1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đồng Tháp:

Nẻo về cho người hoàn lương

Được ân xá, tha tù trước 7 năm, ngày trở về hay tin chồng đã có vợ khác và qua đời do bạo bệnh, chị Bạch vô cùng tuyệt vọng. Đang trong lúc không biết làm gì, chị đã được chính quyền địa phương động viên, hỗ trợ vốn để chị mở quán nước gần chợ mưu sinh…

Hàng năm, có hàng ngàn trường hợp được đặc xá, tha tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều người đã nỗ lực phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, làm lại cuộc đời nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền các cấp, đặc biệt là lực lượng Công an địa phương.

Vì một lỗi lầm trong quá khứ, chị Khưu Thị Bạch (50 tuổi, ngụ phường 3, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) bị tòa án tuyên phạt 20 năm tù. Trong những ngày chấp hành án tại Trại giam An Phước (Bình Dương), nhờ cán bộ quản giáo phân tích, động viên, chị đã nhận ra ra lỗi lầm của mình và chấp hành tốt các nội quy trại giam, cố gắng lao động, cải tại, để sớm trở về đoàn tụ với gia đình.

Năm 2009 chị được ân xá, tha tù trước 7 năm. Ngày trở về địa phương, hay tin chồng đã có vợ khác và qua đời do bạo bệnh. Trong lúc chị vô cùng tuyệt vọng không biết làm gì và những ngày cuối đời sẽ sống ra sao, thì chính quyền địa phương đã động viên, hỗ trợ vốn cho chị mở quán nước gần chợ mưu sinh.

Chị tâm sự: "Lúc mới về, chị bế tắc lắm, nhờ có UBND, Công an và Hội Phụ nữ phường 3 tạo điều kiện về mặt bằng, hỗ trợ 15.000.000 đồng để chị bán nước giải khát. Nhờ vậy, chị đã sớm vượt qua khó khăn để sống hòa nhập cùng mọi người".

Gần 2 năm nay, cuộc sống của chị đã ổn định và có thể lo cho người mẹ già cùng đứa em trai bị bệnh tâm thần. Thu nhập từ quán nước cũng không dư giả, nhưng chị thấy lòng thanh thản, không còn mặc cảm với lỗi lầm trong quá khứ.

UBND tỉnh Đồng Tháp trao quà cho những người hoàn lương, hoàn lương tiêu biểu năm 2012.
UBND tỉnh Đồng Tháp trao quà cho những người hoàn lương, hoàn lương tiêu biểu năm 2012.

Để hỗ trợ cho những người hoàn lương, từ tháng 10 năm 2011, Công an TP Long Xuyên (An Giang) đã tổ chức diễn đàn "Nói chuyện với người thân, gia đình người có hành vi vi phạm pháp luật".

Tùy tình hình thực tế tại địa phương, Công an các phường, xã rà soát, lên danh sách các đối tượng trong diện quản lý, tổ chức diễn đàn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Qua đó, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất, giúp những người hoàn lương có thêm nghị lực và quyết tâm làm lại cuộc đời.

Trên địa bàn Đồng Tháp, từ năm 2002 - 2012, có 5.875 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương (trung bình mỗi năm trên 500 người). "Đa số các đối tượng phạm tội ở độ tuổi thanh, thiếu niên (chiếm 70%), trình độ thấp, bản thân không có công ăn việc làm, nên nhu cầu về việc làm, vốn để sản xuất, kinh doanh của họ là rất lớn.

Từ tình hình thực tế đó, những năm qua Công an tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng kế hoạch, phối hợp cùng với các cấp, các ngành và các hộ gia đình tạo điều kiện thuận lợi có việc làm ổn định cho 3.671 người hoàn lương (chiếm hơn 80%).

Qua khảo sát 4.575 người chấp hành xong án phạt tù, chỉ có 437 người tái vi phạm pháp luật (chiếm tỷ lệ 9,5%). Để có được kết quả này, các cấp các ngành, đặc biệt lực lượng Cảnh sát khu vực đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người hoàn lương muốn làm lại cuộc đời, không tái phạm những lầm lỗi của quá khứ.

Thượng tá Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng CS bảo vệ và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Đồng Tháp bộc bạch: "Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát xét chọn những người đã thật sự hoàn lương, Công an các địa phương tham mưu cho UBND các cấp, tổ chức gặp mặt để nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ, giúp đỡ, hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm, học nghề… giúp họ ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào việc hạn chế tình hình tội phạm, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương"

Theo Văn Vĩnh
Công an nhân dân