Kinh nghiệm lái xe từ thực tế:

Ô tô dừng thay lốp trên làn đường cho phép xe chạy tới 90km/h

Nhật Minh

(Dân trí) - Không chỉ thay lốp trên làn đường cho phép ô tô chạy với tốc độ lên tới 90km/h, chiếc xe này còn dừng ở ngay góc cua khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ va chạm rất cao.

Sự việc được cho là diễn ra vào sáng 8/3 trên đường Võ Nguyên Giáp (Hà Nội). 

Theo đó, xe có camera hành trình suýt chút nữa đã đâm vào chiếc ô tô đang dừng ở làn ngoài cùng bên trái để xử lý sự cố về lốp.

Ô tô dừng thay lốp trên làn đường cho phép xe chạy 90km/h cực nguy hiểm (Video: OFFB).

Trên thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn dẫn đến chết người vì xe gặp sự cố, dừng giữa đường.

Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, đã xảy ra vụ tai nạn khiến 5 người tử vong ở Lạng Sơn, với nguyên nhân được xác định là do ô tô 16 chỗ đi đến đoạn dốc, cua, trời tối không có đèn đường trên quốc lộ đã đâm vào phần đuôi bên trái của ô tô đầu kéo rồi văng sang bên trái đường. 

Cùng lúc này, ô tô đầu kéo khác đi đến, tiếp tục va chạm với xe 16 chỗ.

Ô tô dừng thay lốp trên làn đường cho phép xe chạy tới 90km/h - 1

Hiện trường vụ tai nạn vào sáng 31/10/2023 tại Lạng Sơn (Ảnh: Cục CSGT).

Theo báo cáo, tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe đầu kéo thứ nhất bị hư hỏng, đang dừng, đỗ trên phần đường dành cho xe cơ giới, có đặt vật cảnh báo phía sau, cách đuôi xe khoảng 16m. 

Với điều kiện đường tối và xe di chuyển nhanh, khoảng cách 16m rõ ràng không đủ để tài xế xe phía sau đánh lái tránh xe đầu kéo và phanh dừng lại hẳn

Một vụ tai nạn khác xảy ra vào tháng 10/2018 khi chiếc xe bán tải đang di chuyển trên cầu Nhật Tân (Hà Nội) bất ngờ gặp sự cố, tài xế phải dừng lại để khắc phục và đã bị ô tô 16 chỗ di chuyển cùng chiều tông tử vong tại chỗ.

Về nguyên tắc, khi xe phải dừng khẩn cấp, vì gặp sự cố, tai nạn, hoặc hết xăng, việc đầu tiên tài xế cần làm là bật đèn khẩn cấp (đèn hazard), rồi cố gắng đưa xe vào trong làn dừng khẩn cấp; với xe nhỏ, nên đẩy xe vào lề đường bên phải.

Ngoài việc bật đèn khẩn cấp, cần đặt các vật dụng cảnh báo nguy hiểm, như tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón,... Nếu không mang sẵn những thứ này trên xe, có thể sử dụng cành cây lớn, đèn pin... để thu hút sự chú ý của các tài xế khác.

Nên đặt các vật dụng cảnh báo nguy hiểm ở phía sau xe dừng đỗ với một khoảng cách phù hợp, để tài xế các xe phía sau có đủ thời gian giảm tốc độ và đánh lái tránh.

Về khoảng cách phù hợp để đặt vật cảnh báo, có thể tham khảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ, dù bộ quy chuẩn này hiện được thay bằng QCVN 41:2019/BGTVT. 

Theo đó, với tốc độ vận hành trung bình của xe là dưới 20km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là dưới 50m.

Tốc độ vận hành trung bình của xe là 20-35km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 50-100m.

Tốc độ vận hành trung bình của xe là 35-50km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 100-150m.

Tốc độ vận hành trung bình của xe là từ 50km/h trở lên thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 150-250m.

Như vậy, với điều kiện giao thông bình thường trên quốc lộ, đường cao tốc, khoảng cách phù hợp để đặt vật cảnh báo nguy hiểm là 150-250m.

Bên cạnh đó, nếu có thể, hãy xếp các cọc tiêu hình nón tạo thành một barrier di động, để các xe khác không lao vào khu vực có xe gặp sự cố. 

Để đảm bảo an toàn tính mạng, khi xe gặp sự cố, tất cả mọi người nên rời khỏi xe, di chuyển ra phía sau lan can đường hoặc khu vực càng xa làn đường xe chạy càng tốt. 

Độc giả Dân trí cùng chung tay vì giao thông an toàn

Với mục tiêu xây dựng môi trường giao thông an toàn và thuận lợi hơn, báo Dân trí mở diễn đàn: "Độc giả Dân trí cùng chung tay vì giao thông an toàn", mong muốn kêu gọi sự đóng góp và phản ánh thông tin từ độc giả.

Độc giả có thể gửi phản ánh của mình thông qua email: bandoc@dantri.com.vn, qua số điện thoại đường dây nóng: 0973-567-567. Thông tin gửi về sẽ được tiếp nhận và xử lý một cách nhanh chóng.

Khi phản ánh tới đường dây nóng cần có đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, biển kiểm soát phương tiện, hành vi vi phạm hoặc vấn đề gây mất trật tự an toàn giao thông.