1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM:

Hoãn xử phúc thẩm "kỳ án vườn mít"

(Dân trí) - Do có thêm luật sư nhận bào chữa miễn phí nhưng chưa có thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ và vắng nhiều nhân chứng quan trọng, HĐXX phiên tòa phúc thẩm vụ kỳ án vườn mít đã quyết định hoãn phiên tòa.

Sáng 6/5, TAND tối cao tại TPHCM mở phiên tòa phúc thẩm vụ kỳ án vườn mít xảy ra ở xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước cách đây gần 10 năm về trước. Bị cáo Lê Bá Mai (SN 1982, quê Thanh Hóa, ngụ Bình Phước) bị đưa ra xét xử về 2 tội: “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”. Ngay từ sáng sớm, Mai đã được dẫn giải đến tòa phúc thẩm. Tâm trạng bị cáo bình thản và đủ bình tĩnh để trao đổi với các luật sư bào chữa cho mình.

Trong phiên tòa phúc thẩm lần này, ngoài 2 luật sư quen thuộc là Trịnh Thanh (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TPHCM), luật sư Huỳnh Thế Tân (Đoàn Luật sư TPHCM) cũng được gia đình bị cáo ngỏ lời mời. Luật sư Tân cũng đã đồng ý tham gia cùng 2 đồng nghiệp bào chữa miễn phí cho Lê Bá Mai.
 
Lê Bá Mai tại phiên tòa phúc thẩm
Lê Bá Mai tại phiên tòa phúc thẩm

Trong quá trình tiến hành các thủ tục phiên tòa, luật sư Tân cho biết, do mới tiếp cận hồ sơ vụ án nên chưa có đủ thời gian nghiên cứu kỹ. Luật sư Tân đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa để mình có thời gian nghiên cứu thêm các tình tiết liên quan trong vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo.

Khi được chủ tọa hỏi ý kiến về việc luật sư Tân xin hoãn, bị cáo Lê Bá Mai cho biết: “Vẫn muốn luật sư Tân bào chữa nên xin HĐXX hoãn phiên tòa để luật sư nghiên cứu hồ sơ”.
 
Lê Bá Mai hầu tòa lần này có đến 3 luật sư bào chữa miễn phí
Lê Bá Mai hầu tòa lần này có đến 3 luật sư bào chữa miễn phí
 
Các luật sư Trịnh Tranh, Bùi Quang Nghiêm cũng đề nghị HĐXX chấp thuận yêu cầu của luật sư Tân. Đồng thời, luật sư Nghiêm cho rằng, vụ án hết sức phức tạp nhưng các nhân chứng có lời buộc tội Lê Bá Mai như Thị Hằng, Thị Đê… lại vắng mặt. Do vậy, cần hoãn phiên tòa để triệu tập các nhân chứng này. Hơn nữa, bản án giám đốc thẩm có đề cập đến vấn đề ép cung, dụ cung. Do vậy, luật sư Nghiêm đề nghị cần triệu tập thêm điều tra viên, kiểm sát viên để làm rõ vấn đề này mà án giám đốc thẩm nêu.
 
Số phận bị cáo 2 lần bị tuyên án tử, 1 lần tuyên vô tội, 1 lần chung thân vẫn chưa được định đoạt
Số phận bị cáo 2 lần bị tuyên án tử, 1 lần tuyên vô tội, 1 lần chung thân vẫn chưa được định đoạt

Đại diện VKSND tối cáo, Kiểm sát viên Nguyễn Văn Thêm cho rằng, yêu cầu của các luật sư là chính đáng, cần có một phiên tòa công khai, khách quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo nên đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.

Sau khi hội ý, HĐXX đã đồng ý cho hoãn phiên tòa để triệu tập nhân chứng và tạo điều kiện cho luật sư bào chữa có thời gian nghiên cứu hồ sơ. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 20/5.
 
Cha mẹ bị hại lặn lội từ Bình Phước xuống TPHCM với hy vọng
Cha mẹ bị hại lặn lội từ Bình Phước xuống TPHCM với hy vọng biết được cái kết của vụ án nhưng phiên tòa lại hoãn.

Theo cáo trạng của viện kiểm sát, sáng 12/11/2004, Lê Bá Mai thấy bé Thị Út (11 tuổi, ngụ xã An Khương, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước) và chị họ đang mót sắn gần nơi Mai làm nên nảy sinh ý định giao cấu. Mai lấy xe máy chạy đến rủ Út đến khu vườn mít ở gần đó rồi dùng tay đánh vào gáy Út bất tỉnh để hiếp dâm. Thực hiện xong hành vi đồi bại, Mai thấy Út còn sống và sợ bị tố cáo nên lấy quần của nạn nhân siết cổ Út đến chết.

Biết Út đã chết, Mai vùi xác vào một cây mít và trở về chòi tắm rửa, ăn cơm như không có chuyện gì xảy ra. Đến ngày 16/11/2004, người thân của Út phát hiện thi thể Út trong vườn mít (thuộc trang trại của ông Dương Bá Tuân) trong tình trạng không mặc quần, xác đã phân hủy. Theo lời khai của nhân chứng, cơ quan công an đã bắt Lê Bá Mai về 2 tội: “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”.

Công Quang