1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

“Đại án” VNCB: “Gã khổng lồ” chui lọt lỗ kim

(Dân trí) - Trong thời gian Phạm Công Danh nắm quyền kiểm soát VNCB, ngân hàng này nằm dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, tất cả các giao dịch có giá trị trên 5 tỷ đồng đều phải báo cáo. Tuy nhiên, bằng nhiều thủ đoạn, Danh vẫn thực hiện hàng loạt giao dịch trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.

14h chiều 20/7, đại diện VKS TPHCM tiếp tục công bố cáo trạng vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Bị cáo Danh sức khỏe yếu nên HĐXX tiếp tục cho phép vào khu vực phía sau phòng xử để các y bác sĩ chăm sóc.

Trong phần cáo trạng này, công tố viên làm rõ các thủ đoạn mà Danh và đồng phạm dùng để rút hàng chục nghìn tỷ đồng từ 1 ngân hàng đang hoạt động thua lỗ, âm vốn.

Đặc biệt, VNCB thời điểm đó đang bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, mọi giao dịch có trị giá từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát – Ngân hàng Nhà nước. Thế nhưng, bị cáo Phạm Công Danh vẫn thực hiện được những phi vụ rút tiền nghìn tỷ bằng các thủ đoạn đơn giản.

Bị cáo Danh liên tục than mệt và được HĐXX cho nghỉ ở sau phòng xử và có bác sĩ chăm sóc
Bị cáo Danh liên tục than mệt và được HĐXX cho nghỉ ở sau phòng xử và có bác sĩ chăm sóc

Cụ thể, để qua mặt Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước, Danh chấp nhận đề xuất của Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) là sẽ rút tiền thông qua việc nâng cấp hệ thống Corebanking. Đây là một trong những nội dung của Đề án tái cơ cấu VNCB đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nên chắc chắn sẽ được thông qua.

Sau khi bàn bạc, Mai Hữu Khương soạn thảo hợp đồng khống với nội dung Công ty An Phát (do Danh thuê người khác đứng tên) sẽ cung cấp gói dịch vụ nâng cấp hệ thống Corebanking cho VNCB với giá 252 tỷ đồng. VNCB đã chuyển khoản tạm ứng cho An Phát 63,276 tỷ đồng. Sau đó, Danh cho người rút số tiền này để trả lãi vượt trần, chi chăm sóc khách hàng chứ thực ra không thực hiện dự án nào.

Tháng 6/2013, cũng để có tiền trả nợ, Danh chỉ đạo Mai Hữu Khương cùng các thuộc cấp lập khống hợp đồng thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành giữa VNCB với một “công ty ma” khác có tên là Trung Dung (do Danh thuê Nguyễn Văn Bình - lái xe của Thiên Thanh đứng tên Tổng Giám đốc). Với lý do thanh toán tiền thuê mặt bằng, VNCB chuyển khoản cho Trung Dung 201 tỷ đồng rồi Danh rút ra sử dụng.

Tương tự, Danh cùng đồng phạm tiếp tục lập hợp đồng thuê trụ sở khống tại 816 Sư Vạn Hạnh để “rút ruột” thêm của VNCB 400 tỷ đồng.


Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB, cánh tay đắc lực giúp Danh thực hiện các giao dịch trá hình để rút vốn VNCB, ra tòa vẫn cười tươi.

Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB, cánh tay đắc lực giúp Danh thực hiện các giao dịch trá hình để rút vốn VNCB, ra tòa vẫn cười tươi.

Vậy tiền của VNCB ở đâu ra để Danh rút khi tại thời điểm trên VNCB đang trong tình trạng “cạn tiền”?

Để giải bài toán này, Danh khai nhận đã thông qua trung gian nhờ 1 nhóm nhà đầu tư (chủ yếu là bà Trần Ngọc Bích và gia đình) gửi tiền vào VNCB. Sau đó, nhóm này vay lại tiền từ VNCB bằng tài sản thế chấp là các sổ tiết kiệm mà họ đã gửi trước đó. Phạm Công Danh chỉ đạo các thuộc cấp lập hồ sơ cho nhóm nhà đầu tư trên vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm. Sau khi VNCB giải ngân số tiền vay trên cho nhóm đầu tư thì nhóm này sẽ chuyển lại cho Danh sử dụng.

Trong thời gian này, hai bên đã có 16 lần với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm với tổng số tiền VNCB đã giải ngân là hơn 17.760 tỷ đồng, trong đó có hơn 16.260 tỷ đồng được chuyển đến tài khoản của Phạm Công Danh.

Tuy nhiên, bà Trần Ngọc Bích khai không có quan hệ gì với Phạm Công Danh. Năm 2012, Phạm Thị Trang (còn gọi là Trang "Phố Núi") gọi điện cho bà này đề nghị gửi tiền vào Trustbank (sau đổi tên là VNCB) và giới thiệu gặp Hoàng Đình Quyết là Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn gửi tiền tiết kiệm.

Sau đó, do cần tiền kinh doanh nên bà Bích đề nghị VNCB cho vay lại thông qua hình thức cầm cố sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, Trang "Phố Núi" lại đề nghị bà Bích cho vay lại số tiền bà Bích đã vay của VNCB. Các lần vay này Trang đều chỉ định bà Bích chuyển tiền vào tài khoản Phạm Công Danh nên bà Bích chuyển đến.

Bà Trần Ngọc Bích không thừa nhận cho Danh vay tiền và chỉ thừa nhận có cho Phạm Thị Trang vay tiền và hai bên đã thanh toán xong, không thừa nhận thỏa thuận nhận lãi ngoài. Không có tài liệu nào thể hiện thỏa thuận vay mượn giữa nhóm bà Bích với Danh. Căn cứ tài liệu, chứng cứ điều tra đến nay chưa đủ căn cứ để xác định hành vi của Ngọc Bích là đồng phạm giúp sức cho Danh.

Ngoài những lần giao dịch đã tất toán trên của 2 bên, Phạm Công Danh còn tự ý rút gần 5.200 tỷ đồng từ tài khoản của bà Bích tại VNCB (do VNCB giải ngân các khoản bà vay bằng cách cầm sổ tiết kiệm) mà không có chữ ký của bà này. Ngoài ra, còn có 300 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm đứng tên 3 cá nhân trong nhóm bà Bích nhưng cũng bị Danh chỉ đạo rút ra chi tiêu mà không hề có hồ sơ chứng từ.

Hiện nay, nhóm bà Bích đang yêu cầu VNCB trả lại 124 sổ tiết kiệm với số tiền 5.881 tỷ đồng mà nhóm này đã gửi tại VNCB. Vì lý do số tiền của bà Bích vay 5.190 tỷ đồng bằng việc cầm 124 sổ tiết kiệm trên được VNCB chuyển vào tài khoản của bà nhưng đã bị Danh tự ý lấy sử dụng. 3 sổ tiết kiệm khác cũng bị Danh tự ý lấy ra 300 tỷ đồng.

Trong quá trình điều tra, VKS đã có yêu cầu điều tra làm rõ vai trò trách nhiệm của bà Ngọc Bích và những người liên quan trong nhóm này nhưng kết quả chưa đáp ứng. Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX tiếp tục điều tra công khai làm rõ tại phiên tòa để tránh bỏ lọt tội phạm và việc giải quyết tài sản kê biên là 124 sổ tiết kiệm của nhóm bà Ngọc Bích đảm bảo căn cứ, đúng quy định pháp luật.

16h30, phiên tòa ngày 20/7 kết thúc. Cáo trạng còn hơn 10 trang sẽ tiếp tục được tuyên đọc trong ngày mai, 21/7. Sau đó, tòa sẽ bắt đầu phần xét hỏi.

Tùng Nguyên – Xuân Duy