1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nữ doanh nhân vướng vòng lao lý vì bán kẹo sìu châu nhái

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Bán sản phẩm kẹo sìu châu nhái nhãn mác Toàn Mỹ, nữ doanh nhân bị HĐXX tuyên án 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Ngày 22/6, Tòa án nhân dân (TAND) quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trần Thị Hiệp (43 tuổi, trú tỉnh Nam Định) 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Ngoài trách nhiệm hình sự, HĐXX còn buộc bị cáo Trần Thị Hiệp phải bồi thường số tiền hơn 350 triệu đồng cho bị hại (đơn vị bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) là ông Triệu Văn Mỹ (trú Nam Định).

Nội dung vụ án nêu rõ, ông Triệu Văn Mỹ và bị cáo Trần Thị Hiệp có quan hệ họ hàng.

Năm 2009, bà Hiệp thành lập Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Thanh Lan và thuê ông Mỹ làm kẹo thành phẩm, trong đó có kẹo sìu châu (hay còn gọi là kẹo lạc).

Năm 2013, ông Mỹ không làm cho bà Hiệp nữa mà chuyển ra làm riêng, đăng ký kinh doanh hộ cá thể và lấy thương hiệu là Toàn Mỹ, đăng ký nhãn hiệu, hình ảnh cho sản phẩm kẹo sìu châu Toàn Mỹ.

Nữ doanh nhân vướng vòng lao lý vì bán kẹo sìu châu nhái  - 1

Phiên tòa diễn ra ngày 22/6 tại TAND quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hải).

Năm 2015, ông Mỹ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Năm 2020, bà Trần Thị Hiệp thành lập Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ và sản xuất sản phẩm kẹo sìu châu lấy thương hiệu là Toản Mỹ.

Phát hiện việc này, ông Triệu Văn Mỹ đi giám định, kết quả cho thấy nhãn hiệu Toản Mỹ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Toàn Mỹ.

Sau đó, ông Mỹ phản ánh đến bà Hiệp về dấu hiệu vi phạm như đã nêu thì bị cáo thay đổi nhãn sản phẩm từ Toản Mỹ thành "SX tại Công ty Toàn Mỹ".

Tháng 1/2022, bị cáo Trần Thị Hiệp ký hợp đồng bán sản phẩm kẹo sìu châu "SX tại Công ty Toàn Mỹ" cho một đơn vị ở Hà Nội với giá trị hơn 340 triệu đồng.

Khi 2 bên đang giao hàng tại địa bàn phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thì đại diện hộ kinh doanh của ông Triệu Văn Mỹ phát hiện, trình báo công an.

Kết luận giám định toàn bộ lô hàng phía công ty bà Hiệp bán cho đối tác là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu mà hộ gia đình ông Mỹ đã được bảo hộ.

Quá trình điều tra, bà Hiệp khai biết ông Mỹ đã sản xuất kẹo sìu châu Toàn Mỹ nhưng vẫn lấy tên này để thành lập công ty vì thấy nó "đẹp và phong thủy".

Lý do mà bị cáo sử dụng nhãn hiệu kẹo sìu châu "SX tại Công ty Toàn Mỹ" là muốn làm rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không có mục đích làm giả nhãn hiệu của ông Triệu Văn Mỹ. 

Tại tòa, Trần Thị Hiệp thừa nhận hành vi của mình xét về mặt pháp luật là sai. Song bị cáo nhiều lần cho rằng không cố ý vi phạm, bởi trước khi làm đã hỏi ý kiến của nhân viên công ty luật và hoàn toàn tin tưởng vào sự tư vấn này.

Bị cáo cũng khai từng nhiều năm sản xuất bánh kẹo và dạy ông Mỹ học nghề.

Ngược lại, ông Mỹ với tư cách bị hại, phủ nhận việc được bà Hiệp dạy nghề. Ông này khẳng định sản phẩm của mình đã đăng ký nhãn hiệu từ năm 2015, không liên quan gì đến sản phẩm của bị cáo.

Tại phiên xét xử, một vị hội thẩm nhân dân đã dành thời gian để giải thích, tuyên truyền pháp luật cho bị cáo biết rõ hành vi sai phạm của mình.

Vị hội thẩm nhân dân nói, HĐXX ghi nhận bị cáo là người sản xuất sản phẩm kẹo sìu châu trước bị hại, bỏ nhiều công sức để xây dựng thương hiệu cho mặt hàng này. Tuy nhiên, việc tranh chấp bản quyền không chỉ Việt Nam mà còn xảy ra ở phạm vi quốc tế, nếu không hiểu biết pháp luật, không đăng ký sở hữu nhãn hiệu sẽ có nguy cơ bị mất quyền bảo hộ.

Vị hội thẩm nhân dân nhấn mạnh, bị cáo đã quá tự tin, cho rằng sản phẩm mình bỏ công sức làm ra nên không cần đăng ký với ai, đến khi người khác đăng ký rồi, bị cáo vi phạm thì phải xử lý.