1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nguyên Chủ tịch Vinashin và các bị cáo viện lý do xin giảm án

(Dân trí) - Ngày 28/8, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Vinashin, các bị cáo đồng loạt viện lí do "khách quan" xin giảm án.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Vinashin, 8/9 bị cáo đồng loạt kháng cáo lên TAND Tối cao xin giảm nhẹ hình phạt.
 
Các bị cáo kháng cáo gồm: Phạm Thanh Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vinashin; Trần Quang Vũ - nguyên Tổng giám đốc Vinashin; Trần Văn Liêm - nguyên Trưởng ban kiểm soát tập đoàn; Nguyễn Văn Tuyên - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ tàu thủy Hoàng Anh; Tô Nghiêm - nguyên TGĐ Công ty cổ phần đầu tư phát triển kinh tế Hải Hà; Trịnh Thị Hậu - nguyên Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy; Hoàng Gia Hiệp - nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy; Đỗ Đình Côn - nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh.
 
Tại phiên tòa sáng nay, 28/8, 1 trong số 19 luật sư dự kiến tham gia bào chữa cho các bị cáo vắng mặt. 4 nhân chứng liên quan trực tiếp đến vụ án cũng vắng mặt nhưng tất cả họ đã có đơn gửi đến HĐXX khẳng định vẫn giữ nguyên lời khai như phiên sơ thẩm.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
Theo bản án sơ thẩm, HĐXX đã xác định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao ở Tập đoàn Vinashin, Phạm Thanh Bình và các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của nhà nước tại 5 dự án, gồm: đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen; đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng; đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân; đầu tư tàu Bình Định Star và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang, gây thiệt hại hơn 900 tỷ đồng của nhà nước.
 
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Tuấn Dương không nộp đơn kháng cáo. 8 bị cáo còn lại đều đã có đơn kháng cáo gửi TAND tối cao xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường thiệt hại.
 
Tại phần thẩm vấn trong phiên tòa phúc thẩm ngày 28/8, HĐXX xét hỏi các bị cáo liên quan theo sai phạm của từng dự án. Các bị cáo Bình, Liêm, Hậu và Hiệp liên quan dự án mua tàu vận tải Hoa Sen bị thẩm vấn đầu tiên. Đây là dự án mà Vinashin gây thiệt hại nặng nề nhất cho nhà nước, với số tiền thiệt hại lên tới hơn 600 tỷ đồng.

Nguyên chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình tại phiên xét xử phúc thẩm.
Nguyên chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình tại phiên xét xử phúc thẩm.
Trước những sai phạm trong việc thực hiện dự án mua tàu Hoa Sen, bị cáo Bình cho rằng, về chủ trương đã làm đúng quy định nhưng trong quá trình thực hiện thi đã làm sai một số quy định. Bị cáo Bình "bao biện" rằng việc ký phê duyệt dự án mua tàu Hoa Sen trước khi dự án chính thức được phê duyệt là vì đây là một con tàu hiện đại rất khó tìm, khó có thời khác nên vì thời cơ mà phải đi trước.
 
Về việc đánh giá thiệt hại về kinh tế trong dự án tàu Hoa Sen, bị cáo Bình cho biết, tổng chi phí của dự án là hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó tiền mua tàu là khoảng 1.200 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí lập, thực hiện dự án và xây dựng 2 cầu tàu phục vụ cho tàu Hoa Sen. Do vậy, bị cáo Bình cho rằng, việc xác định thiệt hại của dự án mua tàu Hoa Sen bằng cách lấy tổng giá trị dự án trừ giá trị con tàu là không hợp lý. Hơn nữa việc xác định giá trị thiệt hại đúng với thời điểm suy thoái kinh tế, giá trị con tàu xuống thấp nhất.
 
Bị cáo Liêm một mực cho rằng mình chỉ là người thực hiện trong tình thế bắt buộc và không thực hiện trái quy định của Chính phủ. Còn bị cáo Hiệp khăng khăng chỉ vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, không trực tiếp gây ra hậu quả nên thấy mức án 13 năm là quá nặng. Trong khi đó, bị cáo Hậu cho rằng việc bị truy tố, xét xử về tội Cố ý làm trái là chưa thỏa đáng vì chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.
 
Xung quanh sai phạm về dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện sông Hồng (dự án gây thiệt hại hơn 316,5 tỉ đồng), bị cáo Bình cho rằng, trong quá trình thực hiện không làm sai các quy trình, quy định của nhà nước mà chỉ có sơ suất trong việc đã ký quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng nhà máy điện này tại xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định vào tháng 3/2007, có tổng mức đầu tư lên hơn 1.481 tỉ đồng.
 
Tuy nhiên, liên quan tới dự án này, vào tháng 5/2007, Bộ Công nghiệp đã có công văn gửi Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định nêu rõ: Không có cơ sở pháp lý để phê duyệt dự án.
 
Bị cáo Bình còn "cao giọng" cho rằng, công ty Hoàng Anh làm chủ đầu tư dự án, công ty Cổ phần tư vấn chế tạo lắp máy Cửu Long làm đơn vị tư vấn lập dự án khi đầu tư mua 3 tổ máy phát điện cũ của Hàn Quốc để lắp đặt Nhà máy Nhiệt điện sông Hồng là một sự đầu tư… thông minh, hợp lý và hoàn toàn rất tốt. Trong khi đó, cơ quan điều tra đã khẳng định, chủ đầu tư đã giả mạo giấy tờ của  Bộ TN&MT và Bộ Thương Mại để nhập 3 tổ máy phát điện cũ của Hàn Quốc.
 
Cuối buổi chiều, HĐXX đã thẩm vấn các bị cáo về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang tại Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (thuộc Vinashin), gây thiệt hại hơn 27,3 tỷ đồng. Con tàu này được đã mua từ Campuchia với giá 1,22 triệu USD vào năm 2001 với mục đích ban đầu để tháo dỡ bán sắt vụn sau đó xin hoán cải để thành khách sạn nổi 4 sao để phục vụ khách du lịch ở Quảng Ninh, với dự án được phê duyệt có tổng giá trị lên tới 144,7 tỉ đồng.
 
Gần 18h chiều, phiên tòa kết thúc. Ngày mai, HĐXX sẽ tiến hành xét hỏi bị cáo Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc Vinashin, và các bị cáo có liên quan xung quanh những sai phạm của dự án bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang. Tiếp đó, HĐXX sẽ tiếp tục phần thẩm vấn với 2 dự án sai phạm còn lại là: đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân và đầu tư tàu Bình Định Star.
 
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về diễn biến của phiên phúc thẩm.

Quốc Đô - Việt Thắng