1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

"Nghiệt ngã" ngày nghỉ hưu của cựu Giám đốc CDC Bình Dương

Nguyễn Hải Hải Nam
Xét xử đại án Việt Á

(Dân trí) - Luật sư Nguyễn Thành Công cho biết, ngày cựu Giám đốc CDC Bình Dương nhận quyết định nghỉ hưu cũng là ngày nhận quyết định khởi tố bị can.

Chiều 9/1, phiên xét xử 38 bị cáo trong đại án Việt Á tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đưa ra quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình.

Luật sư Nguyễn Thành Công, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương), cho biết thời điểm xảy ra dịch Covid-19, bị cáo Danh đã xin nghỉ hưu trước hạn nhưng vì dịch nên đồng ý tiếp tục ở lại để chống dịch, đăng ký tham gia vào tuyến đầu.

Song rất nghiệt ngã khi ngày ông Danh nhận quyết định nghỉ hưu cũng là ngày nhận quyết định khởi tố bị can.

Luật sư Công cho rằng, sai phạm tại CDC Bình Dương "hoàn toàn khác biệt" với các trường hợp khác tại vụ án này.

Theo luật sư Công, khác biệt ở đây là bị cáo Danh ở tuyến đầu chống dịch nhưng không vụ lợi. Song vì không có chuyên môn, kinh nghiệm trong hoạt động đấu thầu để ngăn cản chủ trương, chỉ đạo sai của cấp trên nên bị cáo đã sai phạm.

Luật sư Công cho rằng CDC Bình Dương thực hiện việc mượn kit test, vật tư để sử dụng là thực hiện theo chủ trương của cấp trên, bị cáo Danh hay CDC Bình Dương không tự ý hay đề xuất chủ trương mượn.

Cũng theo luật sư, CDC Bình Dương bắt buộc phải mượn và mua thêm kit test của Việt Á để sử dụng vì trong 7 máy xét nghiệm Real Time-PCR mà CDC Bình Dương được tài trợ thì có 2 máy xét nghiệm chỉ chạy được kit test của Công ty Việt Á.

Như vậy luật sư nhận định việc sử dụng kit test Việt Á là "do tình thế ép buộc".

Nghiệt ngã ngày nghỉ hưu của cựu Giám đốc CDC Bình Dương - 1

Bị cáo Nguyễn Thành Danh (Ảnh: Nam Phương).

Từ các phân tích trên, luật sư Công mong HĐXX xem xét, bởi đây chính là căn nguyên dẫn đến sai phạm của bị cáo Danh và các bị cáo khác tại CDC Bình Dương.

Luật sư Công nói trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thành Danh không vụ lợi hay nhận bất cứ lợi ích gì.

Ngay từ đầu, CDC Bình Dương chỉ xin tham gia phòng chống dịch mà không xin tham gia tổ chức thầu do không có chuyên môn, kinh nghiệm về đấu thầu, nhưng không được chấp nhận.

Đặc biệt, khi được phía Công ty Việt Á đặt vấn đề tặng quà cảm ơn, bị cáo Danh đã nhiều lần từ chối.

Luật sư Công cho hay, khi nhận thức được trách nhiệm trong sai phạm, bị cáo Danh đã nộp 50 triệu đồng nhằm khắc phục một phần hậu quả tại CDC Bình Dương cũng như hợp tác tốt trong quá trình điều tra.

Luật sư cũng nêu, bị cáo đạt được nhiều giấy khen, bằng khen. Đặc biệt, năm 2020 ông Danh là 1 trong 10 người được trao tặng danh hiệu "Công dân tiêu biểu" tỉnh Bình Dương.

Trong phần luận tội, Viện kiểm sát xác định bị cáo Nguyễn Thành Danh phạm tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cựu Giám đốc CDC Bình Dương đã thông đồng với nhân viên Công ty Việt Á, ứng trước kit test rồi hợp thức thanh toán sau bằng hình thức chỉ định thầu. Ông Danh có vai trò đồng phạm giúp sức.

Song trong khi một số bị cáo khác hưởng lợi bất chính thì ông Danh nhiều lần từ chối nhận tiền của Công ty Việt Á.

Xét các tính chất mức độ hành vi, tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Danh mức án 10 tháng 4 ngày, bằng thời hạn tạm giam.