Ô tô nhiệt tình giúp CSGT chặn bắt xe máy đi ngược chiều trên Vành đai 2

Nhật Minh

(Dân trí) - Một cú bẻ lái nhẹ của tài xế ô tô đã chặn đứng người đi xe máy ngược chiều ở đường Vành đai 2 trên cao (Hà Nội), giúp CSGT bớt công sức rượt đuổi.

Sự việc được camera hành trình lắp ở cả phía trước và sau của một xe ô tô chạy trên đường Vành đai 2 trên cao ghi lại vào sáng 2/11.

Ô tô nhiệt tình giúp CSGT chặn bắt xe máy đi ngược chiều trên Vành đai 2 (Video: Kien Nguyen/Otofun).

"Thật kỳ lạ, việc xe máy đi lên đường Vành đai 2 diễn ra khá thường xuyên, báo đài phản ánh nhiều, lực lượng chức năng cũng đã ra quân xử lý mà có vẻ vẫn như "bắt cóc bỏ đĩa".

Cùng với việc chặn bắt và xử phạt, có lẽ CSGT nên bố trí chốt chặn ngay ở lối lên, đồng thời nên xem xét việc tăng mức phạt", tài khoản Hoàng Đức nêu ý kiến sau khi xem clip được chia sẻ trên mạng xã hội.

"Việc đi xe máy ngược chiều trên đường bình thường đã nguy hiểm, đi ngược chiều trên đường dành riêng cho ô tô, đường cao tốc còn nguy hiểm hơn nhiều lần. Có lẽ cần áp dụng hình thức tạm giữ phương tiện đối với các trường hợp vi phạm", tài khoản Hùng Anh bình luận.

Trong khi đó, tài khoản Thảo Anh cho rằng việc đi xe máy lên đường Vành đai 2, Vành đai 3 không chỉ vi phạm luật giao thông đường bộ, mà còn gây nguy hiểm cho chính người điều khiển xe máy; đồng thời có thể gây họa cho ô tô đi đúng luật.

Đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (Hà Nội) được thiết kế với 4 làn xe chạy ở hai chiều, với tốc độ lưu thông tối đa là 80km/h, đoạn cầu nhánh 60km/h. Đây là tuyến đường chỉ dành cho ô tô, có biển cấm xe gắn máy, xe mô tô, xe đạp, người đi bộ. 

Về chế tài xử phạt, theo Khoản 10 Điều 6 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), người điều khiển xe máy bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng với lỗi đi vào đường cấm, khu vực có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Mức phạt 400.000-600.000 đồng được đánh giá là chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Trong thời gian tới, có lẽ các cơ quan chức năng nên nghiên cứu tăng mức phạt, kết hợp với việc thường xuyên kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm này.