1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Không để “một cú điện thoại to hơn các loại văn bản”

Làm sao khi Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 có hiệu lực thi hành không phải chờ Nghị định, nhất là không tiếp diễn tình trạng “một cú điện thoại to hơn tất cả các loại văn bản”?

Mới đây, Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật XLVPHC nhóm họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên – Trưởng Ban soạn thảo.

Luật XLVPHC sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Ảnh minh họa
Luật XLVPHC sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Ảnh minh họa

Đề xuất 14 nội dung cần hướng dẫn

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa (Tổ trưởng Tổ biên tập Dự thảo Nghị định), để hướng dẫn Luật XLVPHC dự kiến Bộ Tư pháp sẽ xây dựng 2 Nghị định thì Nghị định này có thể được coi là Nghị định “đinh” nhằm hướng dẫn những vấn đề chung nhất, bảo đảm thi hành khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2012. Để có cơ sở cho việc triển khai xây dựng Dự thảo Nghị định, Thường trực Tổ biên tập đã đề xuất phạm vi của Nghị định điều chỉnh 14 vấn đề chủ yếu.

Cụ thể như sau: nguyên tắc xử phạt; nguyên tắc quy định và áp dụng hình thức xử phạt; thẩm quyền của Chính phủ trong việc quy định biện pháp khắc phục hậu quả; trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức VPHC; thi hành quyết định xử phạt VPHC trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản; thủ tục nộp tiền phạt; thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu; quy định về chứng từ thu, nộp tiền phạt; giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp XLHC trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp XLHC; quy định về thủ tục áp dụng các biện pháp XLHC; quy định về XLVPHC đối với người chưa thành niên.

Một thành viên Tổ biên tập cũng nêu lên một số vấn đề cụ thể cần xin ý kiến Ban soạn thảo, như tiêu chí (nguyên tắc) để xác định khi nào quy định và áp dụng các hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện VPHC, trục xuất là hình thức xử phạt chính, khi nào thì áp dụng là hình thức xử phạt bổ sung; có nên hướng dẫn thế nào là hậu quả lớn, có ảnh hưởng xấu…

Chỉ hướng dẫn những vấn đề chung nhất

Theo Luật XLVPHC có khoảng 20 điều được giao cho Chính phủ quy định chi tiết, trong đó có cả những điều cần được quy định chung và những điều thuộc các lĩnh vực chuyên ngành. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào đề xuất của Thường trực Tổ biên tập thì có nhiều nội dung không được Luật giao. Vì vậy đã có một số thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tỏ ra băn khoăn.

Đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: Điều 142 Luật XLVPHC “khóa chặt” là Chính phủ chỉ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật. Tuy nhiên, đối với các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng, Luật chưa quy định khi nào áp dụng hình thức xử phạt chính, khi nào áp dụng cả hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả. Từ đó, vị này đề xuất: “cần hướng dẫn nguyên tắc áp dụng trong Nghị định này, nếu không quy định thì các Bộ, ngành áp dụng sẽ không thống nhất”.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Hoàng Quốc Hùng đặt câu hỏi: “Với quy định tại Điều 142, ngoài những điều, khoản được Luật giao mà Chính phủ thấy cần hướng dẫn thì có được hướng dẫn thêm hay không?”. Ông Hùng thẳng thắn cho rằng không nên hướng dẫn thêm và mạnh dạn kiến nghị Dự thảo Nghị định này cần đột phá, không đi theo “lối mòn” vẫn tồn tại từ bao nhiêu năm nay.

“Phải cương quyết như vậy để không tiếp diễn tình trạng Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư, Thông tư không bằng công văn của các Bộ, ngành và cú điện thoại cuối cùng là to nhất, to hơn công văn, Thông tư, Nghị định và Luật”, ông Hùng nói.

Nhiều thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đồng tình với quan điểm của ông Hùng. Song cũng có ý kiến lo ngại, nếu chỉ hướng dẫn những điều, khoản mà Luật giao sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Kết luận về vấn đề trên, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng, phải rà soát lại những điều, khoản cần quy định chi tiết theo ủy quyền của Quốc hội, đồng thời cũng hướng dẫn những điều, khoản chưa rõ để bảo đảm thi hành, nhưng phải “chọn” đúng các vấn đề thực sự “vướng mắc”, “xác đáng”.

Theo Uyên San
Pháp luật Việt Nam