“Đại án” ngành đường sắt: 6 quan chức "chia nhau" 52 năm tù

(Dân trí) - Sau gần hai ngày xét xử, đến trưa ngày 27/10, HĐXX vụ án 6 quan chức ngành đường sắt Việt Nam lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã tuyên án các bị cáo.

“Đại án” ngành đường sắt: 6 quan chức "chia nhau" 52 năm tù - 1
Chủ tọa tuyên án các bị cáo nguyên là quan chức ngành đường sắt
Chủ tọa tuyên án các bị cáo nguyên là quan chức ngành đường sắt

11h50, Chủ tọa phiên tòa Trương Viêt Toàn đọc bản án sơ thẩm dành cho các bị cáo. Cả 6 bị cáo nguyên là quan chức ngành đường sắt, công tác tại Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU) đều bị tuyên phạt về tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3, Điều 281 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, Phạm Hải Bằng (SN 1969, nguyên Phó Giám đốc BQL các dự án đường sắt (RPMU) - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) bị tuyên phạt 12 năm tù; Nguyễn Nam Thái (SN 1977, nguyên Trưởng phòng Dự án 3 - RPMU) bị tuyên phạt 11 năm tù; Phạm Quang Duy (SN 1975, nguyên Phó Giám đốc RPMU) bị tuyên phạt 8 năm, 6 tháng tù;

Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962, nguyên Giám đốc RPMU) nhận mức án 7 năm 6 tháng tù; Trần Văn Lục (SN 1958, nguyên Giám đốc RPMU) bị tuyên 5 năm 6 tháng tù; Trần Quốc Đông (SN 1964, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU) 7 năm 6 tháng tù.

HĐXX quyết định truy thu số tiền 11 tỷ đồng các bị cáo đã nhận từ nhà thầu Nhật Bản, sung công quỹ nhà nước.

“Luận” vai trò từng bị cáo

Bản án sơ thẩm xác định, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc thỏa thuận với nhà thầu JTC để chi tiền ngoài hợp đồng của các bị cáo Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay vốn ODA.

Các bị cáo Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu và Phạm Quang Duy biết việc nhận tiền từ nhà thầu JTC của Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái và đã đồng tình để sự việc phạm tội diễn ra trong khoản thời gian dài tại RPMU.

Theo bản án, chính quyền Nhật Bản trước đó đã xét xử JTC về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Quá trình các cơ quan tố tụng Việt Nam điều tra vụ án này, do hợp tác tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Nhật Bản gặp khó khăn nên không chuyển giao được các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi nhận hội lộ của các bị cáo. Vì vậy, việc truy tố, xét xử các bị cáo với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là có căn cứ.

Trong vụ án này, Phạm Hải Bằng được xác định là người chịu trách nhiệm chính. Từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, Phạm Hải Bằng, với vai trò Chủ nhiệm dự án “Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn 1”, đã nhiều lần trực tiếp nêu khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, đàm phán với JTC để nhà thầu hỗ trợ kinh phí.

Phạm Hải Bằng nhiều lần trực tiếp nhận tiền và chỉ đạo Thái và Duy nhận tiền. Số tiền này được chi sử dụng các công việc chung, trong đó có quyền lợi cá nhân. Bằng là người cầm đầu và là người sử dụng phần lớn số tiền nên phải chịu mức hình phạt cao nhất.

Phạm Quang Duy với vai trò là điều phối viên của dự án tuyến đường sắt số 1 đã nhận tiền từ JTC và từ Phạm Hải Bằng, dưới sự chỉ đạo của Bằng. Số tiền nhận từ JTC được sử dụng chi tiêu chung, Duy hưởng lợi chung như mọi người và hưởng lợi cá nhân 34 triệu đồng. Bản án xác định, Duy là đồng phạm tích cực nên phải nhận mức án cao sau mức án dành cho Phạm Hải Bằng.

Nguyễn Nam Thái cũng được đánh giá là đồng phạm tích cực với Phạm Hải Bằng trong vụ án này. Thái, dưới sự chỉ đạo của Bằng, đã nhiều lần gửi email cho nhà thầu Nhật Bản yêu cầu chuyển tiền cho ban dự án và một lần nhận tiền trực tiếp.

Các bị cáo Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu và Trần Văn Lục, với vai trò Giám đốc RPMU trong các giai đoạn, dù được Phạm Hải Bằng báo cáo về việc nhận tiền từ JTC, biết đây là việc làm trái pháp luật nhưng không ngăn chặn mà bỏ mặc cho sự việc diễn ra trong thời gian dài. Bản thân 3 bị cáo đều được hưởng lợi từ việc làm trên của Phạm Hải Bằng và các thuộc cấp.

Tiến Nguyên