1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hậu Giang:

Cha khóc trên tòa vì con gái bị… động kinh

Người đàn ông trung niên tóc lấm tấm hoa râu đăm chiêu chậm chạp bước vào trụ sở TAND huyện Châu Thành. Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tháng rưỡi ông phải đến tòa để nghe xét xử nhưng không phải vì lỗi lầm của ông mà do tội đứa con gái bị “khùng” gây ra.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Càng đau lòng hơn khi người mà nó đã nhắm tới lại là thím của nó, tức là người vợ em trai thứ Năm của ông. Trong lúc chờ đợi Tòa làm việc, ông ngậm ngùi nhớ lại những việc xảy ra...

20 tuổi, ông cưới vợ, sau đó vợ ông sinh 3 người con, 2 gái, 1 trai. Cuộc sống tuy có phần vất vả nhưng vợ chồng ông cũng phần nào hạnh phúc khi nhìn thấy 3 đứa con ngày một khôn lớn, trưởng thành.

Bất hạnh chỉ đổ xuống gia đình ông khi cô con gái thứ hai tên Lê Thị Tố Quyên (SN 1979, ngụ xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đổ bệnh động kinh vào năm 1999 và trở thành cô gái “điên điên khùng khùng” không còn khả năng lao động, bị người yêu ruồng bỏ khi tuổi còn chưa đầy 20. Thương con, ông đưa Quyên đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm.

Sáng 18/5/2010, ông phải ra ủy ban xã họp dân bàn xét hộ nghèo. Ở nhà, Quyên dùng dao... đâm người thím dâu thứ năm gây thương tích nặng. Nạn nhân chỉ nói được một câu: “Trời ơi, chết tôi rồi!”, sau đó ngất xỉu. Nhờ được đi cấp cứu kịp thời, bà Điệp thoát chết nhưng bị tổn hại 21% sức khỏe.

Theo kết quả giám định pháp y tâm thần thì về y học: Trước, trong và sau khi gây án, đương sự Tố Quyên có bệnh động kinh cơn lớn có biến đổi nhân cách; về pháp luật: Đương sự gây án ngoài cơn, vẫn có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh. Từ cơ sở này, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Quyên về tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, xét thấy Quyên bị bệnh, đang còn phải uống thuốc điều trị hàng ngày nên không bắt tạm giam mà chỉ ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra.

Vậy nếu đương sự gây án khi không ở trong cơn động kinh thì đâu là động cơ thực sự của Quyên khi đâm bà Điệp?. Bà Điệp cho rằng có thể Quyên đã bị ông Tư Minh xúi giục do 2 ngày trước khi xảy ra vụ án, ông Minh hỏi mượn bà 300.000 đồng không được nên nảy sinh lòng thù ghét. Thậm chí, bà Điệp cho rằng lúc đó chính ông Minh đã nói với bà: “Tao kêu nó đâm mày đấy, mày làm gì được tao”, tiếc là không có ai làm chứng.

Trong khi đó, Quyên khai cô ta gây án do có sự thù hằn với bà Điệp vì từ hơn 2 năm trước, Quyên đã nghe người khác (không nhớ là ai) nói lại rằng bà Điệp đã đi nói với nhiều người (cũng không xác định được là nói với ai) rằng Quyên đi làm đĩ, cặp kè với nhiều người đàn ông để “kiếm tiền uống cà phê”.

Vì chuyện này, Quyên thường xuyên chửi bới, hăm dọa bà Điệp: “Bà còn nhiều chuyện là có ngày dao Thái ăn bà đó!”. Tuy nhiên, gia đình Quyên xác định đây đều là những điều do cô ta tưởng tượng ra. Thậm chí Quyên còn thường đi rêu rao với người ngoài rằng cô ta “bị mẹ bỏ đói, bỏ khát, không cho ăn uống...”.

Trong phiên tòa sơ thẩm lần 1, HĐXX nhận thấy bị cáo Tố Quyên có nhiều biểu hiện tâm thần bất bình thường nên đã tuyên hoãn phiên tòa để yêu cầu Viện giám định pháp y tâm thần trung ương - Phân viện phía Nam giải thích về kết luận giám định của mình để có cơ sở xử lý bị cáo.

Sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan giám định pháp y tâm thần khẳng định bị cáo vẫn có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, Tòa tiếp tục mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ hai.

Lần này, do Quyên đang điều trị bệnh lại hay bị kích động nên đã làm đơn xin Tòa xử vắng mặt. Trong khi người bị hại và cũng là thím dâu của bị cáo vẫn cương quyết đề nghị Tòa cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian (xử tù giam) để bị cáo không còn đe dọa gia đình bà nữa vì sau khi gây án Quyên vẫn liên tục đe dọa sẽ tiếp tục hành hung các thành viên trong gia đình bà khiến mọi người lo lắng mất ăn mất ngủ.

Còn nếu xác định bị cáo có bệnh (động kinh) thì yêu cầu đưa bị cáo vào các trung tâm điều trị cho hết bệnh. Riêng về phần trách nhiệm dân sự bà Điệp chỉ yêu cầu cha mẹ bị cáo bồi thường tiền thuốc men điều trị và tiền tàu xe đi lại là 12 triệu đồng.

Đáp lại, cha của bị cáo thừa nhận lỗi lầm của con gái mình và đồng ý sẽ bồi thường toàn bộ số tiền còn lại (6 triệu đồng) cho người em dâu nhưng xin Tòa cho bị cáo hưởng tù treo và ở nhà để gia đình ông chăm sóc, quản lý cho hết bệnh. Nói dứt câu, hai hàng nước mắt đã chảy dài trên hai gò má đen rạm nắng của người đàn ông lam lũ, bất hạnh.

Tòa nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm hại đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, sau khi phạm tội, bị cáo đã thành khẩn khai báo; gia đình đã bồi thường khắc phụ một phần hậu quả cho người bị hại; khi phạm tội đang bị bệnh hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình...

Vì lẽ đó, Tòa tuyên phạt Tố Quyên 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 4 năm, giao cho gia đình và chính quyền địa phương giám sát, giáo dục. Tòa cũng tuyên buộc hai cha con bị cáo phải bồi thường cho người bị hại thêm 6 triệu đồng.

Kết thúc phiên tòa, khuôn mặt của người đàn thương con đã rạng ra một chút. Trong khi đó, người em dâu thì rầu rĩ như đang lo lắng cho những ngày tiếp theo sẽ ra sao nếu Quyên lại lên cơn...

Theo Thanh Tâm

Pháp luật Việt Nam