền 50 triệu đồng mang theo người đi đến gần chỗ Phong ngồi và nói: “Anh có 50 triệu đồng gửi chú, chú tạo điều kiện cho anh”.

Nói xong ông Thực đút tiền vào túi quần trái của Phong. Phong đồng ý nhận số tiền trên rồi cùng mọi người tiếp tục ăn uống, liền ngay sau đó bị Công an thành phố Yên Bái bắt quả tang cùng với số tiền 50 triệu đồng.

Về trách nhiệm dân sự, ông Vũ Xuân Sáng và ông Hoàng Trung Thực đề nghị Lê Duy Phong trả lại số tiền mà bị cáo Phong đã chiếm đoạt. Trong giai đoạn truy tố, gia đình Lê Duy Phong đã bồi thường cho ông Vũ Xuân Sáng số tiền 200 triệu đồng…

Từ những bằng chứng và tình tiết trên, cơ quan tố tụng buộc tội cựu nhà báo Lê Duy Phong đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản.

Dân trí tiếp tục cập nhật diễn biến phiên toà.

Hồng Ngân