1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Những ai bị kiến nghị điều tra, xử lý trong vụ án bà Trương Mỹ Lan?

Hoài Thanh

(Dân trí) - Quá trình công tố đối với vụ án, VKSND Tối cao nhận thấy có nhiều sơ hở, thiếu sót trong một số văn bản quy phạm pháp luật, trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.

Bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị can bị truy tố về các tội Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong vụ án này, ngoài truy tố các bị can, VKSND Tối cao cũng kiến nghị một số vấn đề cần điều tra, làm rõ.

Những ai bị kiến nghị điều tra, xử lý trong vụ án bà Trương Mỹ Lan? - 1

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân bị truy tố (Ảnh: Bộ Công an).

Kiến nghị điều tra, xác định vai trò đồng phạm

Khi Chủ tịch Vạn Thịnh Phát chuyển cho Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Capella) 1.000 tỷ đồng, ông Trí thống nhất chuyển nhượng cho bà Trương Mỹ Lan 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang và thỏa thuận với bà Lan để Hồ Quốc Minh đứng tên sở hữu cổ phần.

Sau đó, Nguyễn Cao Trí làm hồ sơ chuyển nhượng 4,4 triệu cổ phần sang cho em trai là Nguyễn Cao Đức và Trần Lê Diệp Thúy (nhân viên kế toán Công ty Văn Lang).

Ngày 23/10/2022, ông Trí hẹn gặp ông Minh tại quán cà phê ở Sân bay Tân Sơn Nhất và yêu cầu ông này ký một số hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, biên bản thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư...

Theo cơ quan tố tụng, do Hồ Quốc Minh đã xuất cảnh, hiện nay chưa nhập cảnh về Việt Nam nên chưa đủ tài liệu chứng cứ xác định vai trò đồng phạm với Nguyễn Cao Trí trong việc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan nên kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục thu thập tài liệu chứng minh hành vi của Hồ Quốc Minh để xem xét xử lý hình sự với vai trò đồng phạm với Nguyễn Cao Trí nếu có đủ căn cứ.

Xử lý về mặt Đảng

Đối với 7 thành viên của Đoàn thanh tra giám sát ngân hàng, cơ quan tố tụng xét tính chất, mức độ hành vi những người này phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo áp đặt của bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước, Vụ trưởng Vụ I), Trưởng đoàn thanh tra.

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, 7 người này đã thành khẩn, chủ động khai báo về sai phạm và việc nhận tiền trong quá trình thanh tra, đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền, hợp tác tích cực giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án, quá trình công tác có nhiều thành tích được cơ quan chủ quản khen thưởng. Do đó cơ quan điều tra, VKSND Tối cao không xem xét trách nhiệm hình sự đối với 7 cá nhân này mà đề nghị xử lý về Đảng và chính quyền.

Đối với 11 cá nhân là thành viên Tổ giám sát giai đoạn từ năm 2016 đến 2022, 10/11 thành viên được Ngân hàng SCB đưa quà vào các dịp lễ, Tết với giá trị không lớn và đã tự động giao nộp cho cơ quan điều tra, chủ động khai báo rõ sai phạm trong công tác giám sát đối với SCB, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, nên cơ quan tố tụng cũng không xem xét trách nhiệm hình sự mà kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền. 

Đối với ông Tô Duy Lâm, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, theo cơ quan tố tụng, ông Lâm không can thiệp, không tham gia chỉnh sửa, phê duyệt nội dung báo cáo của Tổ giám sát liên quan đến các hành vi sai phạm nêu trên nên chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng cần kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền đối với cá nhân này về trách nhiệm của người đứng đầu đã để xảy ra sai phạm của cấp dưới.

Đặc biệt, trong quá trình điều tra, công tố đối với vụ án, VKSND Tối cao nhận thấy đã có nhiều sơ hở, thiếu sót trong một số văn bản quy phạm pháp luật, trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can.

"Viện KSND Tối cao sẽ kiến nghị các cơ quan hữu quan có thể chế, chính sách, giải pháp để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm", cáo trạng nêu.

Những ai bị kiến nghị điều tra, xử lý trong vụ án bà Trương Mỹ Lan? - 2

Trụ sở Vạn Thịnh Phát. (Ảnh: VTP).

Cáo trạng của VKSND Tối cao kết luận, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ từ 85% đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB. Từ đó, bị can trở thành cổ đông có "quyền lực" để chỉ đạo, điều hành,  thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm bị cáo buộc đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: Tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm;

Ngoài ra, họ còn thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB; lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.

Từ đó, bà Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, đã thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.